Dự kiến Đại lễ Phật Đản Liên Hợp quốc năm 2019 sẽ đón hơn 1.500 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu, học giả... đến từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đại lễ là cơ hội gặp gỡ và giao lưu trao đổi giữa các nhà lãnh đạo Phật giáo, truyền bá thông điệp của đức Phật cho nhân loại về hòa bình, hòa hợp, tiến bộ và phát triển. Ngoài ra, Vesak 2019 dự kiến sẽ có sự tham dự của 10.000 phật tử và người dân Việt Nam.
Đại lễ Phật Đản Liên Hợp quốc là một trong các hoạt động văn hóa quốc tế của Liên Hợp quốc nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại. Sự kiện là cơ hội để truyền bá thông điệp từ bi, trí tuệ, hòa bình, bất bạo động của đức Phật. Chủ đề chính của Vesak 2019: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
Đại lễ còn tập trung thảo luận các chủ đề: “Sự lãnh đạo có chánh nhiệm và xã hội bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe, xã hội bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo liên hệ giáo dục toàn cầu về đạo đức; cách mạng công nghiệp 4.0 và Phật giáo...
Quần thể kiến trúc chùa Tam Chúc - nơi diễn ra Đại lễ Vesak năm 2019
Đại lễ là sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế; khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam với các hoạt động của Liên Hợp quốc trên tất cả các lĩnh vực. Đây là lần thứ 3 Đại lễ Vesak tổ chức tại Việt Nam, sau hai lần đăng cai vào năm 2008 (Hà Nội) và 2014 (Ninh Bình).
Trong thời gian diễn ra Đại lễ Phật Đản Liên Hợp quốc, rất nhiều hoạt động văn hóa tâm linh sẽ được tổ chức tại khu vực chùa Tam Chúc (Điện Tam Thế, Điện Thích Ca, Điện Quan Âm, Quảng trường Tam Quan), gồm: Lễ tắm Phật truyền thống; Đàn lễ cầu nguyện âm siêu dương thái, quốc thái dân an, đất nước hội nhập phát triển theo nghi lễ ba miền Bắc - Trung - Nam; Đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; Các triển lãm ảnh chùa Di sản thế giới và Việt Nam, Triển lãm cổ vật Phật giáo tại điện Tam Thế và Tòa nhà Hội thảo quốc tế; Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật quốc tế, Màn pháo hoa quốc tế tầm thấp trên hồ Tam Chúc… Vietravel coi đây là cơ hội để quảng bá di sản văn hóa Việt Nam đến chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu, học giả thế giới.
Đại lễ Phật Đản Liên Hợp quốc 2019 do Giáo hội Phật giáo chủ trì, được Chính phủ bảo trợ.
Đại lễ Phật Đản Liên Hợp quốc (lễ Tam hợp: kỷ niệm Đức Phật Đản sinh, thành đạo, niết bàn) được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận năm 1999.
Năm 2000, lần đầu tiên ngày Đại lễ Phật Đản Liên Hợp quốc được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ với 34 quốc gia tham dự. Từ đó, sự kiện được luân phiên tổ chức thường niên ở nhiều nước.
Việt Nam đã hai lần đăng cai vào năm 2008 và 2014.
Ngọc Lan