1. Sản phẩm hữu cơ là gì?

Căn cứ khoản 3 Điều 3 - Nghị định 109/2018/NĐ-CP, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (gọi tắt là sản phẩm hữu cơ) là thực phẩm, dược liệu (bao gồm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền), mỹ phẩm và sản phẩm khác hoặc giống cây trồng, vật nuôi; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản được sản xuất, chứng nhận và ghi nhãn phù hợp theo quy định tại Nghị định 109/2018/NĐ-CP

2. Khi nào được ghi nhãn hữu cơ đối với thực phẩm?

Căn cứ mục 5.5.2 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-1:2017,  sản phẩm đã được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ mới được ghi nhãn liên quan đến cụm từ “hữu cơ”. Theo đó:

(i) Chỉ công bố sản phẩm là “100 % hữu cơ” khi sản phẩm có chứa 100 % thành phần cấu tạo là hữu cơ [tính theo khối lượng đối với chất rắn hoặc tính theo thể tích đối với chất lỏng (trong trường hợp sản phẩm chứa cả chất rắn và chất lỏng, tỷ lệ phần trăm được tính theo khối lượng), không tính nước và muối (natri clorua)].

(ii) Chỉ công bố sản phẩm là “hữu cơ” khi sản phẩm có chứa ít nhất 95 % thành phần cấu tạo là hữu cơ (tính theo khối lượng đối với chất rắn hoặc tính theo thể tích đối với chất lỏng, không tính nước và muối). Các thành phần cấu tạo còn lại có thể có nguồn gốc nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp nhưng không phải là thành phần biến đổi gen, thành phần được chiếu xạ hoặc xử lý bằng các chất hỗ trợ chế biến không được nêu trong Bảng A.2, Phụ lục A TCVN 11041-1:2017.

(iii) Chỉ công bố sản phẩm “được sản xuất từ các thành phần hữu cơ”, “được chế biến từ các thành phần hữu cơ”, “có chứa các thành phần hữu cơ” hoặc cụm từ tương đương khi sản phẩm có chứa ít nhất 70 % thành phần cấu tạo là hữu cơ (tính theo khối lượng đối với chất rắn hoặc tính theo thể tích đối với chất lỏng, không tính nước và muối).

Lưu ý: Không được ghi nhãn là “hữu cơ” hoặc “được sản xuất từ các thành phần hữu cơ”, “được chế biến từ các thành phần hữu cơ”, “có chứa các thành phần hữu cơ” hoặc cụm từ tương đương, hoặc thực hiện bất kỳ công bố chứng nhận hữu cơ nào đối với sản phẩm có thành phần cấu tạo hữu cơ nhỏ hơn 70 % (tính theo khối lượng đối với chất rắn hoặc tính theo thể tích đối với chất lỏng, không tính nước và muối). Tuy nhiên, có thể sử dụng cụm từ “hữu cơ” đối với thành phần cấu tạo cụ thể được liệt kê.

Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới)

sản phẩm hữu cơ

Chỉ được ghi nhãn hữu cơ khi sản phẩm đã được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)

3. Một số lưu ý khi ghi nhãn hữu cơ cho thực phẩm

Căn cứ khoản 2 Điều 11 Nghị định 109/2018/NĐ-CP, ghi nhãn hữu cơ cho thực phẩm phải ghi nhãn theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa và quy định ghi nhãn thực phẩm, nhãn dược liệu, nhãn mỹ phẩm, nhãn thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và các quy định sau đây:

(i) Việc sử dụng cụm từ “100% hữu cơ”, “hữu cơ” hoặc “sản xuất từ thành phần hữu cơ” kèm theo tỷ lệ các thành phần cấu tạo trên nhãn sản phẩm hữu cơ theo quy định tại tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ (TCVN 11041-1:2017).

(ii) Sản phẩm hữu cơ sản xuất tại Việt Nam phải ghi rõ mã số giấy chứng nhận, ngày cấp, tên đầy đủ hoặc tên viết tắt, mã số của tổ chức chứng nhận.

(iii) Sản phẩm hữu cơ nhập khẩu có nhãn không đáp ứng đầy đủ quy định tại Nghị định 109/2018/NĐ-CP thì phải có nhãn phụ theo quy định.

4. Khi nào được sử dụng lô gô sản phẩm hữu cơ Việt Nam?

Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 12 Nghị định 109/2018/NĐ-CP, sản phẩm “100% hữu cơ” và sản phẩm “hữu cơ” có ít nhất 95% thành phần hữu cơ được chứng nhận phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ được mang lô gô sản phẩm hữu cơ Việt Nam.

Lưu ý: Lô gô của cơ sở được sử dụng đồng thời với lô gô hữu cơ Việt Nam.

Sau khi được chứng nhận sản phẩm hữu cơ, thì cơ sở có quyền in mẫu lô gô theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gắn trên bao bì sản phẩm và chịu trách nhiệm về việc sử dụng lô gô theo quy định của pháp luật.

Hương Thủy (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)