Ngày 6/11, tại Hà Nội, Cục Quản lý thị trường phối hợp với Vụ thị trường châu Á – Thái Bình Dương với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU - MUTRAP) đã tổ chức Hội thảo quốc tế chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại giữa 4 nước Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam (CLMV).

Ông Trương Quang Hoài Nam, ông Lê Thế Bảo và ông Nguyễn Mạnh Hùng trong hội thảo

Hội thảo được tổ chức với mục đích nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại giữa các nước có chung đường biên, đồng thời củng cố mối quan hệ kinh tế thương mại giữa các nước.

Gian lận thương mại ngày càng phức tạp…

Thực tế đã chứng minh, lực lượng quản lý thị trường Việt Nam, cũng như lực lượng kiểm tra, kiểm soát các nước CLMV đều đứng trước các thách thức về hành vi gian lận thương mại như buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo ông Trương Quang Hoài Nam – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường –  từ năm 2011, Bộ Công Thương Việt Nam đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quản lý thị trường với Bộ Công Thương Lào, Bộ Thương mại Campuchia. Hội thảo liên kết chống buôn lậu, gian lận thương mại lần này thêm một lần khẳng định các nước có chung đường biên cần đẩy mạnh công tác phối hợp trong trao đổi thông tin, nghiệp vụ điều tra, phát hiện, xử lý vi phạm.

Đại diện các nước Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma cũng chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi thông tin về công tác chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại, bảo vệ sở hữu trí tuệ. Ông Phitleudeth Vongvath, đại diện Bộ Công Thương Lào, thừa nhận, mặc dù Lào đã ban hành nhiều luật, quy định bảo vệ sản xuất, giám sát thương mại nhưng vẫn còn nhiều hạn chế khiến việc vận chuyển hàng hóa trái phép còn nhiều phức tạp và chưa kiểm soát được. Ông Vongvath mong muốn qua hội thảo lần này, nước Lào sẽ học tập được nhiều kinh nghiệm chống buôn lậu, gian lận thương mại và có thêm nhiều giải pháp trong thực thi và xử lý vi phạm.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, cho rằng, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, chống gian lận thương mại, là những thách thức chung của Việt Nam và của nhiều nước trên thế giới. Với những chiêu thức ngày càng tinh vi và trắng trợn của bọn buôn lậu và bọn chuyên sản xuất hàng giả, hàng nhái, thì lực lượng quản lý thị trường phải không ngừng đấu tranh, và đấu tranh quyết liệt, các nước trong khu vực, các nước cùng đường biên, càng cần bắt tay, liên kết chặt chẽ để chống gian lận thương mại.

Phải không ngừng đấu tranh…

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Thế Bảo cũng nhận định lực lượng quản lý thị trường đã làm được nhiều việc, giúp ổn định thị trường hàng hóa, nhưng với diễn biến phức tạp của gian lận thương mại, các cấp bộ, ngành cần phối hợp cùng lực lượng quản lý thị trường, thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ để cùng giúp thị trường hàng hóa được trong sạch.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, các lực lượng quản lý thị trường muốn “làm sạch” thị trường, phải dựa vào dân, chính người tiêu dùng là những người nói thẳng nhất, thật nhất và hàng ngày tiếp xúc với hàng hóa. Vì vậy, những phát hiện, kiến nghị của họ phải được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và có trả lời rõ ràng trên thông tin đại chúng.

Kết thúc hội thảo, ông Trương Quang Hoài Nam một lần nữa nhấn mạnh sự cấp thiết trong liên kết chống buôn lậu của các nước CLMV, chủ động thoát ra khỏi sự lỏng lẻo mạnh ai nấy làm, có sự phối kết hợp thanh kiểm tra và xử lý dứt điểm hàng lậu, hàng kém chất lượng, vi phạm thương hiệu hoặc không an toàn về vệ sinh thực phẩm, ngay từ đường biên, ranh giới giữa các nước, để chặt đứt những đường dây buôn lậu và gian lận thương mại.

NGUYỄN HẠNH