Theo thông tin từ người dân sống tại KĐT Linh Đàm, kể từ ngày 10/10 đến nay, cuộc sống,  sinh hoạt của họ đang bị xáo trộn hoàn toàn do sự cố nước bốc mùi khó chịu. Thay vì những hoạt động vui chơi, tập thể dục vào những buổi chiều, vào những ngày này, công việc chính của những người dân nơi đây là hứng nước. Tất cả các vật dụng, từ người già đến trẻ nhỏ… tất cả đều được huy động tham gia hứng nước.

Cuộc sống của người dân KĐT Linh Đàm bị ảnh hưởng không nhỏCuộc sống của người dân KĐT Linh Đàm bị ảnh hưởng không nhỏ

Trao đổi với phóng viên, chị Thanh Hoa, một người dân sống tại KĐT cho biết: “Từ ngày xảy ra sự cố, người dân trong tòa nhà ít người dám dùng nước để nấu ăn. Đề chống chọi với tình trạng có nước mà không thể dùng, người dân chúng tôi đã phải mua nước đóng chai về để nấu ăn. Tuy nhiên, với mức tiêu thụ hàng ngày của một gia đình có 4 người như nhà mình thì đây là một số tiền khá lớn” .

Cũng theo thông tin từ người dân sống tại KĐT cho biết, trước đây, vào những ngày bình thường, mỗi buổi chiều, nhà nhà đưa con cái đi tập thể dục và vui chơi, tuy nhiên từ ngày xảy ra sự cố nước, nhiệm vụ lớn nhất của mỗi gia đình là hứng nước về sinh hoạt. Hiện nay, nước vẫn còn rất mùi, dùng làm nước dội bồn cầu cũng đủ kiến nhà ngập mùi clo chứ đừng nói gì đến việc ăn uống.

người dân xếp hàng hứng nướcngười dân xếp hàng hứng nước

Trước đó, bắt đầu từ ngày 10/10, người dân tại các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm… tá hỏa khi phát hiện ra nguồn nước “sạch” mình đang dùng có mùi khét, khó chiu, thậm chí, khi dùng nước để rửa tay người dân còn cảm thấy nhơn nhớt…

Thay vì được vui chơi, những em nhỏ cũng tham gia vào hứng nướcThay vì được vui chơi, những em nhỏ cũng tham gia vào hứng nước

Trước tình trạng này, để giải quyết nhanh chóng để ổn định nguồn nước sinh hoạt cho người dân, chiều ngày 11/10, đoàn liên ngành TP. Hà Nội gồm: Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP và các đơn vị cung cấp nước sạch sông Đà đã đi kiểm tra, lấy mẫu nước tại ba địa điểm: Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm); bể chứa trung gian tại huyện Thạch Thất; và tại Nhà máy nước sông Đà (tỉnh Hoà Bình).

Đại diện đoàn kiểm tra, ông Lê Văn Du, Phó phòng Hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội), cho biết ngoài việc lấy mẫu nước để kiểm tra, đoàn đã yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà cung cấp toàn bộ nhật ký lịch trình cung cấp nước và quy trình quản lý vận hành cấp nước những ngày vừa qua; trong đó có lịch trình, số lượng các loại hoá chất đã sử dụng.

Nhận định nguyên nhân ban đầu sau khi lấy mẫu nước, ông Du cho rằng có thể trong quá trình vận hành đơn vị sản xuất đã sử dụng lượng Clo quá quy chuẩn. Tuy nhiên, ông cho hay nguyên nhân chính thức phải đợi kết quả kiểm tra của Trung tâm kiểm soát bệnh tật.

Cũng theo ông Du, việc kiểm soát chất lượng nước đầu vào ngoài đơn vị sản xuất cung cấp (Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà) thì đơn vị mua để bán (Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và Công ty CP Viwaco) cũng phải kiểm tra để đảm bảo chất lượng sau quá trình vận hành từ nhà máy đến trạm cấp nước.

Ông Vũ Đức Toản, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà khẳng định nhà máy nước sạch sông Đà đang vận hành bình thường theo đúng quy trình "đảm bảo chất lượng nước đầu ra theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế".

Theo ông Toản, đơn vị cung cấp 300.000 m3 nước/ngày, đêm cho nhiều quận huyện của Hà Nội. Công ty đang phối hợp với đơn vị độc lập để kiểm tra chất lượng nước. Đoàn kiểm tra liên ngành dự kiến sau bảy ngày sẽ có kết quả kiểm tra chất lượng nước sông Đà.

Thế Long