THCL - Hội chợ triển lãm Thành tựu kinh tế Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh 2016, diễn ra từ ngày 12/10 - 18/10, thu hút rất nhiều lượt khách tới tham quan cũng như mua sắm. Tuy nhiên, tại hội chợ, những sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan?

Nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ninh đã phối hợp với Công ty TNHH Hạ Long Event tổ chức Hội chợ Triển lãm Thành tựu kinh tế Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh 2016.

Hội chợ đã thu hút trên 350 doanh nghiệp đăng ký với quy mô 436 gian hàng. Trong đó, có 36 gian hàng ẩm thực giới thiệu các món ăn của địa phương, 56 gian hàng OCOP được miễn phí toàn bộ kinh phí thuê gian hàng và hơn 300 gian hàng thương mại của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Quần áo người lớn “đại đại hạ giá”; rổ rá, xô chậu, lồng bàn, thực phẩm chức năng, dây lưng, ví da, ấm, chén… là những mặt hàng được đưa vào bày bán tại Hội chợ Triển lãm Thành tựu kinh tế Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh 2016. Thế nhưng, sản phẩm triển lãm thành tựu kinh tế thì không có nhiều mà thay vào đó là vô số mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không liên quan gì nội dung chủ điểm của hội chợ?

Các loại vũ khí “đội lốt” đèn pin được bày bán tại hội chợ

Theo ghi nhận của PV, ngoài những gian hàng OCOP được bày bán ở những lối đi chính vào hội chợ thì ở những ngã rẽ, hàng hóa Trung Quốc, hàng nhập lậu được bán tràn lan, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như tính độc hại của nó với người tiêu dùng.

Ghé vào một gian hàng bán đồ gia dụng, các loại đồ điện tử nhập lậu được bán tràn lan, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, khi hỏi tới vấn đề bảo hàng thì người chủ cửa hàng trả lời: “Đồ Trung Quốc lấy đâu ra bảo hành!”.

Ghi nhận tại một gian hàng bán đồ chơi trẻ em, chúng tôi lật nhiều sản phẩm lên để nhìn nhãn mác, xem thông tin giới thiệu sản phẩm và dấu hợp chuẩn, hợp quy, kiểm định mức độ an toàn (dấu CR), hầu hết các sản phẩm đều không có những quy chuẩn nào. Nhiều sản phẩm, chữ “Tàu” còn in rất rõ và không có nhãn phụ, không giới thiệu doanh nghiệp nào nhập khẩu.

“Năm nào chúng tôi cũng đi hội chợ, nhưng không mua, chủ yếu đi ngắm, giải trí thôi! Hàng hóa thì toàn đồ Trung Quốc mà nói là hàng Việt Nam, từ quần áo, giày dép, tới đồ gia dụng…”, chị Nguyễn Thị Dung, khách tham quan hội chợ cho hay.

“Rất là khó bán hàng khi chúng tôi bán những sản phẩm sạch, được kiểm định bên cạnh những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ như thế này. Ví dụ, tôi bán 1 kg thịt bò khô 900.000 đồng/kg, nhưng với những hàng không rõ nguồn gốc gần bên, họ chỉ bán 500.000 đồng. Tôi không hiểu, 500.000 đồng 1 cân thịt bò khô thì họ làm kiểu gì; trong khi thịt bò tươi sống đã 300.000 đồng/kg?”, bà Nguyễn Thị Lan, chủ một cửa hàng nói.

Bên cạnh những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, các loại dùi cui điện “đội lốt” đèn pin cũng được bày bán nhiều vô kể tại hội chợ. Các chủ gian hàng quảng bá “đây vừa là đèn pin, vừa có thêm công dụng tự vệ”.

Cầm trên tay chiếc đen pin “tự vệ” này, chủ cửa hàng “trình diễn” những tác dụng “kỳ diệu” của sản phẩm cho chúng tôi thấy. Những chiếc đèn pin được bao quanh là đinh ốc, có độ nhọn, thêm vào đó là công dụng “tuyệt vời” phát ra điện, có thể hạ gục được đối phương như chủ cửa hàng nói, càng cho chúng tôi thấy sự nguy hiểm khó có thể kiểm soát của những dụng cụ này.

Cờ bạc “đội lốt” văn hóa đánh cờ

Ghi nhận của PV vào tối ngày 12/10 (khai mạc hội chợ), nhiều nhóm chơi cờ tướng xuất hiện tại hội chợ. Ban đầu, ai cũng nghĩ rằng đây là văn hóa đánh cờ giao lưu của những người yêu thích môn cờ tướng truyền thống tại hội chợ. Tuy nhiên, tìm hiểu mới vỡ lẽ, đây chính là một hình thức cờ bạc ăn tiền.

Hình thức đánh bạc trá hình văn hóa đánh cờ tướng được chơi công khai tại hội chợ

Mỗi nhóm có 5 bàn cờ, mỗi bàn cờ được người chủ tạo những thế cờ khó khác nhau. Trò chơi được bắt đầu khi khách chơi đặt tiền và chọn thế đánh cờ, nếu người khách phá được thế cờ đó thì phần thưởng sẽ là một gấp đôi (đặt 100.000 đồng, sẽ được 200.000 đồng).

Khác với mọi năm, ở những hội chợ trước, những trò chơi dân gian dưới hình thức quay vòng bầu cua, những sòng bạc trá hình hoạt động công khai tại hội chợ. Tuy nhiên, năm nay cái “mới” của hội chợ lần này đó là hình thức đánh bạc đội lốt văn hóa đánh cờ.

“Tôi là người đánh cờ lâu năm, ban đầu cứ nghĩ giải trí không mất tiền, ai ngờ vào hỏi họ bảo đặt tiền ngay! Khó mà có thể ăn được của họ…”, một người lên tiếng.

Không chỉ chuyện cờ bạc. Nhiều người bức xúc khi giá vé của hội chợ cao 30.000 đồng/lượt, vé xe in 5.000 đồng, nhưng thực tế lại thu 10.000 đồng. Khi hỏi về vấn đề giá vé xe này, nhân viên trông xe nói “cả năm mới có 1 lần?”. Có lẽ, chính vì cả năm mới có 1 lần hội chợ như thế này nên người dân tới tham quan, mua sắm bị ăn chặn?

Và điều đáng buồn - có lẽ đang trở thành “hot” của Hội chợ triển lãm Thành tựu kinh tế Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh 2016 đó là vấn đề một ca sỹ ăn mặc hở hang, phản cảm, khi trình diễn trên sân khấu. Không biết do cố tình hay vô ý, nhưng việc này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của hội chợ năm nay.

Đây là một hội chợ lớn cấp tỉnh nhằm giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà Ban tổ chức Hội chợ triển lãm Thành tựu kinh tế Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh 2016 lại để xảy ra những vấn đề đáng tiếc như vậy? Và trách nhiệm của Ban tổ chức ở đâu trong vấn đề kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa tham gia hội chợ để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng?

Trần Trang