Phối cảnh một đoạn đường vành đai 4, Vùng Thủ đô Hà Nội (Ảnh: chinhphu.vn)
Phối cảnh một đoạn đường vành đai 4, Vùng Thủ đô Hà Nội (Ảnh: chinhphu.vn)

Thời điểm đã chín muồi

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, quyết định làm 2 đường vành đai xuất phát từ quan điểm thực tiễn cấp bách, không chỉ là quan điểm hiện nay mà còn là quan điểm hướng tới tương lai; không chỉ quan điểm thực tiễn mà còn có căn cứ lý thuyết. Trong khi đưa vào điều kiện Việt Nam, hai trung tâm kinh tế lớn của nước ta suốt thời gian dài tắc nghẽn giao thông, kìm hãn tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển đô thị do thiếu đường giao thông, thể hiện rõ nhất ở đường tuyến đường vành đai.

Việc đưa ra quyết định phải làm 2 tuyến đường thể hiện tầm nhìn của Chính phủ. Đây là 2 trong 5 dự án ưu tiên hàng đầu của quốc gia về giao thông. Việc đặt ra ưu tiên như vậy và đưa thành nhiệm vụ cấp bách quốc gia cũng như chuyển hướng chiến lược nhằm phát triển Vùng Thủ đô và Vùng Thành phố Hồ Chí Minh, cả hai trung tâm tăng trưởng bậc nhất, không chỉ mục tiêu kinh tế mà cả không gian đô thị, tầm cao đô thị phát triển.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, Thủ đô Hà Nội là hạt nhân của Vùng Thủ đô, đồng thời cũng là trung tâm của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Việc thiết lập quy hoạch vùng vành đai hết sức có ý nghĩa để đồng bộ hoá hệ thống cao tốc, tạo động lực cho cả Bắc Bộ.

Thủ đô Hà Nội hiện nay có 6 cao tốc hướng tâm đi vào xuyên tâm, đồng thời khu vực Vành đai 4 là trung tâm để kết nối phía bắc, với cao tốc Bắc-Nam phía đông, kết nối với Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, cho phép chúng ta hướng tới chỉnh thể của hệ thống cao tốc.

Vì vậy, không chỉ có Thủ đô Hà Nội mà cả vùng Thủ đô và đồng bằng Bắc Bộ được hưởng các khả năng phát triển mới. Việc thiết lập vành đai cuối cùng ở Thủ đô rõ ràng là mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế, cũng như hành lang vận tải liên vùng. Đối với Hà Nội, còn kết nối hai cảng hàng không quốc tế quan trọng là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và trong quy hoạch tổng thể của Thủ đô tới, sẽ hình thành sân bay quốc thế thứ hai ở phía đông nam Thủ đô. Đồng thời, phía Nam Thủ đô cũng kết nối với một phần rất quan trọng là đường sắt cao tốc Bắc-Nam kết nối với Vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội.

Vành đai 4 cho phép điều hoà hệ thống cao tốc và giảm tải cho cao tốc Vành đai 3, trở thành đường trên cao đô thị, mở ra điều kiện để kết nối 5 đô thị vệ tinh trong chùm đô thị của Hà Nội, kết nối trục đô thị của vùng Thủ đô Hà Nội.

Sau 14 năm hợp nhất hành chính Thủ đô, mở ra khả năng phát triển các vùng được đô thị hoá, việc mở rộng Vành đai 4 cho phép Thành phố điều chỉnh tổng thể quy hoạch Thủ đô, để khai thác động lực phát triển đô thị và nông thôn. Điều đặc biệt đối với Vành đai 4 là có lộ giới từ 90-135 m, bao gồm lộ giới cho toàn bộ đường sắt quốc gia. Điều này rất quan trọng cho việc đồng bộ hoá đường bộ, đường sắt. Trước đây, đường sắt quốc gia xuyên qua trung tâm, ngày nay cho phép đồng bộ đường bộ, đường sắt. Đây đều là những động lực mới mang tầm bứt phá cho Thủ đô Hà Nội.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm phân tích: Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng kết nối 4 địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh cũng hết sức quan tâm đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng. Đặc biệt là khi thực hiện phát triển chiến lược kinh tế-xã hội 10 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện. Trong quá trình nghiên cứu thì thấy Vành đai 3 là một tuyến đường hết sức quan trọng kết nối tất cả đường cao tốc của vùng, kết nối 4 tuyến cao tốc hướng tâm.

Việc triển khai tuyến đường này có ý nghĩa rất to lớn, đó là giải quyết ùn tắc giao thông vùng nội đô các tỉnh; giúp mở rộng không gian phát triển, kéo dãn mật độ dân cư, đặc biệt là các khu chế xuất, khu công nghiệp; tăng cường kết nối giao thông các tỉnh trong vùng, đặc biệt từ Đông sang Tây; hoàn thành hệ thống cao tốc đi các nước bạn; cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đầu tư trọng tâm, trọng điểm

Về vấn đề đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công kết hợp với PPP, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội phối hợp đầu tư công và đầu tư đối tác công tư PPP. Đây là mô hình linh hoạt, có khả năng tương hỗ giữa ngân sách Trung ương và xã hội hoá. Xác định lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, với 3 nhóm dự án thành phần độc lập tương hỗ là quan trọng, theo đó, nhóm dự án thành phần 1, công tác giải phóng mặt bằng cho các địa phương là then chốt quyết định. Trên cơ sở đó, nhóm dự án thành phần 3 theo phương án PPP, BOT được Nhà nước, Trung ương, địa phương xử lý trước một bước thuộc trách nhiệm ngân sách giải phóng mặt bằng.

Còn nhà đầu tư cơ bản tập trung đầu tư xây dựng và khai thác vận hành theo quy trình, quy định. Đây là động lực thúc đẩy BOT, PPP. Dự án thành phần 3 đặt trong dự án tổng thể, được sự hỗ trợ từ các dự án nhóm 1, 2. Đây chính là mô hình công dẫn dắt tư, tạo động lực thúc đẩy PPP.

Việc linh hoạt ngân sách Trung ương và địa phương, thậm chí linh hoạt các địa phương, Hà Nội là hạt nhân, nhận trách nhiệm giải phóng mặt bằng trên địa bàn mình, thậm chí ưu tiên ngân sách Trung ương giải phóng mặt bằng cho các tỉnh khác như Hưng Yên. Cần linh hoạt cả Trung ương và địa phương. Đây là động lực giúp dự án BOT, PPP hình thành.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có điều khoản chia sẻ rủi ro tăng giảm doanh thu theo luật này. Trên cơ sở đó, Nhà nước đồng hành cùng nhà đầu tư BOT, PPP về khai thác dự án trong tương lai, để chia sẻ các rủi ro, nhận giá trị.

Đây là sự thúc đẩy tốt, để nhà đầu tư PPP yên tâm. Thêm nữa, Vành đai 4 Vùng Thủ đô tạo lập khả năng thu hồi vốn khả thi. Theo tính toán của các bộ ngành, các tổ công tác của Chính phủ, dự án thu hồi trong 21 năm, khả thi thu phí công nghệ mới, không dừng, thu phí kín…với nhiều cơ sở thu hút các nhà đầu tư lớn.

“Sau khi chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua, việc lựa chọn nhà đầu tư PPP là đấu thầu. Qua cách này, chọn nhà đầu tư mang tầm chiến lược, phát triển đô thị liên quan, thu hút đầu tư xã hội cho dự án theo nhiệm vụ Chính phủ giao”, ông Tuấn nhấn mạnh. 

Còn theo Giám đốc Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, ngay từ khi Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận dự án từ Bộ GTVT về để nghiên cứu các hình thức, phương thức đầu tư, để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án cơ bản thông xe vào năm 2025. Phương án đầu tư công đã được các tỉnh, thành phố thống nhất đề xuất Chính phủ đồng thuận báo cáo Quốc hội vào thời gian tới.

Về đầu tư công, hiện nay các tỉnh, thành phố theo cơ chế sẽ tham gia 50% tổng mức đầu tư dự án thành phần của các tỉnh, riêng Long An 25%. Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương tham gia vốn ngân sách địa phương lớn nhất.

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đã rà soát lại đầu tư công trung hạn, các nguồn dự kiến và đã báo cáo HĐND thảo luận và đã có nghị quyết, cam kết với Chính phủ, Quốc hội sẽ bảo đảm việc bố trí nguồn lực ngân sách địa phương tham gia dự án với tỉ lệ cơ cấu, nguồn vốn trong giai đoạn 2025 và giai đoạn 2026-2030.

Trong giai đoạn 2021-2025, với các nguồn dự kiến, các tỉnh, thành phố sẽ rà soát lại đầu tư công trung hạn, bảo đảm đầu tư có trọng tâm trọng điểm, theo đó ưu tiên cho Vành đai 3. Trên cơ sở nguồn lực như vậy, sự quyết tâm của các địa phương đã thể hiện rõ nhất qua Nghị quyết của HĐND các tỉnh, thành phố ban hành, đã báo cáo Chính phủ và Quốc hội.

Trần Nguyên