Yêu cầu chặt chẽ 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 53,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng chủ yếu đạt được từ tăng giá trị xuất khẩu lâm sản chính đạt 7,93 tỷ USD, tăng 18%.

Theo thông tin từ Văn phòng Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp đã tăng 2,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 0,53 tỷ USD, tăng 8,6%. Còn nhóm nông sản chính ước đạt 13,9 tỷ USD, giảm 7,2%; thuỷ sản ước đạt 6,23 tỷ USD, giảm 2%.

Có 6 nhóm/sản phẩm có giá trị XK trên 2 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ (7,5 tỷ USD, tăng 16,8%); cà phê (2,1 tỷ USD, giảm 21,8%), gạo (gần 2,24 tỷ USD, giảm 9,8%), hạt điều (2,4 tỷ USD, giảm 5,4%), rau, quả (2,15 tỷ USD, giảm 4,3%), tôm (2,4 tỷ USD, giảm 8,0%). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 23,16 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Thanh long - loại trái cây đầu tiên được xuất khẩuThanh long - loại trái cây đầu tiên được xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản 8 tháng năm 2019 đạt 26,58 tỷ USD, tăng 1,6% cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 12,41 tỷ USD, giảm 8,3% so cùng kỳ. Như vậy, xuất khẩu nhóm hàng này cho đến cuối năm sẽ còn đối mặt nhiều thách thức, khu vực nông-lâm-thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ.

Điểm khó khăn nổi lên đối với xuất khẩu nông, thủy sản (NTS) của Việt Nam chính là sự thay đổi chính sách ở các thị trường đến. Chẳng hạn như, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu (EVFTA) mở ra cơ hội lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm với thách thức. Điểm khó khăn không nhỏ lúc này là quá trình đàm phán về công nhận lẫn nhau các bảo hộ sở hữu trí tuệ NTS giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn chưa kết thúc. Danh sách hơn 40 nông sản Chỉ dẫn địa lý, tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang trong quá trình chờ đợi để có thể xuất khẩu vào châu Âu.

Kể từ ngày 1/9/2019, Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu kiểm dịch thực vật chặt chẽ đối với nhiều loại NTS nhập khẩu từ các nước bên ngoài EU, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, đối với các lô quả có múi và xoài tươi xuất khẩu, phải được sản xuất từ các vườn đã được cơ quan kiểm dịch thực vật kiểm tra và bảo đảm không nhiễm ruồi đục quả. Mọi thông tin về vườn hoặc thông số về xử lý phải được ghi vào giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật để bảo đảm truy xuất nguồn gốc...

Những thay đổi về chính sách tại các thị trường xuất khẩu có những tác động không nhỏ đến nhóm hàng ngành nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài những khó khăn, thách thức, thì ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội chuyển đổi, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, từ đó có thể xác lập được vị thế tại những thị trường đòi hỏi cao, tiềm năng lớn. Muốn nắm bắt được cơ hội sẽ cần phải có chiến lược phát triển ngắn, trung và dài hạn một cách hợp lý.

Nâng cao giá trị 

Trong 3 tháng cuối năm, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất thúc đẩy các lĩnh vực, sản phẩm có ưu thế, triển vọng thị trường để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành. Cùng với đó, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn dòng chảy và nguồn nước hồ chứa; đôn đốc và hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn...; tăng cường kiểm tra và đảm bảo an toàn đê sông, đê biển, các công trình thuỷ lợi.

Đặc biệt sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản. Cụ thể là thực hiện các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo thị trường, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường lương thực, thực phẩm, tình hình xuất nhập khẩu; tăng cường kiểm soát chặt tình hình nhập lậu vào thị trường nội địa.

Đồng thời, tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định tự do thương mại đem lại, tăng cường các hoạt động phát triển thị trường.

Nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc...), kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nước ngoài.

Tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết vướng mắc sản phẩm thuỷ sản (đặc biệt đối với việc EU rút thẻ vàng các sản phẩm thuỷ sản Việt Nam); quảng bá sản phẩm thuỷ sản kết hợp giải quyết các vướng mắc, rào cản đối với sản phẩm gạo, thịt lợn, sữa, trái cây với thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiêu thụ nông lâm thủy sản tại thị trường trong nước để tiêu thụ kịp thời nông sản, khắc phục tình trạng dư thừa, giá giảm gây thiệt hại cho người sản xuất. Bộ cũng sẽ đưa ra các dự báo và phối hợp với các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ kịp thời nông sản chính (cam, thanh long...); xây dựng hình ảnh sản phẩm thông qua nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Hà Trần