Bí quyết bánh mì giá trăm tỉ, chuyển nhượng đất không côngchứng
Chuỗi nhà hàng Món Huế đóng cửa đồng loạt vào tháng 10 năm ngoái, để lại món nợ lớn cho nhà cung cấp và nhà đầu tư. Nguồn: DealStreetAsia
Như TBKTSG Online đưa tin, khoản tiền 781 tỉ đồng tiền vay Huy Hồng Kông từ năm 2017 đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho chuỗi nhà hàng có vốn điều lệ 22 tỉ đồng mở rộng thị trường.
Nhưng đây không phải là tất cả. Giai đoạn 2014-2016, Huy Việt Nam (Hồng Kông) Limited (gọi tắt là Huy Hồng Kông) còn rót vốn thông qua Huy Việt Nam (đơn vị sở hữu 100% vốn của Món Huế khi đó) để thực hiện nhiều giao dịch mua bán tài sản. Tổng số tiền góp thêm vào vốn điều lệ của Món Huế là 609 tỉ đồng.
Với tổng số tiền nhận được lên đến 1.390 tỉ đồng, Huy Nhật và cộng sự đã thực hiện liên tiếp nhiều giao dịch, bao gồm chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xây dựng nhà máy hay chuyển nhượng thương hiệu để kinh doanh. Tuy nhiên, các giao dịch tài sản có quy mô hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng này đều có những dấu hiệu bất thường.
Chẳng hạn, ngày 1/6/2017, bà Ngô Thị Mỹ Hạnh thay mặt Món Huế ký kết hợp đồng chuyển nhượng với Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Song Thành, mua lại khu đất cụm công nghiệp Ninh Hiệp, Huyện Gia Lâm, Hà Nội, 5.705 m2 mục đích sử dụng là xây nhà máy chế biến thực phẩm, cho dự án Bếp trung tâm Hà Nội. Giá chuyển nhượng là 134 tỉ đồng chưa bao gồm thuế VAT.
Tuy nhiên, cho đến nay khu đất vẫn chưa được chuyển nhượng cho Món Huế và không có bất kỳ giấy chứng nhận nào, dù số tiền trên đã được thanh toán cho Song Thành, bằng tiền mặt.
Sau đó, bà Hạnh cũng liên tiếp ký với nhiều công ty khác về tư vấn, thiết kế xây dựng xoay quanh dự án Bếp trung tâm tại Hà Nội, một số trường hợp đã chuyển tiền nhưng không thực hiện dịch vụ. Dự án Bếp trung tâm ở Long An cũng có diễn biến tương tự.
Bên cạnh các dự án “bánh vẽ” bất động sản, việc nhượng quyền thương hiệu kinh doanh thực phẩm cũng gây tranh cãi không kém, như câu chuyện tranh giành quyền sở hữu thương hiệu giữa với “Phở Hùng” và “Phở Ông Hùng”. Đến nay, Phở Ông Hùng của Huy Nhật và cộng sự đã bị từ chối bảo hộ trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng.
Năm 2014, Món Huế mua lại Phở Việt với giá chuyển nhượng là 1,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó số tiền phải trả lên đến gần 6,8 triệu đô la, tương đương khoảng gần 144,5 tỉ đồng, cho tài sản, máy móc, thiết bị và tên thương hiệu.
Một thương hiệu khác là Great Bánh Mì ra đời, sau khi mua lại Nhi Lan (cũng "nhái" theo tên thương hiệu bánh mì nổi tiếng Như Lan tại TPHCM) theo hợp đồng ký ngày 1/10/2015 với mức giá lên đến 140 tỉ đồng, bao gồm bí quyết công nghệ và công thức chế biến.
Thực tế hợp đồng ký trước đó là 180 tỉ đồng bao gồm thêm vốn góp và tất cả tài sản của Nhi Lan.
Năm 2016, ông Nguyễn Minh Bửu còn ký kết hợp đồng mua lại chuỗi cửa hàng Phở 99, bao gồm tài sản, trang tài sản, trang thiết bị, vật dụng, công cụ, đồ dùng để kinh doanh nhà hàng, bí quyết công nghệ, công thức chế biến phở và các món ăn, nhãn hiệu phở 99 và các hợp đồng thuê nhà. Số tiền 156 tỉ đồng mua lại đã được thanh toán hết cho chủ sở hữu.
Khi Phở 99 được mua lại có 3 cửa hàng, đến cuối tháng 7/2019 cũng chỉ có 3 cửa hàng duy trì hoạt động (mở thêm và đóng cửa 3 cái khác), dù kế hoạch đặt ra là cuối năm 2019 sẽ có 43 địa điểm kinh doanh Phở 99.
Nghi vấn giao dịch bất thường?
Nhà đầu tư từ Hồng Kông hiện cáo buộc các giao dịch mà Huy Nhật và cộng sự thực hiện có nhiều yếu tố bất thường và có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Cụ thể là 382 tỉ đồng liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các khu đất tại thành phố Hà Nội và tỉnh Long An; 603 tỉ đồng với các giao dịch liên quan đến các dự án bếp trung tâm của Món Huế tại Hà Nội và tại Long An; và khoảng 284 tỉ đồng liên quan đến chuyển nhượng thương hiệu.
Với tổng số tiền cáo buộc là 1.269 tỉ đồng, hầu như các giao dịch của Món Huế đều có vấn đề “3 không”.
Đầu tiên là các hợp đồng ký kết không có cơ sở pháp lý. Như hợp đồng chuyển nhượng đất tại Hà Nội và phụ lục đều không được công chứng bởi văn phòng công chứng. Bà Hạnh lúc này chỉ là Giám đốc chi nhánh Món Huế tại Hà Nội, nên không đủ thẩm quyền cũng như không có giấy ủy quyền nào để ký. Trong giai đoạn này, ông Bửu là người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc còn ông Huy Nhật là Chủ tịch công ty.
Theo cổ đông ngoại của Món Huế, cũng không có bất kỳ chấp thuận nào từ Huy Việt Nam với tư cách là chủ sở hữu duy nhất của Món Huế khi đó, đối với giao dịch trên và nhiều giao dịch khác.
Thêm nữa, cơ sở pháp lý của các đối tác cũng được đặt dấu hỏi, khi nhiều hợp đồng ký xong thì đối tác mới thành lập pháp nhân. Như trường hợp Great Bánh Mì, ông Bửu ký kết với Nhi Lan vào ngày 22/5/2015 nhưng mãi đến ngày 10/6/2015 thì Công ty Nhi Lan mới thành lập. Đến ngày 1/10/2015, ông Bửu hủy hợp đồng này và ký hợp đồng mới lần thứ hai trong cùng ngày.
Ngoài ra, các giao dịch được nêu lên cũng không có cơ sở định giá vững chắc. Như khu đất ở Hà Nội được nhà đầu tư thẩm tra lại chỉ có 22,8 tỉ đồng, trong khi số tiền nêu trong hợp đồng lên đến 134 tỉ đồng.
Ở các thương vụ nhượng quyền thương hiệu, nhà đầu tư ngoại cũng dẫn lại PwC, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2017, đánh giá các mức giá chuyển nhượng này là cao bất thường.
Cuối cùng, hàng loạt các giao dịch hàng trăm tỉ đồng đa phần đều được trả bằng tiền mặt, không qua hệ thống ngân hàng. Đặc biệt là khoản tiền 341 tỉ đồng khoản phải thu nội bộ ngắn hạn trên báo cáo thuế vào cuối năm 2018 (nhà đầu tư Hồng Kông đặt vấn đề đây là khoản tiền đã được chuyển cho Huy Nhật).
Những nhà quản lý Món Huế cũng tỏ ra “hào phóng” với các đối tác, như việc tạm ứng hàng trăm tỉ đồng nhưng không thực hiện công việc, hay ký quỹ 100 tỉ đồng cho dự án trị giá 33,38 tỉ đồng (đã tăng 9,68 tỉ đồng chi phí phát sinh) mà không đòi phần còn dư sau khi nghiệm thu.
Bên cạnh số tiền giao dịch vượt quá nhiều lần so với giá trị thực, ký kết giao dịch với công ty chưa được thành lập, ứng tiền bằng tiền mặt vượt quá giá trị hợp đồng, nhà đầu tư ngoại cũng đặt vấn đề thanh toán cho cá nhân không phải là một bên của giao dịch, và nhiều hợp đồng có bóng dáng những người liên quan đến các quản lý của Món Huế. Chẳng hạn như người đứng tên Phở Việt là ông Ngô Đức Việt, có cùng địa chỉ thường trú tại Hà Nội và được cho là em trai ruột của bà Ngô Thị Mỹ Hạnh.
Thêm nhà đầu tư khởi kiện Huy Nhật và cộng sự Xác định nhiều yếu tố cho thấy có dấu hiệu của hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", nhà đầu tư Hồng Kông đã chuyển hồ sơ tới cơ quan công an, để xem xét trách nhiệm của Huy Nhật và cộng sự. Theo đơn tố cáo của nhóm nhà đầu tư có cổ phần lớn trong chuỗi Món Huế, ông Huy Nhật và cộng sự đã giả mạo thông tin để gọi vốn, báo cáo tình hình tài chính, không quan tâm đến việc phát triển Món Huế mà chỉ tìm cách thực hiện hàng loạt các giao dịch bất thường với các khoản tiền trăm tỉ đồng với bên thứ ba, trong đó bao gồm các dự án chuyển nhượng bất động sản hay các thương vụ nhượng quyền thương hiệu đình đám. Trước đó, vào ngày 17/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty TNHH MTV Horizon Property Group (số 16 Thảo Điền, phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM) do ông Huy Nhật làm giám đốc. Theo đơn tố cáo của nhóm bốn nhà đầu tư, Horizon Property Group đã vẽ ra dự án “ma” có quy mô 162 ha tại Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế), sau đó kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn. Trong quá trình làm việc Huy Nhật cử ông Nguyễn Lương Hoàng, là Giám đốc Công ty Horizon Việt Nam giới thiệu thông tin dự án. Đáng chú ý, ông Nguyễn Minh Bửu, từng là Giám đốc Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế, cũng đồng thời là một mắc xích quan trọng trong vụ án chiếm đoạt 25 triệu đô này của Huy Nhật.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn online