Kết quả PCI-FDI 2016: Hai mặt sáng-tối - Hình 1

Từng bước giải quyết những mặt còn hạn chế sẽ cho phép Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư mới. (Ảnh minh họa)

Bước chuyển quan trọng

Các số liệu đầu tư năm 2016 đã minh chứng về sự lạc quan của các nhà đầu tư FDI. Theo Tổng cục Thống kê, năm vừa qua, Việt Nam đã cấp phép 2.556 dự án với tổng số vốn đăng ký là 15,2 tỷ USD. Đầu tư mới tăng 27% so với năm 2015, trong đó bao gồm dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển thuộc Công ty TNHH Samsung Electronics với mức đầu tư 300 triệu USD và dự án nhà máy thép trị giá 115 triệu USD của Công ty Zincox Resources.

Bên cạnh đó, một lượng lớn nhà đầu tư hiện tại cũng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, với 1.225 dự án được cấp phép trước đó điều chỉnh giấy phép đầu tư với số vốn 5,8 tỷ USD tăng thêm.

Dấu hiệu tích cực còn thể hiện rõ qua 15,8 tỷ USD vốn đầu tư đã giải ngân, tăng 9% so với năm 2015, mức cao nhất trong suốt giai đoạn cải cách của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước đã chỉ ra, tỷ lệ giải ngân là một trong những chỉ báo quan trọng về niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trong nước. Tuy nhiên, số liệu vốn FDI đăng ký có thể bị “thổi phồng” do nhiều lý do, mà đặc biệt là ở phía quan chức địa phương, mong muốn tạo dấu ấn trong việc xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn.

Dễ dàng nhận thấy, các nhà đầu tư nước ngoài thường thâm nhập vào thị trường từng bước một, việc có giấy phép đầu tư quy mô lớn giúp tạo không gian cho doanh nghiệp phát triển sau này nhưng họ chỉ phân bổ vốn đầu tư từ từ theo thời gian. Điều này cho phép họ có thêm thời gian tìm hiểu thị trường và xây dựng niềm tin với các thể chế.

Vì những lý do đó, rất nhiều dự án chưa bao giờ giải ngân ngay toàn bộ số vốn cam kết. Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, có chưa tới một nửa trong 300 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được giải ngân kể từ khi Luật đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành (năm 1987). Chính vì thế, việc giải ngân mạnh vốn FDI năm 2016 có thể coi là bước chuyển quan trọng trong quỹ đạo phát triển kinh tế nước ta.

Tham nhũng vẫn còn

Để phù hợp với các yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 35/2016/NQ-CP, vấn đề tham nhũng mà các DN FDI gặp phải cũng được đưa ra để đánh giá. Khoảng 25% DN FDI thừa nhận đã trả tiền bôi trơn để có được giấy phép đầu tư và 13,6% trả hoa hồng khi cạnh tranh giành các hợp đồng của cơ quan nhà nước.

Tuy vậy, kết quả giải quyết công việc cũng trở nên khó đoán biết hơn. Chưa tới một nửa số DN chi trả chi phí bôi trơn tin rằng công việc được giải quyết như mong muốn.

Nhóm nghiên cứu PCI đã khảo sát sâu hơn về tình trạng chủ động đưa quà hay trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra mặc dù hoạt động này không phải vấn đề đối với phần lớn DN FDI. Tuy nhiên, đối với một số lượng nhỏ DN, các cuộc thanh, kiểm tra có thể tạo ra phiền hà, nhũng nhiễu từ cơ quan quản lý. DN đôi khi thấy việc đưa phong bì là một cách để giảm bớt gánh nặng thanh tra cũng như xác suất bị phạt.

Trên 45% DN đã đưa quà và chi phí không chính thức trong các đợt thanh, kiểm tra năm 2016. Trong trường hợp đưa quà hay hối lộ, chỉ 8% DN cho biết bị cán bộ thanh, kiểm tra đòi hỏi. Tỷ lệ này nhỏ hơn 5 lần tỷ lệ DN chủ động đưa biếu (44%). Cho tới nay, nội dung có tỷ lệ trả lời cao nhất là DN luôn tin rằng hành vi này là phổ biến, là “luật bất thành văn” và chủ động đưa quà cáp dù không bị đòi hỏi chiếm 59%.

“Sự phổ biến của hoạt động này chỉ ra mức độ nghiêm trọng của tham nhũng ở Việt Nam, minh họa mức độ khó khăn của cuộc chiến chống tham nhũng. Hối lộ đã trở nên quá phổ biến tới mức hai bên cũng không cần phải trao đổi với nhau”, báo cáo PCI-FDI nhấn mạnh.

Kết quả điều tra cũng chỉ rõ, 80% DN trả lời, mục đích lớn nhất khi đưa hối lộ là nhằm tạo lập mối quan hệ. Họ coi khoản chi này như một hợp đồng bảo hiểm, có thể giúp giải quyết vấn đề cấp bách trong tương lai. Có thể thấy, DN FDI đang tham gia vào một tính toán lợi ích-chi phí làm việc với cán bộ thanh, kiểm tra trong nước.

Phân tích hai mặt sáng-tối trong đầu tư FDI để nhìn nhận rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để biến lợi thế, tiềm năng của mình thành hiện thực. Đặc biệt, các quy định hậu đăng ký vẫn còn phiền hà, nhất là với một số DN bị thanh, kiểm tra quá mức.

Giải quyết được những hạn chế sẽ cho phép Việt Nam tiến xa hơn, để không chỉ trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư mới, mà còn là nơi tốt nhất để các khoản đầu tư có thể “đơm hoa kết trái”.

Phan Chinh