Hội sách Tuệ Đăng lần thứ nhất năm 2025 thu hút được đông đảo nhà xuất bản và Công ty in ấn, phát hành sách tham gia, với 5000 đầu sách được giới thiệu và bày bán với nhiều nhà xuất bản uy tín. Sự kiện còn có các hoạt động trải nghiệm văn hóa dân gian đặc sắc như: múa rối nước cạn Tế Tiêu, in tranh mộc bản Thanh Liễu, thưởng thức thư pháp, trà đạo,...

Về phía Nhà xuất bản có các đơn vị: Nhà xuất bản Thông tin truyền thông, Nhà xuất bản Thế giới, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Lao động.
Về phía Công ty in ấn, phát hành, thương mại sách có các đơn vị: Công ty Cổ phần Sách Thái Hà, Công ty Cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn, Trí Sáng Books,...
Ngoài ra sự kiện còn có sự góp mặt của các đơn vị giáo dục và văn hóa: Dự án Phật học Tinh Hoa, trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Khoa Xuất bản Phát hành trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Cộng đồng ELYH – English Light Your Home, Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo, Đại Dương Sùng Phúc Tự, Đoàn múa rối cạn Tế Tiêu, Zó Project, Mộc An,...

Ông Nguyễn Xuân Trung, Trưởng Ban tổ chức chương trình chia sẻ: “Trong không khí trang nghiêm và thanh tịnh chào mừng Đại lễ Vesak 2025 với hành trình cung nghinh, tôn trí và chiêm bái xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bảo vật quốc gia của Ấn Độ tại Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc, hôm nay chúng ta hân hoan được hội tụ về đây để cùng tham dự Hội sách Tuệ Đăng Lần thứ nhất 2025 – Cung nghinh xá lợi, Tuệ đăng soi lối, một sự kiện mang đậm hơi thở lịch sử, văn hóa và đạo lý từ bi, trí tuệ của Phật giáo.
Với mục tiêu tiếp tục đưa Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc không chỉ trở thành điểm đến của du khách về du lịch tâm linh, chúng tôi đang quyết tâm thúc đẩy, đầu tư để làm thế nào Tam Chúc trở thành điểm hẹn văn hóa, nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương cũng như những giá trị của văn hóa Phật giáo”.
“Hội sách Tuệ Đăng Lần thứ nhất 2025 là một trong những hoạt động mở đầu cho những khát vọng đó. Từ ngàn xưa, sách là nơi gìn giữ tinh hoa của dân tộc, là phương tiện truyền bá đạo lý và văn hóa. Trong lúc cả nhân loại hướng đến một xã hội học tập thì sách trở thành công cụ quan trọng để con người đến với tri thức. Vì vậy cần tổ chức nhiều các hoạt động để đưa sách tới bạ đọc, làm ngắn hơn quãng đường từ người viết sách đến nhà xuất bản và cuối cùng đến tủ sách của bạn đọc.
Hội sách Tuệ Đăng hôm nay không chỉ đơn thuần là nơi trưng bày, giới thiệu và mua bán sách, mà còn là một không gian giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa văn hóa truyền thống và hơi thở đương đại. Ở đó, mỗi trang sách là một đóa sen nở giữa đời, mang theo hương trí tuệ, lan tỏa lòng từ bi, khơi dậy những giá trị cốt lõi của đạo làm người”, ông Nguyễn Xuân Trung nói.
Trong ngày 18/5/2025, Hội chợ sách Tuệ Đăng đã diễn ra 2 hoạt động quan trọng: Tọa đàm “Xu hướng xuất bản trong kỷ nguyên mới” và Lễ ra mắt sách “Chùa Thầy – Di tích quốc gia đặc biệt” do tác giả Nguyễn Xuân Trung chủ biên.
Tại tọa đàm “Xu hướng xuất bản trong kỷ nguyên mới”, các đại biểu và diễn giả đến từ các nhà xuất bản, trường Đại học, Viện nghiên cứu đã thảo luận về các nội dung chính nổi bật về những thực trạng và giải pháp đối với các nhà xuất bản trong giai đoạn hiện nay để định vị lại nhà xuất bản, lựa chọn hướng đi phù hợp, lựa chọn những giải pháp xuất bản phù hợp để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên mới, đó là: Phương hướng hoạt động, mục tiêu, giá trị cốt lõi của Nhà xuất bản; Xác định đối tượng độc giả và thị trường của Nhà xuất bản; Thảo luận đổi mới xuất bản sách truyền thống và các xu hướng mới trong xuất bản: Sách nói (Audiobooks), sách điện tử (Ebooks); sách tự xuất bản; Xu hướng đọc sách truyền thống, các nền tảng như Kindle, Wattpad, Google Books, Spotify, Audiobooks để tái định hình văn hóa đọc, làm thế nào để sách giữ vai trò dẫn dắt tri thức trong kỷ nguyên số.

Ông Đỗ Kim Cơ, thành viên Ban tổ chức cho biết: Đây là lần đầu tiên, Hội sách Tuệ Đăng được tổ chức. Trong lần tổ chức này, với sự tham gia của các nhà xuất bản, công ty in ấn, phát hành sách cùng các Viện nghiên cứu, trường Đại học và các chuyên gia, diễn giả hàng đầu về dự, tọa đàm, thảo luận và nhiều đại diện của Bộ, Vụ, cho thấy ngành xuất bản đã và đang thu hút được sự quan tâm của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý đến các đơn vị sự nghiệp, công ty và giới học giả. Bởi vì sách nói riêng và ngành xuất bản nói chung dù đang đứng trước nhiều khó khan, nhiều lựa chọn, nhiều cơ hội trước ngưỡng cửa bước vào kỷ nguyên mới, nhưng dù thế nào chăng nữa thì sách vẫn luôn tồn tại, sách vẫn luôn đồng hành cùng độc giả; bởi vì giữ vai trò to lớn trong việc tích lũy, truyền bá tri thức và các giá trị tinh thần, nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách và trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đúng như lời ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã nói.
Bên cạnh đó đã diễn ra Lễ ra mắt sách “Chùa Thầy – di tích quốc gia đặc biệt” của nhóm tác giả: Nguyễn Xuân Trung (Chủ biên), Trần Trung Hiếu, Nguyễn Thị Hương Mai, Lưu Thị Dung, NXB Dân trí – 2025.
Chùa Thầy là một “Di tích Quốc gia đặc biệt” nằm trong hệ sinh thái làng xã vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ thanh bình và trù phú, dưới chân núi Sài Sơn trong vùng non nước kỳ vĩ, nổi bật với các nếp nhà cổ kính trong khung cảnh thiên nhiên vừa nên thơ vừa hùng tráng. Một quần thể “giàu có” với những công trình kiến trúc đặc sắc gắn với những không gian huyền tích cổ xưa từ các Điện thờ linh thiêng tựa mình vào núi, tòa Thủy đình trầm mặc giữa mặt nước “Long Trì” đến những cây cầu có mái bình dị, gần gũi, tạo nên một bức tranh sinh động, hữu tình, thực thể hóa sự tôn kính và lòng thành tín của con người với Phật - Thánh. Chùa Thầy không chỉ là một không gian tâm linh, nơi thực hành tín ngưỡng, tôn giáo mà còn trở thành khung cảnh quen thuộc, đậm chất làng quê Việt Nam, nơi neo đậu ký ức và chốn tìm về của cư dân và du khách gần xa.

Cuốn sách “Chùa Thầy – Di tích quốc gia đặc biệt” cung cấp thông tin bao trùm từ cội nguồn lịch sử xa xưa đến những hoạt động thường nhật của thời nay; từ tổng thể vùng đất, khu vực đến các công trình cụ thể, các thành phần, chi tiết cấu thành và cả các yếu tố phi vật thể liên quan. Cuốn sách truyền tải đến người đọc một cách đầy đủ, cặn kẽ những đặc điểm và giá trị của ngôi chùa, giúp bạn đọc thấu hiểu một cách sâu đậm, ngọn nguồn về ngôi “Đại danh lam” đặc biệt này.
Ông Nguyễn Xuân Trung – Chủ biên cuốn sách cho biết: Từ lịch sử vùng đất Sài Sơn đến kiến trúc, mỹ thuật, lễ hội chùa Thầy, và đặc biệt là thân thế, sự nghiệp sư Không Lộ, đó là những trầm tích văn hóa lịch sử vô cùng đồ sộ, dầy dặn, không thể hiểu và tiếp cận trong một sớm một chiều. Hiểu và thấu hiểu các giá trị đó của di tích chùa Thầy càng làm cho chúng ta thêm ngưỡng mộ và thấu hiểu người xưa để có thêm trí tuệ và lòng từ bi để sống tốt hơn, làm việc tốt hơn trong thời đại ngày nay. Tuy là cuốn sách đầu tiên chuyên sâu viết về chùa Thầy, song với những hữu hạn của sự hiểu biết, nhóm tác giả ý thức được rằng cuốn sách mới chỉ “chạm” được đến các giá trị đồ sộ của chùa Thầy và cần tiếp tục phải nghiên cứu, tìm hiểu thêm nhiều hơn nữa để những cuốn sách tiếp theo có giá trị sâu sắc hơn, khảo tả sâu hơn về di tích chùa Thầy.
Thu Trang