Bệnh viện PHCN tỉnh Thừa Thiên Huế
Thật lòng, khi được giới thiệu đến Bệnh viện Phục hồi chức năng (BVPHCN) tỉnh, tôi cứ ngỡ rằng đó phải là một bệnh viện (BV) tầm cỡ… nhưng sự thật không phải vậy. BV PHCN của Thừa Thiên Huế chỉ là những ngôi nhà cấp 4 cũ nát, xuống cấp trầm trọng nằm trong một con đường nhỏ, hẹp của bờ bắc sông Hương. Nếu so với một số bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn như Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt; Bệnh viện Lao… thì BV PHCN của tỉnh Thừa Thiên Huế như “đứa con ngoài giá thú”…
các Thầy thuốc đang làm bệnh án
Tuy nhiên, trong khối cơ sở vật chất như tuyến y tế… huyện ấy, tôi lại bắt gặp những con người quá ư tuyệt vời mà tôi khó tìm kiếm ở những cơ sở y tế khác, đó là nụ cười, sự ân cần, thân thiện với bệnh nhân của đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên nơi đây.
Y sĩ Huỳnh Thị Lan Hương được nhiều lời khen từ bệnh nhân
Chỉ mới bước vào … hiên chờ (làm chi mà có phòng) tôi đã nghe nhiều lời khen về BV này. Chị Hồ Lộc, một giáo viên về hưu (ở đường Hàn Mặc Tử- Huế) điều trị ngoại trú, cứ chắc lưỡi khen vì một hôm không đến điều trị được do huyết áp cao, nghe vậy y sĩ Phương Nhi của khoa Y học cổ truyền cứ luôn miệng hỏi han và hướng dẫn cách đề phòng tai biến…
bếp của BV chăm sóc cho cả 100 bệnh nhân mỗi bữa
Y sĩ Huỳnh Thị Lan Hương nhà ở Phú Bài, cách Huế hơn 10 cây số nhớ tên từng bệnh nhân, chị quan tâm săn sóc từng người như thể người thân của mình..
Chăm lo cho bệnh nhân
BS Nguyễn Quang Hiền- Giám đốc bệnh viện đưa tôi đi một vòng thăm các khoa phòng. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là sự sach sẽ, vệ sinh đến bất ngờ khi từ phòng bệnh đến phòng khám, giày dép của tất cả mọi người đều để bên ngoài, trong phòng có dép dùng chung. Các bệnh phòng bên ngoài thì cũ kỹ, lớp vôi vữa mục nát được giấu dưới lớp sơn mới nhưng bên trong thì mọi thứ ngăn nắp, thứ tự; 100% phòng đều có máy điều hoà, quạt máy, tivi… Đi bên tôi BS Hiền cho biết: Với phương châm “Người bệnh là trên hết. Tất cả vì bệnh nhân vì sức khoẻ con người” vì vậy bệnh nhân đông nhưng thiếu phòng điều trị nên BV PHCN đã nhường hết những gì tốt nhất cho bệnh nhân. Phòng giám đốc kiêm luôn phòng họp, giao ban còn các phó giám đốc không có phòng riêng mà về ngồi ở các phòng khám…BS Hiền tâm sự, chúng tôi tâm niệm rằng, mình phải làm tốt vì ngoài chức trách của người Thầy thuốc, đội ngũ y bác sĩ chúng ta phải biết rằng “Bệnh nhân chính là người nuôi sống chúng ta”…
Tất cả vì người bệnh
Nghe ông nói, tôi thấy đúng là ước mơ của người thầy thuốc, thật cao đẹp. Ông không có điều ước gì cho riêng mình mà đó là điều ước của cả xã hội, khi mà tuổi thọ con người ngày càng cao thì nhu cầu PHCN, phục hồi sức khoẻ ngày càng lớn. Người già, neo đơn; gia đình có tiền nhưng thiếu điều kiện chăm sóc người thân… thì BV PHCN chính là nơi, địa chỉ tin cậy để họ gởi gắm.
Được biết, BV PHCN có 2 cơ sở nhưng tất cả đều được “bàn giao” lại. Cơ sở chính ở đường Tô Hiến Thành, nhận lại từ Trung tâm Điều dưỡng, cơ sở 2 nhận lại từ Trung tâm Da liễu của tỉnh. Cả 2 đều lên tuổi “lão” cả rồi. Năm 2018, BV được giao 70 giường nhưng thực kê là 116 giường; năm 2019 giao 100 giường nhưng thực tế là 128 giường. Chế độ tiền ăn cho bệnh nhân được điều dưỡng và PHCN tại BV được phân bổ cho 70 giường bệnh, trong khi UBND tỉnh quyết định là 100 giường bệnh nên nguồn kinh phí BV luôn luôn thiếu như thể ăn đong..
Bệnh nhân đang tập PHCN
Khó khăn là thế nhưng trước những người bệnh nghèo, không người chăm sóc…, CBCNV, các đoàn thể của BV luôn động viên lẫn nhau, đóng góp, kêu gọi các tổ chức thiện nguyện thường xuyên có những “bát cháo nghĩa tình” dành cho bệnh nhân; tặng quà cho các bệnh nhân là người có công, thương tật trong các dịp lễ tết, ngày thương binh liệt sĩ…
... những bát cháo nghĩa tình của các Thầy thuốc BV PHCN
Tôi vui vì các y bác sĩ dù còn nhiều khó khăn nhưng luôn vượt lên với nụ cười nở trên môi. Kỹ thuật viên Ngọc Ánh, từ xã Bình Thành một ngày vượt trên 20 cây số nhưng đều đặn một tháng 30 ngày không hề đến muộn. Bây giờ gần sinh nở mới chịu thuê nhà gần BV để tiện công việc. Kỹ thuật viên Văn Thắng, Minh Nghĩa… đến từ Quảng Bình một ngày hướng dẫn tập PHCN cho hàng chục bệnh nhân không hề có lời than mệt… Nhìn các bệnh nhân ngồi trên xe lăn, có người co quắp vì di chứng tai biến, có bệnh nhân liệt nửa người, bị các bệnh đĩa đệm, thoái hoá đa khớp…; đặc biệt khá nhiều trẻ tự kỷ, bại não, chậm phát triển tinh thần… nhưng nhờ đội ngũ Thầy thuốc của BV PHCN chăm lo từng chút một, truyền lòng tin sức khoẻ sẽ được phục hồi … để rồi chỉ thời gian sau tất cả như có phép mầu, các bệnh nhân phần lớn đều đàng hoàng bước ra cổng BV khi xuất viện…
Quan tâm từng bệnh nhân
Quý hoá quá những nụ cười của các Thầy thuốc và tôi mong sao những ước mơ của BS giám đốc Nguyễn Quang Hiền sẽ thành sự thật. BV PHCN sẽ được tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư khang trang, đàng hoàng hơn. BV PHCN không dừng lại ở chỗ khám và điều trị nội ngoại trú mà tiến đến tổ chức khám và điều trị cho bệnh nhân nặng tại nhà; tổ chức thêm khu điều dưỡng, nơi chăm sóc cho người lớn tuổi… đúng với “tầm cỡ” của một Trung tâm Y tế chuyên sâu của miền Trung và cả nước
Trần Minh Tích