Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Hồi ức tác nghiệp của một phóng viên chiến trường

Chiến tranh, trong mong manh lằn ranh sinh tử, có những phóng viên chiến trường, những bài báo được ra đời giữa bom rơi lửa đạn, trong căn hầm leo lét đèn dầu. Phóng viên chiến trường Nguyễn Thế Viên là một trong số đó. Những lần vượt lên tuyến đầu cùng lính xung kích để ghi hình và 9 lần chết hụt đã không quật ngã được tinh thần và ý chí của ông.

Làm tin trên bao thuốc lá

Gặp ông Nguyễn Thế Viên (SN 1930, trú tại xóm Ngọc Thành, xã Hùng Thành, Yên Thành, Nghệ An), ấn tượng đầu tiên là chòm râu dài trắng muốt, đôi mắt tinh anh, lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. Năm nay đã 88 tuổi nhưng ông vẫn còn quắc thước, minh mẫn lắm. Ngoài những giờ ngồi đọc báo, viết bài, ông lại nhổ cỏ, trồng rau hay chèo thuyền ra ao nước rất rộng trước vườn nhà để bắt cá làm thú vui.

Nói về những năm tháng tham gia ghi hình đưa tin trên các mặt trận, ông rất hào hứng và những kí ức ấy mãi còn in dấu trong tâm trí ông. Năm 1951, theo tiếng gọi Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Thế Viên vừa học xong chương trình phổ thông từ quê lúa Yên Thành gia nhập lực lượng TNXP hành quân ra Bắc phục vụ cho cuộc chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn khốc liệt.

Hồi ức tác nghiệp của một phóng viên chiến trường - Hình 1

Tuyển tập “Vang vọng bài ca mở đường” viết về những người lính in năm 2015

Tuy nhiên, thời điểm đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp cầm bút trở thành phóng viên chiến trường là vào năm 1953, khi ông có quyết định chuyển sang làm nhiệm vụ mới ở Trung đoàn 6, Sư đoàn 312, mặt trận Điện Biên Phủ. Tại đây, những tác phẩm đầu tay của ông đã “thai ngén” và ra đời trong mưa bom lửa đạn. Tác phẩm đầu tay được ông tốc kí trên những mảnh giấy nhàu nát từ bao thuốc lá kể về những chiến công của Sư đoàn 312, đó là  tin về đội công binh phá thác trên sông Nậm Na do Trung đội 5, Đại đội 124, tiểu đoàn 555 thực hiện. “Đứa con đầu đời” này ông đặt bút danh Trường Sơn và được “đăng” ở “Tờ tin mặt trận” của Sư đoàn 312. “Sau khi bài báo được đăng tải, tôi đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi, động viên khích lệ của các đồng đội. Nhận thấy những điểm mạnh của tôi, Sư đoàn 312 đã điều động về làm phóng viên cho “Tờ tin mặt trận” của Sư đoàn và không lâu sau đó là phóng viên của báo Quân đội nhân dân. Bút danh Trường Sơn cũng theo tôi cho đến tận bây giờ”, ông Viên nhớ lại. 

Ông nói “nghề báo đã chọn tôi. Mặc dầu đến với nghề rất tình cờ nhưng lại duyên nợ với nó nhiều quá, mãi đến cái tuổi gần đất xa trời rồi vẫn không chịu buông”. Ông mãi mê viết,  hết cộng tác cho báo này lại viết cho báo nọ, rồi cuộc thi này, chương trình kỷ niệm nọ. Cứ thế “nó ăn vào máu rồi cháu ạ, đam mê quá chắc khi nào đến chết mới buông bút được”, vuốt chòm râu dài trắng muốt, ông Viên tâm tình chia sẻ.

Chín lần chết hụt

“Phóng viên chiến trường lúc bấy giờ không khác gì những người lính. Chỉ khác nhau là bộ đội tay cầm súng còn phóng viên chiến trường như chúng tôi tay khư khư cái máy ảnh, bút và tập giấy. Muốn ghi được hình ảnh chân thực, đầy đủ về cuộc chiến cũng phải theo lính xung kích đi đầu để có bức ảnh như ý”, ông Viên nói.

Cũng bởi thế, tại mặt trận Điện Biên Phủ, ông đã 7 lần bị bom vùi dưới đất, bị thương khắp thân thể và nhiều lần mất hết tư trang tác nghiệp. Ông nhớ lại, có lần theo đội 34, C297-TNXP phá bom nổ chậm ở ngã ba Cò Nòi (Sơn La). Khu vực này bị Pháp thả 60 quả bom nổ chậm, có tới 20 quả bom chưa nổ. Lực lượng phá bom đã tìm và phá được 19 quả, nhưng một quả nằm sâu dưới đất nên không tìm thấy. Khi toàn đội tìm bom để kịp thông đường thì tiếng nổ chát chúa vang lên, 14 người hy sinh. Bản thân ông cũng bị vùi dưới đất nhưng được các đồng đội cứu sống. Lần đó, ông đã viết ngay một bài tường thuật đăng trên “Tờ tin mặt trận” của đại đoàn và được cấp trên khen ngợi.

Hồi ức tác nghiệp của một phóng viên chiến trường - Hình 2

Ở tuổi 85, ông đã mang về giải 3 giải báo chí toàn quốc cuộc thi “Âm vang Điện Biên”

Ông Viên cho biết, những ngày tác nghiệp tại mặt trận Điện Biên Phủ vô cùng gian nan và nhiều khó khăn, đặc biệt là bút giấy để ghi. “May mắn lúc ấy tôi được đồng đội tặng một chiếc bút máy vốn là chiến lợi phẩm ta lấy được của địch. Còn giấy viết thì nan giải lắm. Những tờ giấy đã viết được ngâm vào nước nhằm tẩy trắng rồi phơi khô để tái sử dụng hoặc viết trên bao thuốc lá. Nếu như báo Quân đội nhân dân xuất bản tại chiến trường được in ấn đàng hoàng thì những bài viết đăng ở “Tờ tin mặt trận” được phát hành bằng một cách rất đặc biệt. Đó là những bài chép tay rồi chuyển ra ngay chiến hào để phục vụ bộ đội”.

Gian khổ là vậy, nhưng những “bài báo” đặc biệt ấy đã kịp thời động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ. Những “bài báo” được chép tay ấy được bộ đội đón nhận và đọc say sưa. “Những bài báo đặc biệt được “độc giả đặc biệt” chờ đợi và đón nhận chính là nguồn động lực rất lớn để những phóng viên chiến trường như chúng tôi không quản ngại hiểm nguy, trong làn bom lửa đạn vẫn kiên định”, ông Viên xúc động nói.

Cuối năm 1954, sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được cử đi đào tạo 18 tháng lớp Báo chí của Ban Tuyên huấn Trung ương tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Đến năm 1956, kết thúc khóa học, ông được điều về làm Phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN). Từ đây, ông liên tục nhận nhiệm vụ tại các tỉnh phía Bắc và Quân khu IV.

Từ năm 1966 - 1972, ông được điều động về làm phóng viên báo Quân đội nhân dân tham gia chiến dịch Tây Nguyên. Trong thời gian tác nghiệp ở đây ông đã hai lần chết hụt và để lại thương tật vĩnh viễn 61%. Ông bị thương trúng bom địch nên bị mù một mắt, gãy hết hai hàm răng và bị găm 8 viên đạn. Sau đó, 2 viên găm ở cánh tay được các bác sỹ gắp ra, 6 viên còn lại hiện vẫn đang nằm trong người. ông tếu táo nói rằng “đây là chút “kỷ niệm” lưu lại mà mấy chục năm qua không ngớt hành hạ tôi mỗi khi trái gió, trở trời”.

Còn sống còn viết

Giữa lằn rãnh của sự sống và cái chết, hoa vẫn nở trên chiến hào. Ông nói: “Lúc bấy giờ, sự sống và cái chết quá mong manh nhưng niềm tin về ngày mai chiến thắng vẫn kiên định. Làm sao quên được những lần ngồi viết báo dưới ánh đèn leo lét trong căn hầm bì bõm nước, trên đầu là ào ào tiếng bom, đạn. Chứng kiến những mất mát hy sinh mình càng phải viết, phải vượt qua nổi sợ hãi để làm tròn nhiệm vụ của người cầm bút trước đồng chí, đồng đội, nhân dân”.

Hồi ức tác nghiệp của một phóng viên chiến trường - Hình 3

Các giấy tờ tác nghiệp ông còn giữ lại được

Là phóng viên chiến trường đi qua 2 cuộc kháng chiến, ông Viên đã  viết hàng nghìn bài báo, chụp hàng nghìn bức ảnh là tài liệu quý giá cho các địa phương, bảo tàng. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn cầm máy ảnh, hàng ngày ông vẫn ngồi trên xe đạp điện hăng say với những bài báo, bài thơ và công tác hội cựu chiến binh. Với ông, đó là niềm vui lớn nhất, khi mà con tim còn đập, tay còn cầm được bút thì ông còn miệt mài viết báo. Không sử dụng được máy tính, ông miệt mài viết bài ra trên giấy như hồi ở chiến trường rồi đóng vào bì thư, gửi tới một số tòa soạn và hồi hộp chờ đợi “đứa con tinh thần” của mình đến với đọc giả. Năm 2014, ở cái tuổi 85, ông đã mang về giải 3 giải báo chí toàn quốc cuộc thi “Âm vang Điện Biên”.

Ông Viên cũng gửi gắm đến thế hệ phóng viên trẻ rằng: “Hãy luôn “giữ lửa” nghề và không ngừng trau dồi kinh nghiệm, sự đam mê với nghề để luôn xứng đáng với 6 chữ “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Những tác phẩm của phóng viên chiến trường Nguyễn Thế Viên đã in: Người mở lối (1954, tuyển tập); Gió Đại Phong (1961, tuyển tập); Tây Nguyên trong lòng Tổ Quốc (1968, tuyển tập); Kí ức Điện Biên; Âm vang Điện Biên (2014, tuyển tập); Vang vọng bài ca mở đường (2015, tuyển tập); Hương quê (2015, thơ); Hoa lúa (2017, tuyển tập gương điển hình huyện Yên Thành); Ông và cháu (2017, thơ); Truyền thống hội nông dân huyện Yên Thành từ 1930 - Nay (2017, biên niên sử).

LÊ QUYẾT

Bài liên quan

Tin mới

Bị cổ đông "bỏ quên" - doanh nghiệp bế tắc kế hoạch nghìn tỷ
Bị cổ đông "bỏ quên" - doanh nghiệp bế tắc kế hoạch nghìn tỷ

Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên bất thành trong năm 2024, dù đã có các chương trình tặng quà, tri ân để thu hút cổ đông...

Ngân hàng Phương Đông (OCB) bổ nhiệm Tổng giám đốc mới
Ngân hàng Phương Đông (OCB) bổ nhiệm Tổng giám đốc mới

Tối 3/5, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã công bố thông tin liên quan đến việc bổ nhiệm ông Phạm Hồng Hải đảm nhận các quyền hạn, nhiệm vụ trong vai trò Tổng Giám đốc từ ngày 6/5.

Phụ cấp chức danh kiêm nhiệm có được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội không?
Phụ cấp chức danh kiêm nhiệm có được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội không?

Bà Đinh Trang hỏi, Bí thư Đảng ủy và Bí thư Đoàn thanh niên đảm nhiệm chức vụ Chính trị viên và Chính trị viên phó cấp xã được hưởng phụ cấp thâm niên thì khoản phụ cấp này có tính đóng bảo hiểm xã hội không?

Hà Nội triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
Hà Nội triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Cục Thuế Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị thí điểm triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

“Mưa vàng” trải thảm xanh cho Tây Nguyên
“Mưa vàng” trải thảm xanh cho Tây Nguyên

Từ chiều ngày 3 đến sáng 4/5, trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, xuất hiện mưa vừa trên diện rộng ở một số địa phương như Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Tô, Kon Plông, Đăk Glei, TP.Kon Tum (Kon Tum); TP Pleiku, Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ (Gia Lai); Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’Gar, Krông Búk, Krông Năng và thành phố Buôn Ma Thuột(Đăk Lăk)...

Bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh
Bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh

Công ty ông Nguyễn Duy Hoàng (Bình Định) được thành lập trên cơ sở chuyển đổi hình thức từ hộ kinh doanh theo chủ trương khuyến khích của nhà nước.