LTS: Được biết đến là thành phố trẻ thành lập năm 2008, sau hơn 15 năm Phủ Lý đã chuyển mình dần trở thành một thành phố năng động, hiện đại đầy tiện nghi. Và dĩ nhiên, thị trường hàng hóa tại thành phố Phủ Lý cũng diễn ra khá sôi động, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, tại thành phố Phủ Lý không ít các cửa hàng, siêu thị ngang nhiên bày bán các mặt hàng có dấu hiệu vi phạm những quy định của pháp luật về hàng hóa, gây tác động tiêu cực không nhỏ liên quan đến sự minh bạch của thị trường.
Mặc dù vấn nạn này đang được các cấp các ngành tại tỉnh Hà Nam liên tục đấu tranh, triệt phá, tuy nhiên thực trạng hàng giả hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn đang diễn ra một cách công khai.
Để đi tìm câu trả lời về thực trạng hàng hóa được bày bán tại đây, phóng viên (PV) Tạp chí Thương hiệu và Công luận đã tiếp cận nhiều cửa hàng, siêu thị có tiếng trên địa bàn thành phố. Và, không khó để có thể bắt gặp những vi phạm của các siêu thị trong việc bày bán công khai những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cũng như vi phạm nghiêm trọng về nhãn mác hàng hóa tại những điểm PV có mặt.
Bài 1: Một tuyến phố nhiều điểm bán hàng có dấu hiệu vi phạm
Nằm vắt ngang tuyến phố đi bộ nổi tiếng sầm uất tại thành phố Phủ Lý, con đường mang tên Lê Công Thanh được nhiều người dân địa phương nhắc tới bởi nhiều cửa hàng, siêu thị mọc lên cung cấp đầy đủ tiện nghi phục vụ đa dạng nhu cầu mua sắm của người dân quanh khu vực.
Từ nguồn tin cho biết, một số cửa hàng, siêu thị trên tuyến phố này đang kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, trong vai khách hàng trải nghiệm mua sắm hàng hóa tại một số cơ sở này mới thấy những phản ánh trên là hoàn toàn có cơ sở.
Hiệu sách Hương Khang, nhiều hàng hóa có dấu hiệu vi phạm
Điểm đầu tiên PV có mặt là hiệu sách Hương Khang đặt tại 189 Lê Công Thanh, thành phố Phủ Lý, Hà Nam. Được gắn tên bảng hiệu là hiệu sách, tuy nhiên ngoài một số sản phẩm đồ dùng học tập, phần lớn các mặt hàng được bày bán tại đây lại là túi xách thời trang, mỹ phẩm, đồ chơi và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Bước vào cửa hàng, trước mắt phóng viên hàng ngàn sản phẩm được bày bán. Quan sát một lượt, ngoài những mặt hàng sản xuất trong nước, chủ cửa hàng còn bày bán nhiều mặt hàng ngoại nhập và hầu hết những mặt hàng này đều có dấu hiệu bất thường liên quan đến các quy định của pháp luật về hàng hóa.
Cụ thể, tại quầy túi xách thời trang, đầy rẫy các mẫu sản phẩm có dấu hiệu nhái thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như: LV, Chanel, GUCCI, Adidas … được bày biện bắt mắt nhằm thu hút khách hàng. Giá của những sản phẩm này được bán rất rẻ, chỉ vài trăm nghìn một sản phẩm. Cũng phải nói thêm rằng những thương hiệu trên đang được pháp luật bảo hộ tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, PV ghi nhận nhiều sản phẩm túi xách, ví da trên sản phẩm gắn tem nhãn chữ Trung Quốc, không có bất kỳ thông tin nào bằng tiếng Việt trên sản phẩm.
Tiếp tục di chuyển đến quầy bán mỹ phẩm, sữa tắm dành cho trẻ em ngoại nhập PV cũng ghi nhận tình trạng tương tự, nhiều mặt hàng trên bao bì gắn chữ nước ngoài thể hiện những sản phẩm này đến từ Pháp, Hàn Quốc,… tuy nhiên hầu hết trên bao bì sản phẩm này không thể hiện thông tin cụ thể liên quan đến sản phẩm bằng tiếng Việt.
Ghi nhận tại quầy bán đồ chơi trẻ em, PV ghi nhận nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập ngoại đều không dán tem nhãn phụ tiếng Việt, không rõ đơn vị nhập khẩu và chịu trách nhiệm về sản phẩm tại thị trường Việt Nam là đơn vị nào. Đáng chú ý có nhiều sản phẩm còn có hiện tượng “trắng” thông tin.
Đồ chơi trẻ em là một mặt hàng kinh doanh đòi hỏi phải đáp ứng được những quy định nghiêm ngặt của pháp luật trước khi tung ra thị trường. Bởi, nhiều chuyên gia khuyến cáo, đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc không qua kiểm định thường có nguy cơ được sản xuất từ nhựa tái chế, bơm tẩm chất phụ gia, chất tạo màu công nghiệp, nhất là chất PAE (Phthalic Acid Esters) - một hóa chất gây hại cho hệ sinh sản. Nếu trẻ ngậm, mút, ngửi, thổi hoặc trực tiếp tiếp xúc với chất độc này sẽ có nguy cơ tổn thương nghiêm trọng tới sự phát triển về cả thể chất và tinh thần.
Được biết, hiệu sách Hương Khang có thêm Cơ sở 2 đặt tại địa chỉ số 25 đường Lê Lợi, TP Phủ Lý.
Mập mờ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại chuỗi cửa hàng mẹ và bé Soc & Baby
Tiếp tục di chuyển trên con phố Lê Công Thanh, điểm đến tiếp theo PV có mặt tại một cơ sở có tên “Chuỗi cửa hàng mẹ và bé Soc & Baby” đặt tại 153 Lê Công Thanh, thành phố Phủ Lý. Khảo sát tại đây cho thấy, nhiều sản phẩm nhập ngoại được bày biện bắt mắt, giá cả từ vài chục đến hàng trăm nghìn một sản phẩm, phục vụ đa dạng khách hàng địa phương.
Điều đáng nói, rất nhiều sản phẩm nhập ngoại được bày bán tại cửa hàng này không được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định. Cùng với đó trên mỗi sản phẩm đều không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến giá niêm yết theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, tại quầy bán các sản phẩm mỹ phẩm dành cho phụ nữ và trẻ em, đa phần các sản phẩm là nhập ngoại, trên bao bì in chữ nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… tuy nhiên không thấy bất kỳ một thông tin nào liên quan đến sản phẩm, đơn vị nhập khẩu bằng Tiếng Việt.
Tại quầy bày bán bánh kẹo, nhiều mặt hàng bánh kẹo nhập ngoại trên bao bì ghi rõ các sản phẩm này đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Nga,… Nhưng nhiều sản phẩm này không được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm tại thị trường Việt Nam.
Tiếp tục di chuyển đến quầy sữa, phóng viên cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Tại đây, ngoài những sản phẩm sữa sản xuất trong nước, chủ siêu thị này còn cho bày bán nhiều sản phẩm sữa ngoại, hầu như trên bao bì sản phẩm đều không rõ đơn vị chịu trách nhiệm sản phẩm nhập khẩu tại Việt Nam là đơn vị nào, ngay kể cả giá niêm yết trên sản phẩm cũng không có.
Chưa dừng lại ở đó, ngay cạnh quầy thanh toán – một vị trí bắt mắt được chủ cửa hàng bày bán thêm hàng trăm mẫu sản phẩm thực phẩm chức năng dành cho mẹ và bé, trong đó đa phần là thực phẩm chức năng nhập ngoại. Các sản phẩm thực phẩm chức năng nhập ngoại chủ yếu là: Collagen dành cho phụ nữ, viên uống canxi, siro bổ xung vitamin cho bé,… tất cả các sản phẩm này đều không thể hiện rõ đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm là đơn vị nào, liệu rằng sản phẩm đó đã được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành tại Việt Nam hay chưa?
Thực tế ghi nhận việc bày bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không dán tem nhãn phụ tiếng Việt trên bao bì sản phẩm đang bày bán tại cửa hàng Soc & Baby hay tại hiệu sách Hương Khang ngay giữa trung tâm thành phố Phủ Lý. Điều này đã và đang vi phạm đến những quy định của pháp luật về hàng hóa. Bởi, tại Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa nêu rõ: “Hàng nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Trách nhiệm về ghi nhãn hàng hóa thuộc về tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa theo quy định tại Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.”
Những thông tin trên xin được gửi tới Cục QLTT tỉnh Hà Nam cũng như các cơ quan chức năng có liên quan sớm vào cuộc kiểm tra làm rõ. Ở bài tiếp theo, tòa soạn Thương hiệu và Công luận xin được tiếp tục phản ánh tới độc giả những địa điểm khác liên quan đến thực trạng hàng giả, hàng nhái và hàng hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại địa phương này. Cùng với đó là những thông tin liên quan đến hoạt động kiểm soát thị trường của lực lượng QLTT địa phương ngay sau khi có thông tin mới nhất.
Tâm An