Những năm 90 của thế kỷ XX, nhiều người tâm huyết với cây cà phê Khe Sanh đã có công đi tìm lại tên tuổi của một dòng thương hiệu cà phê nổi tiếng đã mất, với hy vọng hồi sinh lại thương hiệu cà phê Khe Sanh vang bóng một thời.
Huyện Hướng Hóa địa phương có vùng nguyên liệu cà phê lớn nhất của tỉnh Quảng Trị
Dấu ấn từ người Pháp
Hơn một thế kỷ qua, Khe Sanh là địa danh nổi tiếng gắn liền với lịch sử đấu tranh của dân tộc. Ngày đó thực dân Pháp thành lập những đồn điền cà phê lên từ năm 1908. Sau đó thì họ đã xây dựng nhà tù Lao Bảo để giam cầm người Việt yêu nước tham gia vào các phong trào chống Pháp. Nhưng các thế hệ cha anh đã làm lên những bản anh hùng ca vang vọng đến tận hôm nay.
Rất nhiều cựu binh Mỹ khi trở lại chiến trường xưa đều tỏ ra bất ngờ khi vào thời ấy, họ là những chàng trai đôi mươi, trẻ trung đầy nhựa sống, còn Khe Sanh là một “cô gái xấu xí” cằn cỗi và lem luốc. Sau gần nửa đời người quay trở lại, họ là những ông lão già nua, còn Khe Sanh như một thiếu nữ xinh đẹp và đầy kiêu hãnh.
Ông Patrick, một cựu binh sĩ Mỹ trong một lần trở lại Khe Sanh nói, trước đây Khe Sanh là một vùng đất còn hoang sơ, sau khi người Pháp đặt chân lên mảnh đất này và lập nên những đồn điền cà phê rộng lớn thì Khe Sanh mới được nhiều người biết đến.
Ông Patrick nhớ lại, cà phê ở đây có mùi thơm dịu rất đặc trưng, khi uống vào có cảm giác đắng, cay và the ở đầu lưỡi sau đó ngọt dần khi vào cuống họng, và nó trở thành thức uống không thể thiếu của những binh sĩ thời đó.
Theo nhiều tài liệu được lưu lại, người có công khai phá vùng đất Khe Sanh để lập nên những đồn điền cà phê đầu tiên là một người Pháp có tên Eugene Poilane (1888 – 1964).
Năm 1918 khi ông Poilane lần đầu tiên đi qua Khe Sanh đã bị hấp dẫn bởi cây cối tốt tươi ở đây và nghĩ rằng đất đỏ thì tốt với bất cứ thứ gì ở vùng Tuscany (Ý), năm 1926 Poilane quyết định quay trở lại vùng đất này và mang theo giống cây cà phê Chiari để gieo trồng lên mảnh đất này. Tại đây, một đồn điền cà phê của người Pháp mọc lên, rồi sau đó là nhiều đồn điền khác cũng được mở ra khắp vùng. Và, hương vị cà phê Khe Sanh nổi danh cũng bắt đầu từ đó…
Nâng cao chất lượng cà phê Khe Sanh
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, huyện Hướng Hóa là địa phương có diện tích trồng cà phê lớn nhất chủ yếu cà phê Arabica – còn gọi là cà phê chè với gần 5.000 ha và sắp đến sẽ nhiều hơn nữa, trong đó có khoảng 4.000 ha đã cho khai thác.
Với lợi thế địa hình có độ cao từ 350 đến 500m so với mặt nước biển. Cây cà phê Khe Sanh trồng ở vị trí càng cao thì chất lượng hạt cà phê càng ngon, nhân của hạt cà phê sẽ bớt đi những dấu lấm tấm. Ngoài ra, cùng với khí hậu ôn hòa, mát mẻ và được mệnh danh là “Đà Lạt của miền Trung”, Hướng Hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển cây cà phê.
Những năm trở lại đây, người trồng cà phê trên vùng đất Hướng Hóa bắt đầu chú trọng đến việc nâng cao chất lượng của hạt cà phê, từ đó xây dựng một thương hiệu cà phê sạch, từng bước đưa những hạt cà phê Khe Sanh vượt qua khỏi biên giới của Việt Nam.
Ông Lê Đình Phức (trú tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) người có gần 30 năm trong nghề trồng cà phê và cây cao su cho hay: so với nhiều vùng trồng cà phê nổi tiếng của cả nước, cà phê Khe Sanh vẫn có một dấu ấn rất riêng biệt mà ít nơi nào có được. Tuy nhiên, do nhiều yếu khách quan và chủ quan, thương hiệu cà phê Khe Sanh vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Ông Lê Đình Phức bên mô hình cà phê hữu cơ xen cao su của mình, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao
Theo ông Phức, sở dĩ thương hiệu cà phê Khe Sanh thời gian trước đây ít người biết đến là do chất lượng kém, vì bà con thường hái quả vừa già, vỏ đang xanh chưa đạt độ chín tới, mỗi lần thu hoạch về họ thường mang ngâm nước cho lợi về trọng lượng khi bán, thậm chí là trộn thêm tạp chất. Cách làm này của không ít người vô tình làm cho thương hiệu cà phê Khe Sanh mất uy tín.
Ông Phức cho biết, hiện tại ông đang ứng dụng mô hình cà phê (sạch) xen cây cao su theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học… mọi quy trình từ chăm sóc đến thu hoạch đều được sử dụng theo hướng hữu cơ, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Trong quá trình chăm sóc cây cà phê tôi chỉ sử dụng loại phân bón hữu cơ và kể cả thuốc bảo vệ thực vật. Khi vào thời điểm thu hoạch phải đảm bảo trái cà phê đạt độ chín trên 95%, không ngâm nước, không trộn tạp chất để nâng cao chất lượng hạt cà phê”, ông Phức nói thêm.
Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng cho biết, mô hình trồng cây cà phê xen cây cao su của ông Lê Đình Phức là một mô hình hay và còn nhiều mới mẻ ở địa phương, cần được nhân rộng để nhiều người cùng làm, từ đó nâng cao chất lượng của hạt cà phê để có giá trị kinh tế cao, khẳng định thương hiệu cà phê Khe Sanh vốn đã có từ hàng trăm năm qua.
Hồi sinh một thương hiệu…
Với mong muốn đưa Quảng Trị trở thành “thủ phủ” của cà phê miền Trung, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều đề án cho vùng nguyên liệu cà phê, đồng thời vận động, hỗ trợ bà con tiếp tục tái canh cây cà phê để có thể khôi phục lại thương hiệu cà phê Khe Sanh.
Hiện cà phê Khe Sanh đang tỏa hương đến đồng đảo người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế
Một trong những tín hiệu đáng mừng trong những ngày đầu năm mới 2018 là nhãn hiệu “cà phê Khe Sanh” đã được đăng kí bảo hộ thương hiệu tập thể.
Ông Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị cho rằng, việc xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cà phê chè Khe Sanh là việc làm hết sức cần thiết cho một nông sản nổi tiếng, phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.
Sản phẩm cà phê chè Khe Sanh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cùng việc xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng cho sản phẩm là tiền đề quản lý, phát triển cho thương hiệu sản phẩm bền vững. Từ đó, danh tiếng, uy tín của các sản phẩm cà phê chè Khe Sanh được nâng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, ông Lân nói.
…đến “giấc mơ” vươn ra thế giới
Có một điều rất dễ nhận thấy, hiện nay Đức và Mỹ là hai nước nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2017, Đức là quốc gia đứng đầu thị trường tiêu thụ cà phê của Việt Nam, đạt 157.601 tấn, trị giá 344,31 triệu USD, chiếm 15% trong tổng sản lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước; trong khi đó Mỹ chiếm 14% tổng trọng lượng và tổng kim ngạch cà phê mà Việt Nam bán ra nước ngoài, đạt 139.559 tấn, trị giá 316,65 triệu USD.
Một số thương hiệu cà phê Khe Sanh hiện nay được xuất khẩu qua một số nước trên thế giới
Một thuận lợi rất lớn cho huyện Hướng Hóa là trong khi cơ cấu hiện tại mặt hàng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và các nước châu Âu (EU) đa phần là cà phê Robusta (chiếm tới 93%), chủng loại mà nhiều người Mỹ và người châu Âu ít ưa chuộng; thì ở Hướng Hóa hiện tại là 100% cà phê Arabica có chất lượng cao hơn và được người tiêu dùng Mỹ và EU ưa chuộng hơn cả.
Ông Nguyễn Đức Cường khi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từng phát biểu: “Cà phê Khe Sanh muốn xuất sang thị trường châu Âu, châu Mỹ và các nước trên thế giới phải cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu lớn cùng với những hàng rào kỹ thuật qui định về tiêu chuẩn cũng như chất lượng cà phê. Việc tìm ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cà phê Khe Sanh, phát huy các thế mạnh sẵn có để có thể xuất khẩu mặt hàng cà phê trong thời gian tới là vô cùng cấp thiết”.
Hy vọng, với những đề án mà tỉnh Quảng Trị đã đề ra trong thời gian tới sẽ đưa thương hiệu cà phê Khe Sanh tỏa hương đến đông đảo người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế biết đến. Giấc mơ chinh phục người tiêu dùng trên thế giới của cà phê Khe Sanh hoàn toàn có cơ sở. Khi đó, những sản phẩm cà phê Khe Sanh sẽ đem lại những giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống cho người dân.
Nguyễn Hữu Vinh