Đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu và nhập khẩu
Theo báo cáo mới đây của World Bank, lý tưởng nhất là Việt Nam theo đuổi hợp tác song phương về đầu tư và thương mại, ví dụ thông qua WTO, nhưng nếu bối cảnh chính trị toàn cầu hiện nay gây khó khăn cho việc hợp tác đa phương đầy đủ, thì các hiệp định khu vực và đa biên có thể đáng theo đuổi hơn trong thời gian gần.
Ngoài ra, mặc dù các đối tác thương mại quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, nhưng hội nhập khu vực và kết nối với các nền kinh tế Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á đang nổi lên trở thành nghị trình ngày càng quan trọng, đặc biệt trong điều kiện những thị trường này đang có nhu cầu tăng trưởng nhanh chóng. Trong quá trình đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, chiến lược đó cũng đồng thời giúp nâng cao khả năng chống chịu các cú sốc và giảm nguy cơ dễ tổn thương do tập trung quá nhiều vào một số đối tác thương mại - Trung Quốc chiếm đến một phần tư xuất khẩu của Việt Nam còn Hoa Kỳ chiếm 30% xuất khẩu của quốc gia.
Vì vậy, theo World Bank, tiếp tục tăng cường quan hệ thương mại để chuyển từ quốc gia “kết nối” thành quốc gia đầu mối thương mại. Trong điều kiện chia rẽ kinh tế kinh tế chính trị, cách tiếp cận của Việt Nam theo hướng đa dạng hóa quan hệ thương mại và đầu tư thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại đa phương và song phương bổ trợ nhau sẽ đặc biệt hữu ích. Trong khi đó, các biện pháp duy trì khả năng tiếp cận thị trường ở các nền kinh tế lớn có thể tạo điều kiện để Việt Nam trở thành quốc gia “kết nối” và giúp cho quốc gia từng bước phát triển thành quốc gia đầu mối thương mại (không chỉ là quốc gia nhánh). Quốc gia đầu mối có vai trò là các điểm trung tâm trong các mạng lưới thương mại và chuỗi cung ứng, làm trung gian cho những lưu chuyển lớn giữa các chuỗi giá trị, có đặc trưng là năng lực công nghệ tiên tiến, với trình độ công nghệ cao, năng lực tổ chức và logistics vững chắc.
Đầu mối sẽ không chỉ là những trung tâm sản xuất mà còn là trung tâm của đổi mới sáng tạo và kiểm soát các chuỗi giá trị toàn cầu. Còn nhánh con là các quốc gia hoặc khu vực đang hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu chủ yếu thông qua kết nối với các đầu mối. Các nhánh thường chuyên sâu ở một số công đoạn sản xuất hoặc dịch vụ nhất định, là bộ phận của chuỗi giá trị lớn hơn do các đầu mối chủ trì. Nhánh con có thể được hưởng lợi qua chuyển giao công nghệ và đầu tư từ các đầu mối nhưng có thể cũng sẽ bị lệ thuộc vào đó để tiếp cận các thị trường toàn cầu và công nghệ tiên tiến.
Do đó, theo World Bank, Việt Nam cần quan tâm một số vấn đề như sau:
Chủ động định hình nghị trình hội nhập khu vực: Là một trong những nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất khu vực và là nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN có GDP tiệm cận nửa ngàn tỷ USD, Việt Nam đang ở vị thế cao để duy trì hệ thống đầu tư và thương mại mở và dựa trên quy tắc trong khu vực và trên toàn cầu. Mặc dù môi trường địa kinh tế hiện nay còn phức tạp, được định hình bởi nhiều yếu tố - cả kinh tế và chính trị - nhưng vị thế đang lên của Việt Nam trong khu vực và trên toàn cầu với tư cách là nền kinh tế mới nổi lớn sẽ tạo cơ hội để định hình hợp tác đem lại lợi ích cho nhau trong khu vực và trên toàn cầu. Qua phối hợp với các đối tác quốc tế trong ASEAN, RECEP, CPTPP và các khuôn khổ khác, Việt Nam có thể chủ động theo đuổi tăng cường chiều sâu các cam kết xoay quanh những nghị trình như thương mại số, hài hòa chuẩn mực, thương mại điện và khả năng kết nối.
Hạ thấp các rào cản chính sách phi thuế quan trong thương mại: Tầm quan trọng của việc hạ thấp các rào cản phi thuế quan từ lâu đã được công nhận là yếu tố đem lại lợi ích kinh tế lớn nhất trong các hiệp định thương mại. Trên cơ sở đối chiếu quốc tế và những nghiên cứu hiện có về tác động của các hiệp định thương mại có chiều sâu.
Ba chính sách lớn cho Việt Nam
World Bank đưa ra ba chính sách lớn dưới đây với kỳ vọng đem lại thành quả và lợi ích lớn nhất cho Việt Nam:
Một là đẩy mạnh tuân thủ với các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế: Các biện pháp kỹ thuật tương đương tiêu chuẩn sẽ cải thiện chất lượng sản phẩm, nhưng sự khác biệt về quy định giữa các quốc gia có thể tạo ra rào cản thương mại lớn cho doanh nghiệp. Chính vì thế, điều quan trọng là phải tạo ra môi trường pháp quy thuận lợi cho việc sử dụng các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, đồng thời hình thành hạ tầng tuân thủ về tiêu chuẩn chất lượng cho phù hợp.
Trong lúc Việt Nam liên tục tìm cách hài hòa các tiêu chuẩn của quốc gia với những tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, hạ tầng tuân thủ liên quan đến chất lượng của quốc gia đứng thứ 62 trên thế giới và 17 trong số các quốc gia APEC theo Chỉ số QI4SD của UNIDO, đứng sau mức bình quân của APEC đặc biệt liên quan đến tiêu chuẩn và đo lường. Kết quả tương đối thấp như trên có thể tạo ra nút thắt đáng kể cho các doanh nghiệp; chẳng hạn trong việc chứng nhận đánh giá tuân thủ cho các sản phẩm của họ.
Hai là hài hòa về quản lý biên giới: Việt Nam đã cải thiện đáng kể hạ tầng tạo thuận lợi thương mại, nhưng vẫn đứng sau các quốc gia đạt kết quả hàng đầu như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan hoặc Singapore về tự động hóa quy trình hải quan và các yêu cầu về hồ sơ giấy tờ. Điều này có thể dẫn đến những chậm trễ không cần thiết ở biên giới và có hàm ý làm tăng chi phí thương mại cho các lĩnh vực nhạy cảm với thời gian và những lĩnh vực đang hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Ba là giảm những hạn chế về tỷ lệ sở hữu cổ phần của nước ngoài: Việt Nam theo đuổi cơ chế chính sách đầu tư nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở hầu hết các lĩnh vực, nhưng vẫn còn có những hạn chế tương đối chặt chẽ về tỷ lệ sở hữu cổ phần của nước ngoài trong các lĩnh vực viễn thông và giao thông vận tải, mà đó lại chính là những lĩnh vực đem lại tác động lan tỏa cao sang các lĩnh vực khác. Nhìn vào lộ trình tăng trưởng tham vọng của Việt Nam, hạn chế về tỷ lệ sở hữu như vậy không đáng để trở thành rào cản gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, World Bank cũng đưa ra khuyến nghị về việc tăng cường khả năng kết nối khu vực: Bên cạnh việc giảm những rào cản chính sách đối với lưu chuyển thương mại và đầu tư trong khu vực, điều quan trọng nữa là cần củng cố khả năng kết nối số và vật lý nhằm giảm chi phí thương mại. Nghị trình về khả năng kết nối khu vực có thể được xem xét ở các quy mô khác nhau, nhằm phản ánh sự đa dạng về nhu cầu và sắc thái của các chuỗi giá trị khác nhau. Đó là quy mô về khả năng kết nối giữa các nước láng giềng lân cận trong Đông Nam Á, kết nối đang phát triển và mở rộng với Trung Quốc và cả Nam Á.
Tăng cường chiều sâu liên kết nội khối ASEAN là một trong những sáng kiến thương mại ưu tiên hiện hành của Việt Nam. Việt Nam có lịch sử hợp tác lâu dài về khả năng kết nối trong phạm vi tiểu vùng, thông qua tham gia sáng kiến Tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng (GMS), được ra mắt năm 1992 giữa Việt Nam và năm nhà nước khác cùng chung dòng sông Mê-kông (Campuchia, Trung Quốc, CHDCND Lào, Miến Điện và Thái Lan).
Chương trình này, hiện vẫn đang được triển khai, tập trung vào phát triển hạ tầng qua biên giới tại một số hành lang kinh tế ưu tiên với mục tiêu đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa các nền kinh tế tham gia. Mặc dù một số hành lang trong đó vẫn còn ít người đi lại, nhưng những hạ tầng cơ bản cốt lõi của tiểu vùng GMS có thể hỗ trợ đẩy mạnh hội nhập thương mại hơn nữa.
Minh Anh