Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội của Quốc hội năm 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” là một sự lựa chọn rất cần thiết vào lúc này để các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách cùng các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận, trao đổi tìm kiếm các giải pháp tiếp tục duy trì ổn định, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

“Chúng ta đang đứng trước tình hình thế giới và trong nước thay đổi rất nhanh, nhiều biến động, bất ổn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự báo. Tuy đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, đa số nước đã nới lỏng các quy định phòng, chống dịch song trên thực tế, dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, hệ luỵ đối với các mặt đời sống xã hội còn nặng nề. Đặc biệt, môi trường phát triển và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới thật sự đang đối mặt với rất nhiều bất lợi, khó khăn” - ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại diễn đàn
Ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại diễn đàn.

Những khó khăn, thách thức cũng được ông Nguyễn Xuân Thắng phân tích rõ, như: Nguy cơ “vừa lạm phát, vừa đình trệ” đang diễn ra, với biểu hiện rõ nét là tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, xuất hiện những cảnh báo về một “siêu chu kỳ vĩ mô” mới đầy thách thức. Lạm phát cao hơn, thâm hụt lớn hơn, biến động vĩ mô mạnh hơn và chu kỳ kinh tế diễn ra nhanh hơn. Thị trường tài chính, thương mại và đầu tư toàn cầu đang chuyển sang một trạng thái mới với hai đặc trưng lớn: thời kỳ lãi suất thấp đã qua và thời kỳ đồng đô la Mỹ mạnh đã tới.

Nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô trầm trọng hơn, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời tiết và thiên tai khắc nghiệt… đang hiện hữu ở rất nhiều nước.

Thời gian qua, chúng ta đã duy trì được đà tăng trưởng rất khả quan, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát có hiệu quả lạm phát, về cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn và được dự báo có mức tăng trưởng lạc quan trong năm 2022.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thắng, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài, như: về xuất khẩu, đầu tư, chính sách tiền tệ, tài khóa, giá cả thị trường, giải ngân nguồn vốn đầu tư công…

Thị trường tài chính đang sang trạng thái mới

Thị trường tài chính, thương mại và đầu tư toàn cầu đang chuyển sang một trạng thái mới với hai đặc trưng lớn: thời kỳ lãi suất thấp đã qua và thời kỳ đồng đô- la mạnh đã tới. Nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô trầm trọng hơn, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời tiết và thiên tai khắc nghiệt… đang hiện hữu ở rất nhiều nước.

Trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, giải phóng các nguồn lực và mở rộng các động lực tăng trưởng trong nước cần trở thành cách tiếp cận mới để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh thế giới đang biến động nhanh chóng, có nhiều tác động tiêu cực.

Theo đó, cần tiếp tục cải cách thể chế, tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện khung khổ thể chế, pháp luật về quản lý đất đai và thị trường bất động sản, đặc biệt trong công tác đấu giá đất và phát triển thị trường quyền sử dụng đất để khai thác có hiệu quả nhất một trong những nguồn lực quan trọng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, vị Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng đề cập đến việc cần cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt tốt các cơ hội mà hội nhập đang mang lại cho Việt Nam, khôi phục và mở rộng hoạt động sau đại dịch. Chúng ta cần triển khai có hiệu quả gói phục hồi kinh tế - xã hội, tập trung vào các lĩnh vực cấp bách và có khả năng hấp thụ tốt nhất, như chi cho đầu tư hạ tầng đã hoàn thành cơ bản các thủ tục, nhất là các dự án có tính liên vùng, các chương trình trợ cấp, hỗ trợ người lao động.

Diễn đàn có sự tham dự của nhiều học giả, chuyên gia kinh tế
Diễn đàn có sự tham dự của nhiều học giả, chuyên gia kinh tế.

“Khơi thông các điểm nghẽn, tạo điều kiện cho các địa phương, các ngành kinh tế và các doanh nghiệp phát triển; đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai các quy hoạch; tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ và mở ra một không gian mới, động lực mới cho sự phát triển vùng, các địa phương trong vùng và nền kinh tế quốc gia. Đặc biệt, ưu tiên tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hai đầu tàu kinh tế của cả nước gắn liền với các vùng xung quanh như: Vùng Thủ đô Hà Nội - Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng TP. Hồ Chí Minh – Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam Bộ” - ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần chú trọng một số đột phá phát triển như các tuyến hành lang kinh tế dọc các trục giao thông, tuyến cao tốc, các khu kinh tế cửa khẩu; tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục, quy định để các địa phương có thể sớm triển khai, hoàn thành các dự án trọng điểm như sân bay, cảng biển, tuyến giao thông huyết mạch và các công trình hạ tầng quan trọng khác… để đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tạo tiền đề bước sang năm bản lề 2023 để "bứt phá" thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tham vấn chính sách trong bối cảnh thay đổi đang diễn ra rất nhanh

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu và các nhà khoa học tập trung thảo luận làm sâu sắc thêm một số vấn đề gợi mở nêu trên, có nhiều đóng góp ý kiến quý báu để giúp nền kinh tế Việt Nam ứng phó tốt với những thay đổi đang diễn ra rất nhanh, bảo đảm ổn định vĩ mô, tìm ra những động lực và nguồn lực mới để phát triển nhanh và bền vững trong năm 2022 và những năm tiếp theo./.

Theo TBTCVN