THCL Vẫn còn những bộ, ngành, địa phương lơ là việc tuân thủ yêu cầu của Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Một nghị quyết 19 mới có thể sẽ được ban hành tới đây - đặt ra nhiều kỳ vọng…
Chậm chuyển động
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP (NQ 19) về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các bộ, ngành, địa phương đã từng bước có ý thức hơn trong việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh cho người dân, DN. Kết quả, thứ hạng môi trường kinh doanh của nước ta năm 2015 (theo Doing Business) tăng 3 bậc, từ vị trí 93 lên vị trí 90/189 nền kinh tế. So với các nước Đông Nam Á, năm 2015, Việt Nam được ghi nhận có nhiều cải cách, nhờ đó môi trường kinh doanh tăng điểm và thứ hạng tốt hơn (cải thiện ở 5/10 lĩnh vực).
Dù vậy, theo đánh giá mới nhất của Bộ KH&ĐT, tình hình và kết quả thực thi NQ 19 trong 3 tháng đầu năm 2016 chưa có nhiều thay đổi so với thời điểm tháng 12/2015. Mặt khác, vẫn còn một số lĩnh vực không có sự cải thiện hoặc giảm bậc. Cụ thể, thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng kéo dài thêm 52 ngày (từ 114 ngày lên 166 ngày); đăng ký sở hữu tài sản thêm 1 thủ tục (từ 4 thủ tục lên 5 thủ tục), điểm số về chất lượng thủ tục hành chính đất đai ở mức trung bình dưới…
Một tồn tại nữa đó là NQ yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương rà soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trái luật. Nhưng chỉ có Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT đã triển khai thực hiện nội dung nói trên, còn lại hầu hết chưa thực hiện.
Thậm chí, nhiều bộ vẫn đang tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư có nội dung trái thẩm quyền quy định về điều kiện kinh doanh (Thông tư về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư của Bộ Xây dựng; Thông tư về giấy phép NK thiết bị y tế của Bộ Y tế...).
Đề cập đến việc cải thiện môi trường đầu tư tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh không khỏi lo ngại tình trạng “trên bảo dưới không nghe” kể trên, NQ Chính phủ yêu cầu một đằng, bên dưới thực hiện lại làm một nẻo.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kiến nghị: Chính phủ cần chỉ đạo các bộ “chấm dứt ngay việc ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền; rà soát và sửa đổi các quy định không phù hợp”.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Nhiều văn bản vẫn can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN. Nếu có thêm một NQ 19 nữa thì phần nào đó thể hiện quyết tâm của Chính phủ, buộc các bộ, ngành phải vào cuộc mạnh mẽ hơn.
Làm chưa tốt
Không phải lúc nào báo cáo đánh giá của Bộ KH&ĐT đưa ra cũng nhận được sự nhất trí. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng không đồng tình với việc cho rằng thông tư về hành nghề chứng khoán của Bộ Tài chính là “điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền”. Ông Dũng nói: Thông tư này quy định về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán, không phải là điều kiện kinh doanh, cho nên không thể coi là trái luật được. Bộ Tài chính đã làm việc với Bộ Tư pháp và Bộ Tư pháp cũng thống nhất với quan điểm của Bộ Tài chính. Đây là do cách hiểu chưa thống nhất về điều kiện đầu tư kinh doanh và chứng chỉ hành nghề.
Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng tỏ ra không hài lòng khi bị Bộ KH&ĐT “chê” là phức tạp hóa các thủ tục cấp phép xây dựng…
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ công khai minh bạch về quy trình thủ tục, làm sao cho đơn giản mà chặt chẽ. “Chúng ta vừa bảo đảm an toàn trong xây dựng, vừa phải cải cách. Cho nên thủ tục nào cải cách được phải nghiêm túc cải cách, đừng để cái gì DN cũng xếp hàng lên cơ quan cấp phép xây dựng là không được”, Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận xét một số bộ rất tích cực thực hiện nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư và có chuyển biến. Tuy nhiên, “nhiều bộ chưa chú ý lắm”.
Bùi Quyền