Theo ghi nhận thực tế tại cửa hàng “Hải Uyên” địa chỉ tại: 141 Điện Biên, Lê Lợi, Hưng Yên. Phóng viên nhận thấy tại đây, hàng hóa ở đây rất đa dạng về chủng loại và mẫu mã từ dầu gội đầu, mỹ phẩm, chăm sóc da, nước hoa, bánh kẹo, đồ dùng thiết yếu hàng ngày…. nhưng có nhiều hàng hóa không có tem nhãn phụ theo quy định của pháp luật vẫn được bày bán.
Thậm chí, trên nhiều sản phẩm “chi chít” những dòng chữ tiếng nước ngoài... Mọi thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hướng dẫn sử dụng hay cảnh báo đều không có trên sản phẩm. Tất cả thông tin người tiêu dùng muốn nhận biết phải hỏi nhân viên tư vấn, ngay cả cách sử dụng sản phẩm cũng phải nhờ đến nhân viên tại cửa hàng này thì người mua mới có thể nắm rõ. Tình trạng này một mặt gây khó khăn cho người tiêu dùng khi tìm hiểu thông tin về sản phẩm như cách sử dụng, cách bảo quản, đơn vị nhập khẩu, ngày sản xuất, hạn sử dụng…
Các mặt hàng kinh doanh này chủ yếu được dùng hàng ngày, vậy điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng? Hay cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm khi có tình huống xấu xảy ra với khách mua hàng? Tình trạng này đã kéo dài trong bao lâu, liệu có khách hàng nào đã bị ảnh hưởng khi mua sản phẩm chỉ vì nghe nhân viên tư vấn, chứ thực chất không hề biết thông tin qua nhãn phụ; và nhân viên tư vấn có thổi phồng công dụng của hàng hóa với khách hàng không?
Trong quá trình tìm hiểu, phóng viên thắc mắc về một số mùi hương của sản phẩm dầu gội đầu nên có ngỏ ý muốn ngửi, thì nhân viên ở đây sẵn sàng mở luôn sản phẩm đang được dán tem mới. Vậy liệu các sản phẩm ở đây có được trộn hay thay đổi ruột bên trong hay không? Sản phẩm bán đến tay khách hàng có chất lượng như cam kết? Phần lớn sản phầm đây đều không có giá niêm yết và nhãn phụ, nếu muốn tìm hiểu thông tin hay giá tiền của sản phẩm người mua phải hỏi thu ngân hoặc nhân viên để kiểm tra mới có thể biết được, liệu những sản phẩm này có mập mờ về nguồn gốc?
Các sản phẩm thực phẩm chức năng và mỹ phẩm hàng nhập khẩu, thiếu thông tin tem nhãn phụ vẫn đang âm thầm đến tay người tiêu dùng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có những cảnh báo, nhưng không ít người tiêu dùng vẫn bị “móc túi” vì đặt niềm tin vào các cơ sở kinh doanh có tiếng. Tác dụng thì chưa thấy đâu, nhưng trước mắt là việc người tiêu dùng bị thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Việc bày bán các sản phẩm nhập khẩu không có dán tem nhãn phụ tiếng Việt làm người tiêu dùng không thể tìm hiểu thông tin cơ bản về sản phẩm: Nơi sản xuất, thành phần cũng như cách sử dụng sản phẩm... Từ đó, các mặt hàng kém chất lượng, hàng nhái sẽ có cơ hội "tuồn vào” các cửa hàng gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng, cũng sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý thị trường.
Thời gian qua, nhiều địa điểm kinh doanh đã khắc phục lỗi vi phạm sau khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên thực tế vẫn còn rất nhiều nơi bán hàng không có tem, nhãn phụ tiếng Việt, đánh đố người mua. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hơn nữa.
Được biết cửa hàng “Hải Uyên” đã có nhiều năm kinh doanh sản phẩm nhập khẩu tại tỉnh Hưng Yên, nhưng liệu các sản phẩm của cửa hàng “Hải Uyên” có địa chỉ tại: 141 Điện Biên, Lê Lợi, Hưng Yên có rõ nguồn gốc xuất xứ? Đề nghị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý những tồn tại về hàng hoá vi phạm quy định nêu trên.
Bán sản phẩm không có tem nhãn phụ tiếng Việt bị xử phạt như thế nào?
Tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:
a) Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
b) Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Khoản 2 Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 26 theo mức:
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường.
Tâm An - Kim Khánh