THCLNhằm tôn vinh các tác phẩm văn học nước nhà và kéo khán giả trẻ trở lại với sân khấu kịch, đặc biệt là thể loại chính kịch, Nhà hát Kịch Việt Nam đã trình diễn vở “Kiều” từ tháng 2/2017 tại Nhà hát lớn bằng hình thức sáng tạo nghệ thuật mới mẻ. Đây là tác phẩm được chuyển thể từ kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du.
Cảnh trong vở "Kiều" do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng.
Tác giả kịch bản nhà văn Nguyễn Hiếu và đạo diễn NSND Anh Tú, đã thâu tóm được cái hồn cốt của cả một tác phẩm văn chương kinh điển 3254 câu thơ, gói gọn trong 2 tiếng biểu diễn.
Giá trị hiện thực của tác phẩm được giữ nguyên, nhưng tác giả và đạo diễn nhấn mạnh tính dự báo của tác phẩm. Tính dự báo ở đây nằm trong ý: Khi quyền lực và đồng tiền không chân chính lên ngôi thì nó sẽ làm đảo lộn rất nhiều giá trị khác, trong đó có những giá trị đạo đức tốt đẹp. Ngoài ra vở kịch còn chú ý khai thác vẻ đẹp thiện lương trong mỗi một con người, ngay cả với những nhân vật rất xấu như Tú Bà hay sự sáng tạo ra nhân vật phụ, vợ thằng bán tơ
Có thể thành công nhất của vở diễn đó là phần nghệ thuật vô cùng hiện đại và mới mẻ. Người xem không thấy một vở kịch nói thuần túy nữa mà đó là sự tổng hợp các loại hình kịch, ca hát, múa và những động tác hình thể.
Những câu thơ Kiều đắt giá ăn sâu vào tâm trí người Việt khi thành lời thoại, lúc được ngâm, khi lại thành ca từ réo rắt. 20 ca khúc mà nhạc sĩ Giáng Son viết với nhiều thể loại, đặc biệt những bài rap khiến khán giả trẻ vô cùng thích thú nghe xong là có thể thuộc ngay.
Trang trí sân khấu được NSUT Lê Sơn làm rất công phu và đầy dụng ý nghệ thuật. Ông lấy hoa sen làm điểm nhấn với hàm ý như cuộc đời con người, lúc ban mai hé nở, căng tràn sức sống, lúc nở rộ khoe sắc tưng bừng rạng rỡ hay khi chiều muộn úa tàn thì vẫn toát lên vẻ đẹp vốn có của nó.
Dàn diễn viên trẻ rất tài năng và nhiệt huyết với những trang phục đậm hồn dân tộc đẹp đến kì lạ. Nhân vật Kiều ngoài vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Á Đông, thì ở đây diễn viên trẻ Diễm Hương cũng đã biết cách thổi hơi thở của thời đại vào Kiều. Một cô gái cũng bị mê hoặc trước cái đẹp, mờ mắt trước những lời ngon tiếng ngọt, có lúc bùng lên đấu tranh mạnh mẽ, muốn bứt phá và thể hiện
Sau đêm diễn nhiều khán giả vô cùng xúc động và cảm thấy bất ngờ vì đã lâu họ mới được xem một vở kịch như thế.
Cô Nguyễn Thị Thịnh, giáo viên Ngữ văn trường PTDL Lương Thế Vinh nói: "Có một thực tế hiện nay là học sinh cấp trung học rất sợ và ngại học môn Văn. Các em ngại nhất là các tác phẩm văn học trung đại vừa dài vừa khó.
Ví dụ, với tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du ở cấp THCS lớp 9 học 5 đơn vị đoạn trích, cấp THPT học 4 đơn vị đoạn trích cả phần học chính và tự học có hướng dẫn. Là một tác phẩm hay nhưng rất khó với học sinh, mặc dù dành rất nhiều thời lượng cho tác phẩm này nhưng học sinh vẫn không thể tìm hiểu hết được cái hay cái đẹp và ý nghĩa của tác phẩm...
Nhưng với vở kịch này nội dung và ý nghĩa của truyện được thể hiện rõ nét. Tôi không ngờ vở kịch được chuyển thể hay đến như vậy, khi xem tôi đã khóc, đặc biệt là khả năng diễn xuất và làm mới nhân vật của các diễn viên. Giáo viên giảng hay đến đâu cũng không thể hấp dẫn học sinh bằng cách khi xem trực tiếp vở kịch này. Tôi chắc rằng khi xem xong thì các em sẽ có hứng thú học tập văn học hơn".
Nguyễn Mạnh Cường, học sinh một trường THPT tại Hà Nội hào hứng chia sẻ: "Lần đầu tiên đến nhà hát lại được xem vở kịch Kiều, em rất thích. Có lẽ thích nhất là những bài hát trong vở kịch, đặc biệt là bài ráp và ánh đèn sân khấu lung linh".
Một nữ sinh khác hồ hởi: "Các anh chị diễn viên em thường thấy trên phim quen thuộc thì hôm nay họ hóa thân vào những nhân vật hoàn toàn khác như chị Diễm Hương, anh Xuân Bắc... Hi vọng chúng em sẽ có cách cảm nhận mới về tác phẩm để có thể làm bài thi tốt hơn".
Cảm nhận của các em là rất khác nhau nhưng đều là những ấn tượng tốt đẹp. Có thể từ đây đã giáo dục tư tưởng tình cảm học sinh một cách tế nhị và sâu sắc hoặc khơi mầm sáng tạo cho các em về nghệ thuật như cách xây dựng kịch bản sân khấu, ước mơ làm diễn viên, họa sĩ... Nên chăng việc đưa các em đến với rạp chiếu phim, nhà hát để các em có thể tiếp cận tác phẩm văn học một các sinh động, dễ dàng hơn?.
D.N