Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành và các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế…
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Võ Lê Nhật- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết, Tàng Thư Lâu được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 6 (tức 1825) . Tổng thể kiến trúc Tàng Thư Lâu khác biệt so với hàng trăm công trình kiến trúc gỗ thời bấy giờ. Lầu nằm trên một hòn đảo hình chữ nhật (diện tích khoảng 30mX50m) ở giữa hồ Học hải. Lầu Tàng Thư là toà nhà 2 tầng đồ sộ, xây bằng gạch và đá, ngoài trát vôi, tường dày 0,4m, mái lợp ngói đất nung. Tầng trên 7 gian 2 chái, tầng dưới 11 gian, xung quanh đều được xây lan can. Tàng Thư Lâu với chức năng là lưu trữ các văn kiện về ngoại giao, văn kiện của Lục Bộ, địa bạ…
Tuy nhiên, theo thời gian, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2014, Dự án trùng tu, phục hồi Tàng Thư Lâu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện, đến nay đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng. Việc Tàng Thư Lâu khai trương đưa vào hoạt động giúp người dân cũng như du khách trong và ngoài nước sẽ có thêm một địa điểm tham quan mới hết sức thú vị. Đặc biệt, Tàng Thư Lâu sẽ là kho tư liệu quý giá, là một địa chỉ học tập, nghiên cứu tin cậy cho những ai muốn nghiên cứu về lịch sử, văn hóa triều Nguyễn.
Dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã giới thiệu nguồn thư tịch triều Nguyễn, gồm hàng chục nghìn tư liệu về châu bản, địa bạ, hình ảnh… Dù chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng đồ sộ tư liệu quý giá của triều Nguyễn nhưng cũng giúp khách tham quan có những hình dung ban đầu về giá trị của nguồn tư liệu quý báu đã từng được lưu trữ nơi đây.
Minh Tích