Trong chuyến khảo sát và ghi nhận thực tế về thực trạng hàng hóa tại tỉnh Nam Định, phóng viên có mặt là siêu thị Minh Hòa, đây là siêu thị lớn đặt tại số 696 đường Giải Phóng, thành phố Nam Định. Các mặt hàng bày bán tại đây chủ yếu là bánh kẹo nhập ngoại và hàng hóa phục vụ bà mẹ trẻ em. Mỗi ngày hàng trăm lượt khách ra vào tấp nập.
Trong vai khách hàng, phóng viên (PV) Tạp chí Thương hiệu và Công luận đã tham gia trải nghiệm mua sắm tại đây. Bước vào siêu thị, hàng nghìn sản phẩm mẫu mã đủ chủng loại được bày bán. Bên cạnh những sản phẩm trong nước, chủ siêu thị này còn bày bán nhiều sản phẩm nhập ngoại. Tuy nhiên, qua quan sát PV thấy nhiều hàng hóa được bày bán tại đây chưa chấp hành đúng các quy định.
Nhiều bánh kẹo, nước ngọt, thực phẩm nhập ngoại có dấu hiệu vi phạm
Cụ thể, đặt ngay lối đi vào siêu thị tại tầng 1 là quầy đông lạnh, trong tủ bày bán những mặt hàng cần được bảo quản bằng cách trữ đông. Cầm một túi hàng trên tay, PV được nhân viên bán hàng giới thiệu đây là khoai tây tẩm pho mai đến từ Bỉ. Quan sát kỹ túi hàng hóa, PV nhận thấy trên bao bì sản phẩm hoàn toàn là chữ nước ngoài, không được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Cũng tại quầy trữ đông, chủ siêu thị này còn đóng gói ngay ngắn các sản phẩm là thịt bò, thịt lợn. Điều đặc biệt là bên ngoài bao bì chỉ gắn mác siêu thị Minh Hòa và không có bất kỳ thông tin về nguồn gốc sản phẩm, cá biệt còn có những sản phẩm “trắng” thông tin.
Năm 2004, Bộ Thương mại cũng đã ban hành Quy chế hoạt động của siêu thị chỉ rõ: Những hàng hóa đang kinh doanh tại siêu thị phải có mã số, mã vạch đối với những loại hàng hóa có thể đăng ký mã số, mã vạch để thuận tiện cho công tác quản lý của Siêu thị, Trung tâm thương mại và giám sát của khách hàng.
Đối với hàng hóa là thực phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm và ghi rõ thời hạn sử dụng trên bao bì đóng gói. Nếu là nông sản, thực phẩm ở dạng tươi hoặc sơ chế không có bao bì đóng gói sẵn thì phải qua chọn lọc, phân loại, ghi rõ xuất xứ, chất lượng và thời hạn sử dụng tại giá hàng, quầy hàng.
Ngoài ra, tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại Siêu thị, Trung tâm thương mại phải có giá bán được thể hiện rõ ràng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc được niêm yết tại giá hàng, quầy hàng, điểm kinh doanh dịch vụ.
Pháp luật đã quy định rất rõ ràng, siêu thị Minh Hòa Mart là cơ sở kinh doanh hoạt động theo mô hình siêu thị, không phải là mã ngành kinh doanh thực phẩm sản phẩm nông sản lưu động hay tại chợ truyền thống. Chính vì vậy, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm phải đáp ứng đầy đủ các quy định của nhà nước liên quan đến các sản phẩm mà đơn vị mình kinh doanh.
Tiếp tục di chuyển tới quầy nước ngọt, phóng viên quan sát được, bên cạnh những sản phẩm sản xuất trong nước, chủ siêu thị này còn bày bán nhiều sản phẩm nhập ngoại, bên ngoài bao bì này in chữ nước ngoài thể hiện những sản phẩm đó đến từ nước Nhật, Trung Quốc, Anh, Nga,… Tuy nhiên, trên các sản phẩm này lại không có bất kỳ thông tin nào bằng tiếng Việt liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, hướng dẫn sử dụng sản phẩm.
Ghi nhận tại quầy bánh kẹo, phóng viên cũng quan sát được tình trạng tương tự, nhiều sản phẩm nhập ngoại đều không được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, tù mù về nguồn gốc xuất xứ và không rõ đơn vị chịu trách nhiệm sản phẩm tại thị trường Việt Nam.
Bày bán thực phẩm chức năng, mỹ phẩm ngoại nhập không rõ nguồn gốc xuất xứ?
Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm bánh kẹo, nước ngọt và thực phẩm nhập ngoại. Chủ siêu thị này còn bày bán nhiều sản phẩm mỹ phẩm, sữa, đồ dùng cho mẹ và bé nhập khẩu.
Theo quan sát, những sản phẩm nhập ngoại này trên bao bì thể hiện đa phần các sản phẩm là nhập ngoại, trên bao bì in chữ nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… tuy nhiên không thấy bất kỳ một thông tin nào liên quan đến sản phẩm, đơn vị nhập khẩu bằng Tiếng Việt.
Không dừng lại ở đó, chủ siêu thị còn bày bán thêm các sản phẩm thực phẩm chức năng nhập ngoại như: Collagen dành cho phụ nữ, viên uống canxi, siro bổ xung vitamin cho bé,… tất cả các sản phẩm này đều không thể hiện rõ đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm là đơn vị nào, liệu rằng sản phẩm đó đã được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành tại Việt Nam hay chưa? Tất cả đều không được dán nhãn phụ bằng tiếng Việt trên sản phẩm, rất “tù mù” về thông tin, nguồn gốc sản phẩm.
Thực tế ghi nhận việc bày bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không dán tem nhãn phụ tiếng Việt trên bao bì sản phẩm đang diễn ra tại siêu thị Minh Hòa Mart - ngay giữa trung tâm thành phố Nam Định. Điều này đã và đang vi phạm đến những quy định của pháp luật về hàng hóa. Bởi, tại Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa nêu rõ: “Hàng nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Từ những ghi nhận trên, phóng viên đã liên hệ với lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Nam Định để xác minh làm rõ những nghi vấn liên quan đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đang bày bán tại siêu thị Minh Hòa Mart.
Được biết, vừa qua Đội QLTT số 1 đã vào kiểm tra và xác minh. Kết quả chỉ phát hiện tại cửa hàng có kinh doanh 102 cái bánh kem sữa chua có thể hiện trên hàng hóa do nước ngoài sản xuất. Đây là số hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Giá niêm yết trên hàng hóa là 7.000đ/cái.
(còn nữa)
T.A