Bà Lê Hoàng Oanh- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại diễn đàn, bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Những năm gần đây, thương mại điện tử xuyên biên giới có tốc độ phát triển nhanh chóng, nếu như năm 2021 nền tảng này đạt 1.900 tỷ USD thì năm 2023 đã đạt 2.300 tỷ USD và dự kiến đạt 7.938 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng trung bình tới 26,2%/năm.

Thống kê cho thấy, Việt Nam tăng trưởng top đầu thế giới và khu vực với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong top 10 của thế giới. Riêng năm 2023, quy mô thương mại điện tử đã đạt 20,5 tỷ USD, quy mô kinh tế số đạt 30 tỷ USD, nằm trong top 3 Đông Nam Á và dự kiến đạt 45 tỷ USD vào năm 2025.

Bà Lê Hoàng Oanh cũng chỉ ra rằng, thương mại điện tử xuyên biên giới là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến. Khảo sát mới đây, 53% số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử, 47% sử dụng website hoặc ứng dụng tự xây. Ngoài ra, 60% doanh nghiệp thừa nhận giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử chiếm 10-30%.

Bên cạnh đó, thị trường phổ biến ứng dụng thương mại điện tử cho xuất khẩu gồm Hàn Quốc chiếm 45%; Nhật Bản chiếm 40%; Trung Quốc chiếm 38%. Số lượng trung bình nhà mua hàng sản phẩm Việt Nam đã tăng 55%; số lượng sản phẩm của Việt Nam có mặt trên nền tảng tăng 24%.

Đặc biệt, Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ cho thương mại điện tử xuyên biên giới như ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia 2021-2025 & 2026-2030. Cùng đó là chương trình đào tạo, tập huấn xuất khẩu online; giải pháp nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu…

Đoàn đại biểu tham quan bên lề diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Đoàn đại biểu tham quan bên lề diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nhận định từ các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, thương mại xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới như hạn chế hiểu biết về quy định, pháp luật thị trường, thông tin thị trường sở tại, rào cản ngôn ngữ, thuế quan, logistics, thanh toán…

Bên cạnh đó, những biến động của thị trường quốc tế, căng thẳng thương mại, cùng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp MSME.

Vì vậy, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, lãnh đạo Cục đã giao Trung tâm Phát triển thương mại điện tử nghiên cứu, phát triển Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex) với các giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa định hướng của Chính phủ, chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế qua thương mại điện tử.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tổ chức các chương trình đạo tạo thương mại điện tử xuyên biên giới qua đó nâng cao năng lực, phổ biến các quy định, thủ tục và kiến thực mới cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, tại hội nghị này, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và một số doanh nghiệp đã ký MOU cam kết đồng hành thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu trực tuyến, đưa hàng Việt hiện diện nhiều hơn tại thị trường quốc tế nhờ thương mại điện tử.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty Bưu điện Việt Nam - cho biết, một nền tảng thương mại điện tử hoạt động cần rất nhiều sàn. Để lên sàn kinh doanh được có nhiều vấn đề, như: Tiếp thị, quản lý giao hàng đảm bảo vượt trội… Với thương mại điện tử xuyên biên giới còn liên quan đến việc thích nghi văn hóa, pháp luật nước sở tại… cùng nhiều yêu cầu mà doanh nghiệp phải cố gắng mới có thể đáp ứng được.

Thanh Lam