Tuy nhiên thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu của sự bối rối gây nhiều điều tiếng trong chỉ đạo điều hành

Thiếu nhất quán trong chỉ đạo

Điều rõ nhất trong quản lý chỉ đạo phòng chống dịch là sự thiếu nhất quán giữa các ban ngành mà rõ ràng nhất là việc “cầm đèn chạy trước ô tô “ của Sở Giao thông- Vận tải (GTVT). Điển hình, gần đây nhất ngày 10/7/2021, Sở GTVT Thừa Thiên Huế có công văn số 1219, gửi đến tất cả các đơn vị đang hoạt động kinh doanh vận tải và các bến xe trên địa bàn “Dừng các hoạt động vận chuyển khách đến các vùng có dịch” mà ở đây là tỉnh Quảng Trị. Trong đó cấm tiệt các loại xe từ tuyến cố định đến xe taxi, xe du lịch, xe hợp đồng… đi và đến tỉnh này, trong lúc đó Quảng Trị không phải là tỉnh có dịch. Hậu quả là gần trăm xe các loại của 2 địa phương (Quảng Trị và Huế) phải nằm bến và hàng trăm khách ùn ứ vì bị lái xe từ chối. Trước sự phản ứng gay gắt của hành khách và các phương tiện truyền thông, 14h chiều 10/7/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Sở GTVT Thừa Thiên Huế ra văn bản số 122/SGTVT- VTPT “chữa cháy”, khôi phục lại hoạt động vận tải truyến Huế- Quảng Trị. Chưa nói đến công văn bị “chết yểu”, mà hậu quả để lại khá lớn khi ngành giao thông  lại gây khó, làm ách tắc giao thông mà trên hết là “vượt” quyền của UBND tỉnh khi tỉnh chưa có chủ trương “đóng cửa” giao thông với tỉnh Quảng Trị.

CV 1219
Công văn 1219.

                                   2 văn bản của Sở GTVT đá nhau chỉ trong mấy tiếng đồng hồ.

 Ồn ào nhất là chuyện 26 hành khách đi trên 2 chuyến tàu SE4 và SE8 từ TP Hồ Chí Minh ra Huế đêm 7/7/2021, trong đó chỉ có 02 hành khách xuống ga Huế, còn lại đi thẳng ra ga Đông Hà để xuống cách ly tại tỉnh Quảng Trị. Trước hết phải khẳng định rằng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế không hề có chủ trương “đẩy, đuổi” người dân Huế từ vùng có dịch về phải đi địa phương khác như một số thông tin đồn thổi, nhưng ở đây nếu đơn vị chốt chặn tại ga Huế làm tốt công tác giải thích, tuyên truyền rằng dù đi đến địa phương nào thì những hành khách về từ TP Hồ Chí Minh đều phải bị cách ly theo qui định phòng chống dịch của Chính phủ thì sự việc sẽ khác. Tất cả hành khách sẽ xuống và đi cách ly chứ không phải một số ngỡ rằng Quảng Trị sẽ “thoáng” hơn nên họ đi thẳng ra Đông Hà. Để  rồi sau đó Thừa Thiên Huế bị điều tiếng là “không nhận công dân Huế” và sau đó Thừa Thiên Huế phải cử đoàn công tác ra Quảng Trị đón về.

Huế đưa xe ra Quảng Trị đón công dân vào khu cách ly
Huế đưa xe ra Quảng Trị đón công dân vào khu cách ly.

Gần đây nhất là thông báo ngày 11/7/2021 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid- 19 của tỉnh Thừa Thiên Huế. Cuối giờ chiều Ban Chỉ đạo phát đi thông báo truy vết F1, F2 của BN 29834 ở tại xã Lộc Thuỷ. Thông báo cho rằng BN 29834 là F1 của BN 19602 ở tại Quảng Ngãi nhưng sau đó qua truyền thông đã phát hiện ra rằng BN 19602 là người ở Tam Nông, Đồng Tháp đã tử vong trước đó, buộc Ban Chỉ đạo phải cải chính lại, thông báo BN 29834 là F1 của BN 19601…

2 thông báo đá nhau
2 thông báo đá nhau.

 Đáng nói hơn nữa là hoạt động truy vết F1, F2 thời gian gần đây đang gây nên những mối lo cho người dân. Cụ thể, tại ổ dịch xã Lộc Thuỷ, huyện Phú Lộc khởi phát từ một tài xế xe tải từ vùng dịch Quảng Ngãi đến ở lại tại thôn Phước Hưng, xã Lộc Thuỷ. Mặc dầu đến ngày 7/7/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mới có văn bản chặn các chiều đi và đến tỉnh Quảng Ngãi, nhưng trước đó tỉnh này dịch đã bùng phát mạnh nhưng không hiểu sao, tài xế xe tải này vẫn vào được xã Lộc Thuỷ và  ở lại để lây nhiễm 5 ca dương tính với SARS- CoV- 2 ở đây cùng hàng chục F1,F2 khác đang có nguy cơ trở thành F0. Đáng nói hơn, hoạt động truy vết thế nào mà để BN 34506  làm nghề bán thịt tại chợ Lộc Thuỷ xã Lộc Thuỷ có tiếp xúc gần với BN 19572 và 29834, khi chợ Lộc Thuỷ bị phong toả (4/7/2021) không bị cách ly, lại tự do sang chợ Lộc Tiến (xã Lộc Tiến) mua bán, làm lây nhiễm thêm 2 BN 34505 và BN 35411 và nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng càng rộng hơn?.

Đừng chậm chân, Huế ơi

Phải nói rằng, Huế được tiếng làm rất tốt công tác phòng chống dịch. Hầu như ngày nào Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid- 19 cũng họp bàn phương án chống dịch và có chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Huế luôn nêu quyết tâm “không lơ là, chủ quan, chùn bước”, “Giữ vững thành trì các cơ sở y tế, các cơ sở kinh doanh và các khu các ly”… trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên nhiều vấn đề trong hoạt động nghĩa tình thì nhiều người nói rằng Huế đang chậm chân…

Đoàn Thầy thuốc của TT- Huế vào hỗ trợ chống dịch ở TP Hồ Chí Minh ngày 14/7/2021
Đoàn Thầy thuốc của Thừa Thiên Huế vào hỗ trợ chống dịch ở TP Hồ Chí Minh ngày 14/7/2021.

 Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế cho rằng, Hà Nội- Huế- Sài Gòn lâu nay là những địa phương kết nghĩa. Tỉnh rất nhanh chóng khi nghe các địa phương như Bắc Giang, Phú Yên có dịch đưa người đến hỗ trợ ngay, nhưng với TP Hồ Chí Minh lại phải chờ chỉ đạo từ Bộ Y tế mới đưa người vào. Nếu, Huế đưa đội ngũ Thầy thuốc vào sớm hơn như Hải Dương, Quảng Ninh… thì sẽ tốt hơn nhiều.

Khi dịch ở TP Hồ Chí Minh mới bùng phát, Ông đã ước “Giá như ở Thừa Thiên Huế có đơn vị, như Mặt trận, hay Công đoàn phát động  quỹ Sài Gòn thân thương thì hay biết mấy, ai khó mấy cũng ráng sẻ chia chút ít, chút nhiều lúc gian nan lại càng bội phần ý nghĩa”.

Sinh viên Huế đang chế biến thức ăn gửi vào TP Hồ Chí Minh
Sinh viên Huế đang chế biến thức ăn gửi vào TP Hồ Chí Minh.

 Điều ước đó cuối cùng được thực hiện dù đi sau nhiều tỉnh thành khác. Các hội đoàn thể, địa phương, nhân dân, sinh viên học sinh Huế cùng vào cuộc. Vì Sài Gòn, vì nghĩa tình với người dân TP Hồ Chí Minh, liên tiếp hàng chục tấn hàng hoá, thực phẩm đóng hộp… được chuyển vào hỗ trợ nhân dân TP Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ.

Những lọ mắm ruốc, mắm cá... gói trọn tình cảm của người dân Huế gửi người dân TP Hồ Chí Minh
Những lọ mắm ruốc, mắm cá... gói trọn tình cảm của người dân Huế gửi người dân TP Hồ Chí Minh.

 Khi TP Hồ Chí Minh bùng phát dịch, nhiều tiếng nói kêu gọi tỉnh Thừa Thiên Huế trước khi đề nghị Bộ GTVT đóng cửa sân bay, chặn đường tảu hoả, cấm các phương tiện ô tô chở khách đi và đến Huế từ TP Hồ Chí Minh cần có hoạt động kêu gọi các Hội đồng hương hay các tổ chức, đơn vị… hỗ trợ công dân Huế đang ở tại đây, bị khó khăn vì dịch bệnh hay có chương trình đưa công dân Huế muốn trở về địa phương thì hỗ trợ tàu xe... đưa về. Làm được điều đó không những giúp TP Hồ Chí Minh nhẹ gánh, bớt đi mối lo về người dân nhập cư mà còn tăng hiệu quả phòng chống dịch, chống lây lan trong cộng đồng khi người dân từ TP Hồ Chí Minh về địa phương được cách ly, quản lý theo qui định.

Huế đang phân vân, bàn thảo việc ai là người đứng ra đưa người dân về thì Đà Nẵng, Bình Định… đã đi trước.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ngày 15/7/20921 đã có thư gửi Hội đồng hương TP Hồ Chí Minh đề nghị tìm hiểu thông tin, nắm số lượng người Đà Nẵng có nhu cầu về quê để hỗ trợ đưa về. Nghe vậy, Hội đồng hương của TP Đà Nẵng đã vào cuộc ngay; họ thông báo rộng rãi, lập trang Facbook để người dân Đà Nẵng muốn về quê đăng ký; cùng UBND TP.Đà Nẵng bố trí xe, xét nghiệm, tặng tiền làm lộ phí đi đường (500.000 đồng/người) và về cách ly 21 ngày theo qui định…

Những chuyến xe nghĩa tình của Huế chuyển vào TP Hồ Chí Minh
Những chuyến xe nghĩa tình của Huế chuyển vào TP Hồ Chí Minh.

Thấy thế, tại cổng kết nối Văn phòng UBND tỉnh với báo chí, có nhà báo nóng ruột gửi ý kiến đến UBND tỉnh “Thừa Thiên Huế lên kế hoạch đón người từ TP HCM về quê đang được triển khai như thế nào. Dự kiến tỉnh sẽ đón khoảng bao nhiêu công dân Huế đang ở TP HCM trở về. Người dân có nhu cầu về sẽ liên lạc với hội nào.  Tôi thấy các tỉnh đã triển khai cụ thể mà Huế vẫn đang còn triển khai, làm quá chậm so với tỉnh bạn”.

Vâng, Huế luôn là “Thành phố hạnh phúc”, người dân Huế luôn có trái tim yêu thương, rộng mở. Người con của Huế, người yêu Huế có ở khắp nơi và luôn hướng về Huế. Dù có chậm một chút nhưng chắc chắn Huế không bao giờ bỏ quên những người con xa quê, luôn nghĩ về họ với những nỗi lo đau đáu khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn. Huế mong rằng những người con xa quê đừng lo lắng, Huế sẽ đón họ về trong vòng tay yêu thương của mình.

Còn người dân Huế mong chính quyền, những người có trách nhiệm với hoạt động phòng chống dịch Covid-19 của Huế luôn “căng mình chống dịch” nhưng đừng bối rối, có sự chỉ đạo nhất quán, chủ động trong mọi tình huống, xứng đáng với niềm tin của người dân Huế dành cho mình.

Trần Minh Tích