Với tư cách là đại diện duy nhất cho nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để một lần nữa đảm đương vai trò của một nước Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo An nhiệm kỳ 2020-2021. Nếu giành chiến thắng thì sẽ tiếp tục đánh dấu thêm một bước tiến lớn hơn về sự tham gia của Việt Nam vào các hoạt động chung của Liên Hợp Quốc.
Trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc từ năm 1977, nhưng trong bối cảnh còn bộn bề sau chiến tranh và bao vây cấm vận của Mỹ, phải đến năm 1997, Việt Nam mới lần đầu tiên có được những dấu ấn tại Liên Hợp Quốc khi trúng cử vai trò phó chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (khóa 52, 1997-1998), đồng thời là thành viên nhiệm kỳ 1997-1998 của Hội đồng Kinh tế xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC).
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
Trước đó, ngày 6/6/2019, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết những ưu tiên của Việt Nam khi được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và chuẩn bị như thế nào để đảm nhiệm vai trò này, Người phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Ngày 7/6/2019, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ tiến hành bầu 5 nước Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, trong đó Việt Nam là ứng cử viên duy nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Sau khi có kết quả, lãnh đạo Việt Nam sẽ có thông điệp về các ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Để chuẩn bị cho việc tham gia Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã tích cực triển khai các công tác chuẩn bị mọi mặt về nội dung, nguồn lực, nhân sự, thông tin tuyên truyền, và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với các nước, các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức nghiên cứu quốc tế”.
Trong nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kỳ 2008-2009 của Việt Nam, Hội đồng Bảo an có một khối lượng công việc rất lớn phải làm với hơn 1.500 cuộc họp (trung bình 2,5 cuộc họp/ngày); thông qua 113 Nghị quyết, 165 Tuyên bố Chủ tịch và Tuyên bố báo chí thuộc trên 50 đề mục của chương trình nghị sự và xử lý nhiều vấn đề phức tạp liên quan tới hoà bình, an ninh thế giới.
PV