Chiều nay 12/07, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về việc triển khai Nghị quyết đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 và tình hình triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; việc triển khai Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; việc thực hiện các Nghị quyết, các giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.
Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Trưởng ban Công tác Đại biểu, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Cùng dự có lãnh đạo các cơ quan, ban, bộ, ngành ở Trung ương…
Phú Thọ đã khơi dậy được khát vọng phát triển
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các bộ ngành đã đánh giá cao sự ổn định và phát triển thời gian qua của Phú Thọ là tỉnh cửa ngõ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng thời cũng nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội; có vị trí “ngã ba sông”, cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh- Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh. Đặc biệt, Phú Thọ là một trong những địa phương đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công; thu ngân sách tốt.
Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Phú Thọ là vùng Đất Tổ - cội nguồn của dân tộc Việt Nam, nơi có bề dày truyền thống lịch sử và hội tụ các giá trị lịch sử hàng nghìn năm văn hiến từ khi Vua Hùng dựng nước Văn Lang, có nhiều di tích lịch sử, danh thắng gắn với 02 di sản được UNESCO công nhận là Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Hát Xoan Phú Thọ và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.
Thực tế sau 25 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Phú Thọ đã nêu cao truyền thống yêu nước, đoàn kết, khai thác tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực, khắc phục khó khăn, đạt được nhiều thành tựu nổi bật và khá toàn diện, trở thành một trong 3 tỉnh phát triển hàng đầu của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Qua nghe báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng nhận thấy từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Phú Thọ đã rất chủ động trong việc xây dựng các chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
"Tỉnh có chương trình hành động, ban hành 18 chương trình cụ thể. Đặc biệt là có một nghị quyết chuyên đề tập trung vào đột phá vào cải cách về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đây là một số ít các tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề trong lĩnh vực này. Tỉnh đã khơi dậy được khát vọng phát triển, tinh thần quyết liệt trong hành động và cũng muốn có một thay đổi, phát triển mạnh mẽ hơn trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của mình" - Chủ tịch Quốc hội nói.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã đạt được trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế mà qua báo cáo của tỉnh đã chỉ ra như, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện song còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; là tỉnh chưa tự cân đối được chi thường xuyên; phát triển đô thị còn chậm; sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắcv.v…
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế đã chỉ ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản tán thành những giải pháp tỉnh đã đề ra và đề nghị Tỉnh cần đánh giá tiềm năng lợi thế của tỉnh để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Đánh giá cao khát vọng tăng trưởng GRDP của tỉnh 10%/1 năm là rất mạnh mẽ, Chủ tịch Quốc hội mong muốn tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX; các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Quốc hội và của tỉnh.
Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trọng tâm là thực hiện Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gắn với thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị; tiếp tục quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đây là một trong những điểm sáng của Phú Thọ.
"Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về vùng gồm có hai điểm chính đang nghiên cứu, đó là thể chế chính sách vùng như thế nào, Chính phủ, Quốc hội đang tính. Thứ hai nữa là cơ chế điều phối vùng như thế nào? Đặc biệt, lần này Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến vùng. Chưa bao giờ chúng ta tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc như thế này. Đây một tiềm năng, lợi thế và những điểm mới cần phải khai thác. Các chuyên gia của tỉnh cần tính thêm liên kết vùng, nhất là các kết cấu hạ tầng, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm kết nối chính sách, kết nối thể chế các tỉnh trong vùng. Những nội dung này cố gắng thể hiện trong quy hoạch" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Hiện nay, các địa phương đang triển khai các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, điều quan trọng là vấn đề là tổ chức thực hiện. Vì thế, theo Chủ tịch Quốc hội, tỉnh Phú Thọ cần tranh thủ rút ngắn khoảng cách phát triển với các tỉnh khác ở các vùng khác sớm trở thành tỉnh dẫn đầu trong khu vực.
Phú Thọ cần chú ý phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc
Đánh giá cao những nội dung mà tỉnh Phú Thọ đang triển khai rất đúng hướng, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, tỉnh chú ý yếu tố phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc. Phú Thọ nghiên cứu phát huy nội dụng này trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Điều này có giá trị lan tỏa rất lớn. Tỉnh tập trung xây dựng triển khai Đề án phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Phú Thọ cần thể chế hóa trong quy hoạch, cả trung tâm Logistic, hoặc xây dựng thành đề án. Xây dựng chương trình mục tiêu mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đồng thời giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.
Theo báo cáo của tỉnh Phú Thọ, năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,28%, 06 tháng đầu năm 2022 ước đạt 7,8%. Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Thu hút đầu tư FDI đạt mức cao (năm 2021 thu hút 15 dự án FDI, vốn đăng ký 570 triệu USD, 06 tháng đầu năm 2022 thu hút 03 dự án, vốn đăng ký 226 triệu USD). Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội trọng điểm được tập trung đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh. Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh được cải thiện, các chỉ số đánh giá cấp tỉnh có nhiều tiến bộ.
Lĩnh vực công nghiệp đà phục hồi và phát triển nhanh, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển nhanh; tính đến 30/6/2022 toàn tỉnh có 9.828 doanh nghiệp, doanh thu 148,2 nghìn tỷ đồng. Lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Tỉnh Phú Thọ có nhiều tiến bộ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Để đảm bảo việc triển khai kịp thời, đồng bộ, tạo điều kiện sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách kịp thời đúng quy định tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ chính sách 982,9 tỷ đồng. Về thực hiện các dự án đầu tư, bố trí cho các dự án, chương trình với tổng số 282 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng các trung tâm y tế tuyến huyện.
Tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 39 của Quốc hội, hiện, tỉnh Phú Thọ đã rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ khoanh vùng đất đai trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, hoàn thiện kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021 - 2025 cấp tỉnh theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia và chỉ tiêu sử dụng đất của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ; phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu cho 13/13 huyện, thành, thị; thực hiện công bố công khai quy hoạch sử dụng đất được duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Thời gian qua, căn cứ nội dung, yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong quá trình tổ chức thực hiện, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các cơ quan chuyên môn thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc 04 nội dung chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn tỉnh; thông qua công tác giám sát, đã phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung những bất cập; kiến nghị của Đoàn giám sát đến Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có liên quan.
H.T (t/h)