Khai mạc Hội nghị Đối tác chính sách phụ nữ và kinh tế APEC lần thứ 2 (PPWE)
với sự tham dự của 21 nền kinh tế thế giới
Đảm bảo bình đẳng giới và quyền năng kinh tế của phụ nữ
Chủ đề chính của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế (WEF) năm 2017 là “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi”.
Chủ đề của WEF năm nay có ý nghĩa đóng góp vào nỗ lực chung của APEC, đồng thời, tiếp tục triển khai các khuyến nghị của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC năm 2016 về hội nhập hiệu quả kinh tế, tài chính và xã hội, nâng cao quyền năng của phụ nữ, cũng như tiếp cận bình đẳng của họ nền giáo dục có chất lượng và các nguồn lực kinh tế. Đặc biệt, đóng góp vào thực hiện các ưu tiên của APEC 2017 vì thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Những nỗ lực này cũng góp phần thúc đẩy trách nhiệm của APEC đối với vấn đề toàn cầu.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan - cơ quan chủ trì tổ chức Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế trong APEC 2017, chào mừng các đoàn đại biểu các nền kinh tế APEC, Ban Thư ký APEC và các vị khách quý.
Bà Lan cho biết:“Cho đến thời điểm này, APEC 2017 Việt Nam đã đi được 2/3 chặng đường và đang đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Nỗ lực tăng cường lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và quyền năng kinh tế của phụ nữ được thể hiện qua việc tổ chức hội nghị, hội thảo và đề xuất, khuyến nghị của các nhóm công tác, diễn đàn APEC như Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nhóm sức khỏe, giao thông vận tải, phát triển nguồn nhân lực…
Hôm nay, các bạn đại diện tham mưu cho các bộ trưởng/trưởng đoàn từ các nền kinh tế sẽ cùng nhau tích cực, thảo luận và thống nhất đưa ra đề xuất thiết thực cho diễn đàn lần này. Mục đích nhằm đảm bảo bình đẳng giới vẫn phải là vấn đề xuyên xuốt và cần phải đượcthực hiện trong mọi lĩnh vực, các diễn đàn của APEC nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ, thúc đẩy tiềm năng kinh tế của phụ nữ trong bối cảnh thế giới đang thay đổi”.
Việc xây dựng và thực hiện các chính sách, các chương trình có trách nhiệm giới trong APEC, theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan: “Cần phải được thực hiện để tăng cường mạnh mẽ hơn nữa việc cộng tác và phối hợp lồng ghép vấn đề bình đẳng giới giữa các diễn đàn, trong mỗi diễn đàn hướng tới vì sự tiến bộ về kinh tế - xã hội của phụ nữ và bình đẳng giới của khu vực”.
Với chủ đề“Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi” và 3 ưu tiên về: Thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng kinh tế bao trùm; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực của diễn đàn năm nay đã - đang và sẽ đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến đóng góp cho Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017 nói riêng và APEC Việt Nam 2017 nói chung.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan kỳ vọng, Hội nghị sẽ đạt được những đầu ra mong đợi về quy chế và tiêu chuẩn hoạt động của Quỹ về phụ nữ và kinh tế APEC; hoàn thiện và thông qua Hướng dẫn lồng ghép giới trong APEC; hoàn thiện và thống nhất trình Tuyên bố Bộ trưởng lên Đối thoại chính sách cấp cao.
Diễn đàn gồm 3 sự kiện chính thức và 8 sự kiện bên lề
Trong 4 ngày (từ 26-29/6), sẽ có các sự kiện chính trong Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017: “Đối thoại công – tư về phụ nữ và kinh tế (PPDWE)” ngày 28/9 với sự tham gia của Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh,Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Phó giám đốc điều hành của UN Women - bà Lakshmi Puri; “Chương trình đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế” ngày 29/9; Đêm Văn hóa “Tịnh yến: Nâng cao quyền năng của phụ nữ và bản sắc văn hóa” ngày 27/9 tại Bảo tàng Văn hóa Huế với sự tham gia của bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Qua 3 sự kiện chính, đại diện của 21 nền kinh tế cùng làm việc, cập nhật, thảo luận và thống nhất nội dung công tác hàng năm của diễn đàn, hoàn thiện văn kiện chính thức, để các bộ trưởng 21 nền kinh tế thống nhất đưa ra Tuyên bố với những khuyến nghị chính sách thúc đẩy phụ nữ tham gia kinh tế trình lên Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC 2017 vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.
Ngoài các sự kiện chính thức trên, diễn đàn sẽ có những sự kiện bên lề, dođại diện các nền kinh tế chủ trì như Đài Bắc – Trung Hoa, Philippines, Nga, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đó là hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về phụ nữ trong kinh doanh bao trùm; Hội thảo Phụ nữ APEC vận dụng khoa học - công nghệ và phát huy sức mạnh sáng tạo; Diễn đàn Phụ nữ và Giao thông vận tải APEC; Giải thưởng kinh doanh thành công trong APEC; Sự kiện Ẩm thực - Văn hóa - Sản phẩm của doanh nghiệp xã hội (ẩm thực và trưng bày sản phẩm, biểu diễn văn nghệ); Đối thoại công - tư về Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao tỷ lệ lãnh đạo nữ trong APEC; Hội thảo Nữ doanh nhân APEC và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Họp báo trao đổi thông tin với báo chí sau khi kết thúc Hội nghị Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế.
Dự kiến, sẽ có hơn 500 đại biểu ở các sự kiện chính và bên lề là đại biểu đại diện khu vực công và tư, các CEO, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến từ 21 nền kinh tế APEC. Thông qua diễn đàn đối thoại, còn là dịp để chính phủcác nền kinh tế APEC được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chung của khu vực tư nhân, cùng với khu vực tư nhân bàn cách tháo gỡ, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, đảm bảo bình đẳng giới, thúc đẩy phát triển kinh tế, hội nhập.
Trần Minh Tích