Tham dự Hội nghị, có: Ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch hiệp hội VATAP; đại diện Cục QLTT TP. HCM; Cục QLTT các tỉnh thành phía nam; hải quan; công an kinh tế; các sở ban ngành TP. HCM và đại diện Công ty HONDA Việt Nam.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại buổi Hội nghị, ông Nguyễn Đăng Sinh cho biết: Trong thời gian qua, tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn diễn biến rất phức tạp. Hầu hết các sản phẩm có thương hiệu, có uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng, đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng hiện nay vẫn trà trộn và có mặt khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị, thậm chí là các trung tâm thương mại cao cấp tại TP. HCM, Hà Nội…

Hầu hết các nhãn hiệu uy tín trong và ngoài nước, đều bị làm giả một cách tinh vi, từ màu sắc kiểu dáng, mẫu mã vô cùng phong phú với những mức giá khác nhau.., khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.

Theo số báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Tổng cục QLTT, từ 15/12/2022 – 30/6/2023, tổng số lần kiểm tra là 39.384 lần; tổng số vụ xử phạt là 23.714 vụ; thu ngân sách 261,5 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 118 vụ.

Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), Hiệp hội VATAP phối hợp với Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh, Công ty HONDA Việt Nam và được sự hỗ trợ từ Cục QLTT TP. HCM tổ chức buổi tập huấn, trao đổi với các lực lượng chức năng nhằm nâng cao khả năng đánh giá và phân biệt hàng thật, hàng giả do các chuyên gia của HONDA Việt Nam trình bày.

Trao đổi tại Hội nghị, ông Bùi Văn Định - Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ - Công ty HONDA Việt Nam cho hay: Trong 6 tháng đầu năm 2023, HONDA Việt Nam đã phối hợp với cục QLTT các địa phương, kiểm tra, xử lý 21 cửa hàng vi phạm tại 10 tỉnh; số lượng thu giữ 45 chiếc xe máy; phát hiện 14 nhà sản xuất nội địa xâm phạm SHTT HONDA.

Bên cạnh đó, phát hiện hàng chục nghìn phụ tùng giả được thu giữ hàng năm, trong đó phụ tùng thu giữ tập trung vào nhóm tính năng an toàn như: Má phanh, dây phanh, đĩa phanh,…

Trong đó, có các vụ việc điển hình:

Công an kinh tế Hà Nội đã phát hiện, xử lý đối với Công ty TNHH Hoàng Tiến về hành vi buôn bán phụ tùng giả, số lượng thu giữ là 5,224 phụ tùng.

Ngày 26/11/2022, Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh đã phối hợp cùng Đội QLTT số 02 – Cục QLTT TP. HCM xử lý cửa hàng kinh doanh phụ tùng Toàn Honda, có địa chỉ tại: Số 521 Tân Kỳ Tân Quý, Phường Tân Quý, Quận Tân Phú, TP. HCM.

Kết quả buổi kiểm tra và xử lý, Đội QLTT số 02 đã tiến hành tạm giữ 2294 sản phẩm phụ tùng (bao gồm 34 loại khác nhau) nghi ngờ giả mạo nhãn hiệu HONDA tại cửa hàng Toàn Honda.

Ngày 14/07/2023, Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh đã phối hợp cùng Đội QLTT số 4  (Cục QLTT TP. HCM) xử lý cửa hàng Nam Bắc kinh doanh xe máy nguyên chiếc xâm phạm quyền SHTT của HONDA.

Kết quả, tạm giữ 5 xe máy có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT của HONDA và nhiều xe máy vi phạm của các hãng khác.

Chủ tịch hiệp hội VATAP cùng đại diện các lực lượng chức năng tham qua, nhận diện sản phẩm chính hãng và hàng giả
Chủ tịch hiệp hội VATAP cùng đại diện các lực lượng chức năng tham qua, nhận diện sản phẩm chính hãng và sản phẩm giả

Trước thực trạng nêu trên, nhằm hỗ trợ cơ quan chức năng tự phát hiện và xử lý đối tượng kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT của HONDA, bảo vệ an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng, đại diện HONDA Việt Nam đã có những chia sẽ về cách nhận diện sản phẩm chính hãng, như:

Về đặc điểm xe máy chính hãng, đối với xe sản xuất trong nước, nếu cơ sở sản xuất in trên phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (giấy đăng kiểm) không phải là Công ty HONDA Việt Nam, thì nhãn hiệu, kiểu dáng có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT;

Đối với xe nhập khẩu, nếu thông tin in trên phiếu chứng nhận chất lượng Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp (giấy chứng nhận chất lượng an toàn, xuất xứ) không phải là Công ty HONDA, thì nhãn hiệu, kiểu dáng có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT.

Về tem phụ tùng Honda, có 11 yếu tố nhận diện chính & đã được đăng ký tại Cục SHTT, gồm: Logo Honda; mã số phụ tùng; tên phụ tùng; số lượng; tên địa chỉ: Công ty Honda Việt Nam; phụ tùng chính hiệu; Logo “Honda” in chìm, phản quang; tiêu chuẩn áp dụng: TCCS 01|2008|HVN; mã vạch; thông số kỹ thuật; ngày sản xuất.

Đối với dầu nhớt chính hãng có bề ngoài còn mới, không vết nhơ; số LOT rõ ràng, sắc nét; có 18 đinh nối giữa nắp và cổ chai; nhãn khi bóc không dán lại được, thông tin in ngược trên thân chai.

Về nhãn hiệu cửa hàng dịch vụ được Honda ủy nhiệm thường có 2 – 3 cột đỏ; lô gô Honda, lô gô cánh chim nằm ở vị trí cao hơn so với tên của hàng; Lô gô HEAD, HASS, Wing Service.

Về mũ bảo hiểm thì phía trước mũ có logo Honda; phía sau mũ là hình cánh chim và logo Honda Dấu hợp quy (CR); bên trong mũ in dập tên và thông tin nhà sản xuất; có 3 nhà sản xuất mũ bảo hiểm là Chita: Công ty TNHH SX TM Nhựa Chí Thành V.N, HCM, Protect: Công ty TNHH Thiết bị và sản phẩm an toàn VN, Vĩnh Phúc và Công ty TNHH Đầu tư Vidas, Vĩnh Phúc.

Lực lượng chức năng nhận diện sản phẩm chính hãng
Lực lượng chức năng nhận diện, phân biệt sản phẩm chính hãng, hàng giả

Cũng tại buổi hội nghị, đại diện Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh đã có đề xuất đối với các lực lượng chức năng:

Thường xuyên phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn phân biệt phụ tùng thật – vi phạm về quyền SHTT Honda cho lực lượng chức năng; tăng cường tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người bán, người mua về vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT;

Kiểm tra – xử lý các nhà sản xuất, phân phối và các cửa hàng bán xe máy vi phạm về kiểu dáng và nhãn hiệu;

Kiểm tra – xử lý các đối tượng sản xuất/buôn bán phụ tùng giả, phụ tùng vi phạm SHTT, đặc biệt là phụ tùng có liên quan đến tính năng an toàn;

Kiểm tra – xử lý đối tượng sản xuất, phân phối dầu, đối tượng sản xuất, phân phối mũ bảo hiểm  vi phạm nhãn hiệu;

Hỗ trợ, phối hợp với HONDA & Công ty luật đại diện sở hữu công nghiệp xử phạt hoặc cưỡng chế xử lý cửa hàng chống đối và xử lý đối tượng buôn bán xe máy/phụ tùng vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử...

Hàng giả quy định tại Luật SHTT:

• Định nghĩa tại Điều 213 LSHTT đã được sửa đổi bổ sung năm 2022.

• Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu  Xử phạt theo Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Xử lý theo giá trị hàng vi phạm.

• Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu giả Xử phạt theo Điều 13 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.

Hàng giả quy định tại Luật Thương mại:

• Hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng.

• Hàng giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá.

- Tên, địa chỉ thương nhân khác, tên thương mại, mã số, mã vạch…

- Chỉ dẫn về nguồn gốc, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp.

• Tem, nhãn bao bì hàng hoá giả.

Thuận Yến