Ghép mô, tạng được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là một trong những phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả, cuối cùng để giành lại sự sống cho những người bệnh bị hỏng mô, tạng và không có lựa chọn nào khác.
Tại Việt Nam, kể từ khi thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên người (tháng 6/1992), đến nay ngành y tế đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng; các công nghệ, kỹ thuật ghép tạng được đánh giá ngang tầm với những nước có nền y học tiên tiến trên thế giới. Các bệnh viện đã thực hiện được 8.607 ca ghép tạng, trong đó nhiều nhất là ghép thận (7.914 ca), rồi đến ghép gan (593 ca), ghép tim (82 ca); ghép phổi (10 ca)...
Trong khi trước đây chỉ có 5 bệnh viện (Hữu nghị Việt Đức, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103, Trung ương Huế, Chợ Rẫy) thực hiện được kỹ thuật ghép tạng, thì nay Bộ Y tế đã cấp phép cho 26 bệnh viện thực hiện kỹ thuật này. Trước năm 2023, chỉ có 5 bệnh viện thực hiện chẩn đoán hồi sức chết não hiến mô tạng, thì nay cũng đã tăng lên 9 bệnh viện, trong đó có một số bệnh viện tuyến tỉnh...
Tỷ lệ người chết não hiến mô, tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô, tạng tăng gấp đôi so với năm 2023. Với hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm (trong hai năm qua), Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất có số lượng ghép tạng mỗi năm cao hơn 1.000 ca…
Tuy nhiên, do nguồn mô, tạng của người hiến ở nước ta còn khan hiếm so với nhu cầu cần được ghép cho nên có hàng chục nghìn người bệnh vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ được ghép tạng. Ngoài ra, hơn 94% số tạng ghép là từ nguồn hiến sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại đối với sức khỏe người hiến cũng như từ tình trạng buôn bán tạng trái phép.
Trong khi đó, một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 8 đến 10 người khác; giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và lan tỏa giá trị, tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, lễ phát động "Chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" là bước khởi đầu của một hành trình tiến tới bảo đảm nguồn mô, tạng cứu người. Để hành trình này được lan tỏa trong tương lai, bền vững và hiệu quả, người đứng đầu ngành y tế đề nghị các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đăng ký hiến mô, tạng và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những tấm gương tiêu biểu. Bộ Y tế sẽ cùng các bộ, ngành hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế về hiến tạng, ghép tạng; xây dựng chính sách cho hoạt động tư vấn, hiến mô tạng, thu gom, vận chuyển mô tạng và chi phí ghép tạng cho người bệnh; hình thành được hệ thống ghép tạng chuyên nghiệp, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Bộ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền việc sửa đổi, bổ sung Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, bảo đảm phù hợp yêu cầu thực tiễn; nghiên cứu, đề xuất cơ chế tài chính hiệu quả hỗ trợ nguồn lực cho thực hiện hiến, ghép tạng…
PGS, TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người chia sẻ, ở Việt Nam số người đăng ký hiến tạng và số người hiến tạng sau chết vào loại thấp nhất thế giới, mới đạt tỷ lệ 0,1 người/1 triệu dân, trong khi ở Tây Ban Nha là 50 người/1 triệu dân. Nhiều nước, luật pháp quy định khi công dân đăng ký thẻ căn cước thì cũng là đăng ký hiến tạng (trừ một số lý do đặc biệt). Thật là lãng phí khi hằng ngày, vẫn vùi chôn vào lòng đất hoặc thiêu đốt thành tro bụi nguồn mô, tạng, trong đó nhiều tạng quý giá có thể cứu sống nhiều người. Nếu hiến tạng, gia đình của người hiến vẫn nghe thấy tiếng tim đập đầy yêu thương, lan tỏa năng lượng từ bi của người thân đã qua đời trên cơ thể và sự sống hồi sinh của người được ghép tạng. Người hiến tạng đã làm được việc có ích nhất sau khi từ giã cõi đời là cứu sống người khác, chắc họ cũng hài lòng và sẽ được tái sinh ở cõi giới phúc lạc hơn trong vòng sinh tử luân hồi như quan niệm của Phật giáo.
Mặt khác, khi có nhiều người hiến tạng sau khi qua đời, tăng thêm nguồn tạng cứu người thì đồng thời cũng góp phần hạn chế tình trạng buôn bán tạng trái phép. Về hiệu quả tài chính, như trường hợp ghép thận, chi phí cho 1 ca ghép thận để người bệnh kéo dài tuổi thọ với chất lượng sống tốt hơn thì chỉ bằng 1/4 chi phí để lọc máu và điều trị suy thận.
Để tặng nguồn tạng từ người cho chết não, có ba giải pháp đồng bộ: tại cộng đồng; tại các hệ thống bệnh viện; điều chỉnh chính sách từ Chính phủ và các bộ, ban, ngành. Đối với cộng đồng, cần đẩy mạnh truyền thông sâu rộng với sự phối hợp liên ngành các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tôn giáo, cơ quan truyền thông...; đặc biệt là Hội Chữ thập đỏ các cấp đã và đang tích cực trong hoạt động hiến máu và hiến tạng nhân đạo.
Đối với hệ thống các bệnh viện hiến và ghép tạng, trước mắt cần thành lập các chi hội vận động hiến mô, tạng và các đơn vị tư vấn hiến tạng sau chết não. Đối với Chính phủ và Bộ Y tế, sớm sửa Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác phù hợp với thực tiễn Việt Nam và hội nhập quốc tế, nhất là có cơ chế tài chính, chi trả cho công tác tư vấn hiến, lấy, ghép và điều phối tạng từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn tài chính hợp pháp khác để hỗ trợ cho nhiều người có cơ hội được cứu sống. Bộ Y tế xây dựng và trình Chính phủ đề án "tăng cường năng lực tư vấn, điều phối hiến, lấy, ghép mô tạng của Việt Nam" để có những bước đột phá, phát triển kỹ thuật ghép tạng...
Dưới góc nhìn của Phật giáo, theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực tế hiện nay còn tồn tại trong xã hội một số quan niệm chưa đúng về việc hiến tặng mô tạng, bộ phận người sau khi qua đời. Họ cho rằng hiến tặng mô tạng sẽ ảnh hưởng đến "thần khí", "phúc phần" của người đó và gia đình. Nhưng xét về bản chất thì chính người hiến mô, tạng sẽ được hưởng phước báo, được hưởng quả lành từ hành động cao thượng của sự cho đi đó và những người ở lại cũng sẽ được hưởng phước báo cộng nghiệp thiện lành.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, hiện nay cả nước mới có hơn 86 nghìn người đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086%. Tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng sau khi chết tại Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chỉ số người chết não hiến mô tạng tại Việt Nam là 0,15. Số lượng ca ghép tạng hơn 1.000 trường hợp mỗi năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của người bệnh. Do vậy cần tăng nguồn hiến tạng sau chết/chết não từ mức khoảng 6% như hiện nay lên từ 50 đến 90% giống như các nước phát triển.
Theo Báo Nhân Dân