Thách thức và lợi thế

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước…

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900km, bao gồm 9 hệ thống sông lớn, trong đó có khoảng 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Sông nước là cội nguồn tạo ra đô thị nên hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn với các dòng sông mang trong mình những diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Đây là điều kiện hoàn hảo để xây dựng những khu đô thị ven sông với cảnh quan hoàn mỹ, tạo nên không gian sống sang trọng, văn minh.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương ven biển tăng trưởng bình quân cao hơn so với nhịp tăng trưởng chung của cả nước. Năm 2021, GRDP của các địa phương ven biển chiếm 60,5% GDP cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt cao hơn so với mức thu nhập bình quân cả nước. Trong đó, một số địa phương có mức GRDP bình quân đầu người đạt cao như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Đà Nẵng. Phát triển kinh tế biển đang trở thành một động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Một số ngành kinh tế biển được xác định ưu tiên có bước phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như: Du lịch biển, đảo; khai thác và chế biến hải sản; phát triển các khu kinh tế ven biển; các hệ thống giao thông của các địa phương ven biển (đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, cảng cá...) đều được phát triển.

Các đô thị ven biển đều tích cực thu hút đầu tư xây dựng và phát triển nhiều khu, điểm du lịch ven biển mới và hiện đại, thu hút số lượng lớn khách du lịch trong nước, quốc tế. Khá nhiều dự án đầu tư khu du lịch biển, đảo cao cấp, khu du lịch thể thao, giải trí ven biển có số vốn từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD. Ven biển cả nước phát triển được chuỗi các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế (4 - 5 sao) ở hầu hết các địa phương ven biển. Du lịch biển đảo mang lại  khoảng 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước, vận tải hàng hóa đường biển đạt 85,1 triệu tấn, sản lượng khai thác quy dầu khí đạt 18,43 triệu tấn (thác dầu thô đạt 10,97 triệu tấn), sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.920 ngàn tấn...

Với xu hướng phát triển như hiện nay, các thành phố và thị trấn ven biển đang phải đối mặt với những thách thức phát triển cân bằng khi mà môi trường tự nhiên ven biển, rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ quan trọng bị hủy hoại dưới tác động của các hoạt động kinh tế và đô thị hóa…

Để tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững quỹ đất ven biển, ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cần thiết phải có sự điều chỉnh các văn bản pháp luật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực ven biển.

Hiện nay, có trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển và khoảng 50% các đô thị lớn của Việt Nam tập trung ở khu vực ven biển và trên đảo. Các đô thị biển của Việt Nam chỉ mới phát triển tập trung ở dải ven biển như TP.Hạ Long, Hải Phòng, Sầm Sơn, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, .... Các đô thị biển này đang được nhìn nhận có hình thái như đô thị đồng bằng, chưa thể hiện rõ tư duy đô thị biển là hạt nhân trung tâm thúc đẩy các ngành kinh tế biển phát triển.

Bên cạnh đó, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị hướng biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp…

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông, đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị ven sông - biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp. Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.

Phát triển đô thị biển thúc đẩy kinh tế vùng

Với bất động sản ven biển, phần lớn các chủ đầu tư thường hướng tới việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu vui chơi… để thu hút du khách, thúc đẩy du lịch, khai thác tối đa nguồn lợi cảnh quan, sinh vật biển. Bên cạnh đó, các khu đô thị ven biển được coi là hướng phát triển lâu dài, bền vững, tạo kế sinh nhai ổn định cho người dân bản địa. 

Bộ Xây dựng vừa có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để thực hiện các nhiệm vụ này, Bộ Xây dựng cho biết đang tập trung tăng cường quản lý nhà nước về phát triển đô thị ven biển, khu đô thị sinh thái ven biển gắn với hình thành các trung tâm kinh tế biển mạnh; thực hiện tốt hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật cho các đô thị ven biển.

Đồng thời, các đơn vị chức năng tiếp tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách thực hiện tốt hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng cho các đô thị ven biển; nghiên cứu xây dựng quy định về định mức, quản lý chi phí dự án đầu tư hạ tầng đô thị ven biển. Đặc biệt, thúc đẩy hợp tác quốc tế về phát triển đô thị ven biển bền vững.

Các địa phương cần “rộng cửa” thu hút đầu tư

Không thể phủ nhận vai trò của các doanh nghiệp tiên phong kiến tạo những đô thị biển đẳng cấp, đề cao giá trị văn hóa, tự nhiên. Vì vậy, một trong những giải pháp được các chuyên gia đề ra là cần tạo lập những cơ chế chính sách hợp lý nhằm thu hút hơn nữa nguồn lực của các doanh nghiệp. 28 tỉnh/thành phố giáp biển trên cả nước cần rộng mở “vòng tay” để các doanh nghiệp địa ốc “có tâm, có tầm” có thể dễ dàng, thuận tiện phát triển hiệu quả các đô thị biển. Đó cũng là cách giúp địa phương thay đổi bộ mặt thêm phần mới mẻ, hiện đại; tăng nguồn thu thông qua các dịch vụ doanh nghiệp tạo nên; đặc biệt là nâng cao vị thế, khẳng định vai trò của một địa phương vùng biển. 

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, đối với các địa phương hiện nay, cần thiết thực hiện 4 giải pháp chính, bao gồm:

Thứ nhất, cần tiến hành kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của các dự án đầu tư tại khu vực ven biển với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; rà soát tổng thể các dự án để điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất đảm bảo lợi ích cộng đồng dân cư và doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; khai thác sử dụng không gian ven biển hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Thứ hai, tổ chức lập quy hoạch xây dựng khu vực ven biển, đảm bảo quỹ đất bố trí khu dịch vụ công cộng, công viên, quảng trường, bãi tắm công cộng phục vụ dân cư và khách du lịch, công trình hạ tầng kỹ thuật, khu vực bảo tồn, phòng hộ...

Thứ ba, ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đối với khu vực ven biển nhằm kiểm soát, quản lý không gian kiến trúc cảnh quan của khu vực, làm cơ sở cấp phép xây dựng và triển khai các dự án đầu tư xây dựng. 

Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển dự án ven biển. 

Chuyên gia lấy ví dụ, Quảng Nam là một trong số ít các tỉnh khu vực Trung Bộ sớm lập đầy đủ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh để kiểm soát phát triển hệ thống đô thị của tỉnh. Mạng lưới đô thị, vai trò chức năng, trình độ phát triển xã hội, cơ cấu loại đô thị tương đối hợp lý… đều được địa phương làm rõ và có quy định, hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, tại Quảng Nam, chuỗi đô thị ven biển đang giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gồm: Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, TP. Hội An, vệt du lịch cao cấp ven biển Hội An - Điện Ngọc, đô thị Nam Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai - Núi Thành. 

“Trong thời gian tới, Quảng Nam cũng như các tỉnh thành khác không ngừng đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp chuyên tâm phát triển đô thị sẽ tạo ra một nguồn lực rất to lớn góp phần hình thành chuỗi đô thị biển đúng nghĩa tại Việt Nam. Đây là giải pháp có hiệu quả nhanh nhất và đem lại lợi ích cho nhiều bên”, KTS. Trần Ngọc Chính khẳng định. 

Thu hút nguồn lực của các doanh nghiệp để kiến tạo các đô thị biển đẳng cấp xứng tầm là giải pháp đúng đắn cần thực hiện ở giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, thu hút cũng cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng để loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, đề cao lợi nhuận lên yếu tố bền vững về môi trường, tự nhiên, xem nhẹ bản sắc văn hóa dân tộc. Ngược lại, với những doanh nghiệp có mong muốn, khát vọng được tạo lập những đô thị đích thực, nâng tâm vị thế quốc gia thì cần phải rộng mở cơ chế./.

PV