Một nhà hàng Món Huế trên đường Ngô Đức Kế, TPHCM, đến nay vẫn treo biển cho thuê. Cửa hàng này được cho là có doanh thu trong 12 tháng trước đó lên đến 25,6 tỉ đồng, ngày hết hạn cho thuê là 31-10-2022.Một nhà hàng Món Huế trên đường Ngô Đức Kế, TPHCM, đến nay vẫn treo biển cho thuê. Cửa hàng này được cho là có doanh thu trong 12 tháng trước đó lên đến 25,6 tỉ đồng, ngày hết hạn cho thuê là 31-10-2022.
Dòng tiền trăm tỉ chảy nhanh khỏi chuỗi Món Huế

Theo báo cáo tài chính (bản gửi cơ quan thuế) của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế (mã số doanh nghiệp 0304790141, đơn vị sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế và thương hiệu thành viên) do ông Nguyễn Minh Bửu (người đại diện pháp luật khi đó) ký, tài khoản Món Huế trong năm ghi nhận khoản tiền hơn 781 tỉ đồng chảy vào. 

Đây là khoản vay dài hạn mà Huy Việt Nam (Hồng Kông) Limited (gọi tắt là Huy Hồng Kông, cổ đông sở hữu 35,6% cổ phần theo báo cáo cuối năm 2019) cung cấp cho chuỗi nhà hàng có vốn điều lệ 22 tỉ đồng.

Nhận được số vốn này, Món Huế triển khai mở rộng kinh doanh, nhưng dòng tiền sau đó lại đột ngột chảy nhanh và mạnh ra khỏi tài khoản của Món Huế dưới nhiều giao dịch bất thường.

Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền đi ra chủ yếu là chi trả cho người cung cấp hàng hóa và dịch vụ, lên đến 302 tỉ đồng (năm 2016 chỉ có 6,8 tỉ đồng), tiền “chi khác” cho hoạt động kinh doanh cũng tăng vọt lên đến 819 tỉ đồng.

Món Huế cũng tăng đầu tư khi giá trị tài sản cố định tăng vọt lên gần 94 tỉ đồng (năm 2016 là 35 tỉ), chi phí xây dựng dở dang tăng lên 61 tỉ đồng (trước đó là 5,5 tỉ đồng). Riêng số tiền xây dựng dở dang này tiếp tục bị “treo” trong năm tài chính 2018, theo báo cáo thuế do bà Ngô Thị Mỹ Hạnh ký (đại diện pháp luật kiêm giám đốc từ ngày 6-4-2018 đến nay cho đến nay).

Cấu trúc tài sản của Món Huế cũng trở nên bất thường không kém khi xuất hiện khoản phải thu nội bộ ngắn hạn lên đến 475 tỉ đồng vào năm 2017 và 341 tỉ đồng vào năm 2018, chiếm lần lượt 60% và 45% quy mô tổng tài sản. Nhà đầu tư Hồng Kông đặt vấn đề đây là khoản tiền đã được chuyển cho Huy Nhật.

Một điểm bất thường nữa là dù được “bơm” thêm vốn, mở rộng địa điểm kinh doanh (chi phí bán hàng tăng mạnh 40%) nhưng doanh thu trong năm 2017 thực tế lại giảm gần 6,7%.

Món Huế cũng "bạo chi" khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý chỉ chiếm 68,2% trên tổng doanh thu trong năm 2016, nhưng đã tăng vọt lên 97,8% trong năm 2017 và gần như đi ngang trong năm tiếp theo.

Trong khi đó, với giá vốn hàng bán tăng không đáng kể qua các năm, Nhà hàng Món Huế thực tế vẫn có khoản lợi nhuận gộp lên đến gần 147 tỉ đồng trong năm 2018 và 118 tỉ đồng trong năm 2017.

Các khoản chi ở trên đã tạo ra khoản lỗ trước thuế gần 54 tỉ đồng trong năm 2017. Còn năm 2016 trước đó, chuỗi Món Huế vẫn có lợi nhuận gần 257 triệu đồng trên báo cáo thuế.

Đáng chú ý là các nhà đầu tư mới đây còn tố cáo Huy Nhật và cộng sự đã tự ý chuyển hai khoản vay 17,5 triệu đô la và 10,2 triệu đô la của hai cổ đông thành vốn cổ phần. Bằng cách vốn hóa các khoản vay, khoản đầu tư của các nhà đầu tư này có thể mất trắng.

Vì sao đồng loạt đóng cửa 222 cửa hàng?

Vào khoảng tháng 10 năm ngoái, hệ thống chuỗi nhà hàng Món Huế, cùng các thương hiệu thành viên, đồng loạt đóng cửa trong sự bất ngờ của thị trường, để lại món nợ lớn đối với các nhà cung cấp, nhân viên và cả các cổ đông.

Khi Món Huế đóng cửa, nhiều chuyên gia trong ngành đã chỉ ra các yếu tố bất lợi mà Món Huế đang đối mặt trong hoạt động kinh doanh, từ việc thực đơn không quá đặc sắc, phân khúc thị trường cho khách không bình dân, trong khi chi phí mặt bằng lại quá cao.

Tháng 10 năm ngoái hơn 200 cửa hàng Món Huế đồng loạt đóng cửa.Tháng 10 năm ngoái hơn 200 cửa hàng Món Huế đồng loạt đóng cửa.Việc đóng cửa các mặt bằng tốn kém không hiệu quả là điều thường thấy trong kinh doanh chuỗi nhà hàng, nhưng Huy Nhật và các cộng sự chọn cách đóng cửa đồng loạt và không thông báo đến cổ đông lớn của Món Huế.

Phía nhà đầu tư Hồng Kông cho rằng không có lý do gì để đóng cửa toàn bộ, đặc biệt là những cửa hàng vẫn đang được báo cáo là hoạt động rất tốt. Từ tháng 5-2019 đến 30-9-2019, đã có ít nhất 58 cửa hàng bị đóng cửa cùng với việc chấm dứt các hợp đồng thuê và bán tài sản. Những cửa hàng này không chỉ tạo ra được doanh thu đáng kể mà còn tăng 31% so với doanh thu của 12 tháng trước đó.

Tại thời điểm tháng 5-2019, Món Huế đã mở ít nhất 222 cửa hàng tại TPHCM, Hà Nội và các tỉnh thành khác tại Việt Nam.

Trước khi đóng cửa chuỗi nhà hàng Món Huế, Huy Nhật vẫn gửi giấy xác nhận số dư tài khoản còn gần 2.000 tỉ đồng tiền mặt, sau này Huy Hồng Kông xác minh là tài khoản không có thật.

Như TBKTSG Online đã đưa tin, TAND TPHCM đã chính thức thụ lý vụ án dân sự: “tranh chấp thành viên công ty với người quản lý công ty”, theo đơn khởi kiện của Huy VietNam (Hong Kong) Limited, có trụ sở tại Wanchai, Hồng Kông. Theo thông báo thụ lý vụ án, người khởi kiện là ông Prasoon Dayal, thành viên HĐQT, Giám đốc Công ty Huy Việt Nam (Hồng Kông), yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền gần 879,5 tỉ đồng.

Người khởi kiện cho rằng ông Huy Nhật và hai cá nhân khác là bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, ông Nguyễn Minh Bửu, đã lợi dụng vị trí quản lý Món Huế, có những hành vi gây thiệt hại lớn cho Món Huế, các doanh nghiệp thành viên liên quan, trong đó có Huy Hồng Kông.

Theo đơn tố cáo của nhóm nhà đầu tư có cổ phần lớn trong chuỗi Món Huế, ông Huy Nhật và cộng sự đã giả mạo thông tin để gọi vốn, báo cáo tình hình tài chính, không quan tâm đến việc phát triển Món Huế mà chỉ tìm cách thực hiện hàng loạt các giao dịch bất thường với các khoản tiền trăm tỉ đồng với bên thứ 3, trong đó bao gồm các dự án chuyển nhượng bất động sản hay các thương vụ nhượng quyền thương hiệu đình đám.

Xác định nhiều yếu tố cho thấy có dấu hiệu của hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", nhà đầu tư này đã chuyển hồ sơ tới cơ quan công an, để xem xét trách nhiệm của Huy Nhật và cộng sự.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn online