Điều chỉnh chương trình họp

Sáng nay (10/4), tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 23 để chuẩn bị các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ năm của Quốc hội sắp tới và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thời gian qua, Chính phủ có đề nghị bổ sung vào chương trình Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bốn dự án luật và khẳng định sẽ gửi tài liệu trước ngày 8/4 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp xem xét, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm sắp tới. 

Khai mạc Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Hình 1
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mặc dù đề nghị chưa đúng về thời gian, thời hạn gửi tài liệu, nhưng để ủng hộ Chính phủ trong việc xem xét bổ sung, sửa đổi một số bất cập của pháp luật, nhằm bảo đảm sự đồng bộ của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung bốn dự án luật vào chương trình phiên họp thứ 23. 

Tuy nhiên, đến chiều 9/4, các cơ quan của Quốc hội mới nhận được tài liệu của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Xây dựng, Nhà ở, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản. Ba dự án luật khác vẫn chưa được gửi tới các cơ quan của Quốc hội để tiến hành thẩm tra, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định rút khỏi chương trình phiên họp các dự án, gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Dược, An toàn thực phẩm, Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Điện lực, Hóa chất, Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Khoa học và Công nghệ, Trẻ em, Công chứng, Đầu tư. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc phối hợp với các cơ quan của Quốc hội khi chuẩn bị nội dung trước khi đề nghị bổ sung chương trình. 

Bên cạnh ba dự án chưa gửi tài liệu tới các cơ quan của Quốc hội để tiến hành thẩm tra trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn hai nội dung khác cũng được rút khỏi chương trình phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là: Dự án Luật Dân số do cần có thời gian chuẩn bị để hoàn thiện thêm; Đề án thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc để chờ Quốc hội thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. 

Như vậy, sau khi điều chỉnh chương trình, tại Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 8 dự án luật, gồm: Luật Cảnh sát biển; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đặc xá; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Dân số; Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. 

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; việc chuẩn bị Kỳ họp thứ năm của Quốc hội; báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016”; báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. 

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiến hành xem xét, quyết định việc thành lập đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng. 

Sau khi điều chỉnh chương trình, dự kiến, Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ kéo dài đến ngày 17/4/2018. 

Cơ bản nhất trí nâng Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thành Luật Cảnh sát biển Việt Nam 

Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. 

Tại đây, đa số ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí nâng Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thành Luật Cảnh sát biển Việt Nam. 

Sau khi nghe Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đã trình bày báo cáo thẩm tra, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận, cho ý kiến vào dự án luật. 

Theo các ý kiến phát biểu, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, nhất là để thực hiện Hiến pháp năm 2013; Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc, chặt chẽ, đầy đủ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển thì việc ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam là rất cần thiết. 

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, dự án luật được nâng lên từ Pháp lệnh Cảnh sát biển nhưng có sự bổ sung đáng kể về nội dung. Pháp lệnh hiện hành có 30 điều, dự thảo luật có 49 điều. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cần tiếp tục rà soát các quy định hiện hành, kể cả các văn bản dưới luật để bao quát, toàn diện, đầy đủ hơn. 

Cùng với đó, dự thảo luật có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến Hiến pháp, đến nhiều luật, văn bản khác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, tổ chức bộ máy nhà nước, các quy định về xử phạt, xử lý hình sự, quy định về tố tụng và nhiều điều ước quốc tế (theo thống kê, rà soát có liên quan tới 22 văn bản luật, 16 điều ước quốc tế). Đây là một đặc thù của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, do đó, cần rà soát để bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất. 

Về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 4 dự thảo luật), đây là nội dung quan trọng. Dự thảo luật xác định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách, nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, chủ trì thực thi pháp luật trên biển; đồng thời bổ sung chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển… So với pháp lệnh hiện hành, vị trí, chức năng của Cảnh sát biển có sự bổ sung, thay đổi đáng kể. 

Tại phiên họp, cơ bản các ý kiến phát biểu đều tán thành việc xác định Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng này để tương đồng với các lực lượng khác. 

Với tính chất đặc thù của hoạt động trên biển, việc xác định chức năng của Cảnh sát biển phải phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng, không tạo ra “điểm trống” nhưng cũng tránh bao trùm và chồng lấn lên chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng, cơ quan, tổ chức khác. 

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần phân tích, nghiên cứu kỹ để bảo đảm phân định rõ vị trí, chức năng của Cảnh sát biển theo đúng chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội: một cơ quan, tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính. 

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi phát biểu ý kiến cũng đề cập tới nhiều nội dung khác, như: nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam; các hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan trên biển; tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam; một số vấn đề liên quan đến bố cục, kỹ thuật văn bản, giải thích từ ngữ, một số quy định liên quan đến chế độ chính sách, trách nhiệm của các cơ quan… 

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành để trình Dự án Luật ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm, đồng thời đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự án luật theo đúng quy trình.

 PV