Mặc dù đã rốt ráo xử lý các vấn đề tồn tại từ cuối 2013, song 2014 có lẽ vẫn là năm khó khăn đối với nhiều ngân hàng khi thông tin thua lỗ rộ lên ngay những ngày đầu năm mới.

Nếu Thông tư 02 về phân loại nợ xấu được áp dụng, rất có thể sẽ có những báo cáo kinh doanh kém tươi sáng nữa của các NH.

Liên tục báo lỗ

Không còn giật mình vì kết quả kinh doanh thua lỗ như trường hợp Navibank - ngân hàng (NH) đầu tiên báo lỗ vào quý II/2013, gần đây giới đầu tư đón nhận các thông tin NH báo lỗ trong quý cuối cùng năm 2013 một cách khá nhẹ nhàng.

Trong tuần vừa qua, hàng loạt các NH đã công bố kết quả kinh doanh 2013 với rất nhiều điểm tối do ảnh hưởng của quá trình tái cấu trúc đang diễn ra mạnh mẽ và do buộc phải thận trọng, chú trọng tới từng bước phát triển.

Đáng chú ý nhất là thông tin Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố lỗ 293 tỷ đồng trong quý IV/2013 do vàng và ngoại hối; Eximbank lần đầu tiên từ khi lên sàn năm 2009 lỗ 222 tỷ đồng trong quý IV cũng do kinh doanh ngoại hối và một phần do thu nhập lãi suất sụt giảm.

VietinBank trong khi đó chứng kiến lãi quý IV giảm hơn 60%; Ngân hàng Quân đội (MB) chứng kiến nợ xấu tăng gấp rưỡi và lợi nhuận của hầu hết các hoạt động kinh doanh đều giảm so với cùng kỳ năm trước. SHB công bố lợi nhuận quý IV giảm hơn 70%. Techcombank ước lợi nhuận cả năm 2013 giảm khoảng 13,7% so với năm liền trước.

Giải thích nguyên nhân lỗ cả trăm tỷ trong quý IV/2013, ACB cho biết là do chi phí hoạt động tăng cao trong khi các hoạt động khác không lãi nhiều. Bên cạnh đó còn do thua lỗ trong hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối và chứng khoán.

Việc ACB báo lỗ quý IV có một chút bất ngờ là bởi nhiều NĐT trước đó cho rằng NH này đã cơ bản tái cấu trúc xong, vượt qua hàng loạt các khó khăn và đã bắt đầu không còn lỗ vì vàng từ quý liền trước. Tuy nhiên, trên thực tế khoản lỗ khá lớn trong quý IV đã khiến cả năm 2013 ACB lãi chưa tới nghìn tỷ, thấp hơn cả 2012 - năm mà ACB gặp khủng hoảng nghiêm trọng liên quan tới bầu Kiên.

Một điểm đáng lưu ý khác là nhiều NH chứng kiến sự sụt giảm lợi nhuận trong bối cảnh hàng loạt các chi phí được cắt giảm, trong đó có chi phí từ việc cắt giảm nhân sự như tại ACB hay Eximbank. Báo cáo cho thấy, trong năm 2013, ACB đã cho nghỉ hơn 1.100 nhân viên, trong khi Eximbank cũng cắt giảm hơn 400 người.

Nhiều NH cũng cho rằng, tín dụng tăng chậm do chính sách cho vay thận trọng, chênh lệch lãi suất giữa đầu vào và đầu ra tương đối thấp (từ mức khoảng 3% xuống dưới 2%)...đảm bảo chất lượng tài sản, đẩy mạnh việc trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu và có nguy trở thành nợ xấu nên lợi nhuận giảm.là nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm.

2014: Nỗi lo nợ xấu đeo bám

Gần đây, có nhiều dự báo cho thấy cổ phiếu NH sẽ hấp dẫn trong trung và dài hạn. Các NH đã và đang có những bước tái cấu trúc mạnh mẽ, liên quan tới việc giải quyết vấn đề nợ xấu, vấn đề cho vay “sân sau” và cắt giảm các hoạt động rủi ro cao và không có lợi cho nền kinh tế như vàng, ngoại hối...

Trong một cuộc hội thảo gần đây, một chuyên gia đưa ra dự báo, cổ phiếu NH có thể bứt phá mạnh gắn liền với những hoạt động của Công ty mua bán nợ VAMC.

Bên cạnh đó, những nỗ lực giải quyết các vấn đề tồn tại ngay trong những tháng cuối cùng của năm 2013 như mạnh tay trích lập dự phòng cho nhiều khoản, nhiều loại nợ xấu; các chính sách cho vay thận trọng... cũng cho thấy nhiều khả năng các NH đang ở đáy của khó khăn và sắp vươn lên mạnh mẽ. Các nhà băng muốn xử lý dứt điểm nhiều vấn đề, chấp nhận thua lỗ, chấp nhận lợi nhuận tụt giảm và chấp nhận tỷ lệ nợ xấu tăng lên trong năm khó khăn 2013.

Mặc dù vậy, cũng có không ít các ý kiến cho rằng, rốt ráo là vậy nhưng các NH có lẽ vẫn chưa thể thoát ra khỏi khó khăn trong năm 2014 bởi tình hình nợ xấu chính xác của các NH vẫn còn là một câu hỏi. Nếu Thông tư 02 về phân loại nợ xấu được áp dụng, rất có thể sẽ có những báo cáo kinh doanh kém tươi sáng nữa.

Trong một báo cáo đánh giá về ngành NH vừa công bố tuần qua, một CTCK cho rằng, về cơ bản các NH đang hồi phục trở lại: nợ xấu, dù được báo cáo thấp hơn so với thực tế, nhiều khả năng đang đạt đỉnh và lãi suất hiện đang ổn định. Tuy nhiên, lợi nhuận của các NH trong tương lai hoàn toàn tùy thuộc vào việc Thông tư 02 được áp dụng nghiêm ngặt đến đâu kể từ ngày 1/6/2014. Thông tư 02 chủ yếu yêu cầu các NH ghi nhận nợ xấu đúng theo thực tế, do đó chi phí dự phòng sẽ tăng mạnh.

Việc các NH chấp nhận đẩy mạnh việc trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu và có nguy trở thành nợ xấu... trong những tháng cuối cùng của năm 2013 có lẽ một phần cũng là để chuẩn bị cho những yêu cầu cao hơn trong thời gian tới.

Thông tin NHNN sẽ tập trung thanh tra nợ xấu của các NH sau khi áp dụng thông tư 02 ngay trong năm 2014 cũng là yếu tố khiến các NH buộc phải đẩy nhanh quá trình lành mạnh hóa tình hình tài chính của mình, hướng tới một sự phát triển ổn định và bền vững hơn.

Vấn đề được quan tâm hiện nay có lẽ vẫn là tỷ lệ nợ xấu thực sự hệ thống các NH hiện nay là bao nhiêu, 10%, 8% hay 6%... và nợ xấu BĐS là bao nhiêu trong bối cảnh nhiều vụ lừa đảo NH lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Những số liệu không mấy tích cực của nhiều NH trong quý IV vừa qua được giới đầu tư đón nhận một cách khá tĩnh như chuyện Tái ông mất ngựa. Với các chính sách cho vay thận trọng, đường hướng phát triển bền vững, chú trọng vào quản trị rủi ro, các NH được kỳ vọng sẽ sớm vượt qua được đợt tái cấu trúc mạnh mẽ lần này.

Theo VEF