Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng, Thứ trưởng của 10 quốc gia thuộc ASEAN, Trưởng các cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia của ASEAN, Phó Tổng thư ký Ban thư ký ASEAN. Về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp.
Hội nghị lần này sẽ tiếp tục cho ý kiến và thông qua một số nội dung chính: Triển khai quyết định của Lãnh đạo cấp cao có liên quan; cập nhật kết quả thực hiện chương trình ADDMER 2021-2025 trong thời gian qua; trao đổi để trình Hội nghị Bộ trưởng thông qua Tuyên bố Hạ Long về Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN;
Thảo luận về quy định tài chính của Quỹ Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp ASEAN; điều khoản về nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng thư ký ASEAN với vai trò là Điều phối viên Hỗ trợ nhân đạo ASEAN; nội dung hợp tác, thỏa thuận với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cập nhật kết quả thực hiện các hoạt động quản lý thiên tai khu vực ASEAN.
Với nhiệm vụ Chủ tịch luân phiên, Việt Nam đã cùng Brunei triển khai và hoàn thành nhiệm vụ điều phối các hoạt động quản lý thiên tai ASEAN năm 2023 với nhiều chương trình nghị sự thiết thực, hiệu quả. Việt Nam đã và sẽ tiếp tục cam kết nỗ lực tham gia tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động quản lý thiên tai, góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN đi đầu trong quản lý thiên tai trên toàn cầu.
Trả lời về lý do chọn tỉnh Quảng Ninh đăng cai tổ chức Hội nghị lần này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các yếu tố trong quản lý thiên tai của Việt Nam; có rừng, biển; có bão, lũ lụt, sạt lở đất…, đó là những nét đặc trưng trong cách quản lý và phối hợp quản lý giảm nhẹ thiên tai. Quảng Ninh còn là địa phương luôn quan tâm chỉ đạo và triển khai hiệu quả công tác ứng phó với các sự cố nói chung và thiên tai nói riêng, làm giảm nhiều rủi ro, thiệt hại.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và bền vững; năm 2023, tỉnh Quảng Ninh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh, Quảng Ninh đã tích cực đầu tư hạ tầng theo hướng bền vững, cụ thể là đầu tư có tính đến yếu tố thiên tai.
Tổ chức Hội nghị lần thứ 43 của Ủy ban ASEAN tại Quảng Ninh, vừa giới thiệu với bạn bè các nước ASEAN, vừa để khẳng định Việt Nam đã có những hành động từ sớm, từ xa để quản lý, giảm rủi ro thiên tai.
Đây cũng là nội dung được Việt Nam đưa ra Tuyên bố Hạ Long trong Hội nghị lần này. Tăng cường chủ động hành động sớm hơn trong cách quản lý về thiên tai. Hành động sớm bắt đầu từ dự báo, từ công tác chuẩn bị, ý thức của người dân; từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng sớm và quyết tâm của người lãnh đạo với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Yếu tố bền vững trong đó có chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trần Trang (t/h)