Khơi nguồn nông sản Việt - Hình 1

Đã có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD

Trong 4 tháng đầu năm 2018, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu rau quả ở Việt Nam vượt dầu thô. Dự báo năm 2018, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam có nhiều triển vọng đạt khoảng 40 tỷ USD. Trong nước, tiêu thụ nông sản ngày càng tăng theo mức thu nhập của người dân và tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Việt Nam đã có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có giá trị trên 2 tỷ USD. Lần đầu tiên giá trị xuất khẩu rau quả vượt dầu thô, nếu làm tốt có thể đạt xấp xỉ 4 tỷ USD trong năm nay.

Phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ III với chủ đề “Khơi nguồn nông sản Việt” (ngày 14/10), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năm 2018, chúng ta đã chứng kiến nhiều sự kiện có ý nghĩa của ngành nông nghiệp: Lần đầu tiên tổ chức Hội nghị gạo thế giới; nhiều mặt hàng nông sản được mùa, sản lượng cao kỷ lục, nhờ chủ động tổ chức tiêu thụ, làm tốt khâu xúc tiến thương mại, quảng bá nên tiêu thụ thuận lợi và được giá.

Đơn cử, vụ vải thiều Bắc Giang vừa rồi đạt doanh thu kỷ lục 6.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đang làm thủ tục công nhận cá tra xuất khẩu của Việt Nam; thuế chống bán phá giá xuất khẩu tôm cũng được hoá giải…

Theo ông Thào Xuân Sùng, mặc dù nông nghiệp, nông thôn nước ta đạt được những thành tựu vẻ vang, có đóng góp lớn trong sự nghiệp đổi mới đất nước, song trước tình hình hội nhập quốc tế sâu rộng, tình trạng biến đổi khí hậu và khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn nhìn nhận: Kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ, kết nối cung - cầu đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị nông sản. Sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, quy mô nhỏ; chủ yếu sản xuất thô, chế biến sâu ít; tình trạng nông sản nơi thừa nơi thiếu xuất hiện khá phổ biến… Nguyên nhân, là do không có liên kết với thị trường.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Thị trường ở đây, không phải là chợ trong nước cho gần 100 triệu mà cho 7 tỷ người trên thế giới. Do đó, vấn đề gốc rễ là tổ chức sản xuất theo khai thác lợi thế từng vùng, từng địa phương…, gắn chặt với thị trường trong nước và toàn cầu mới khai thác được tiềm năng này.

Vấn đề đặt ra trước thực tế hiện nay là làm sao phải tổ chức tốt chợ trong nước và mang ra chợ thế giới. Rõ ràng, cần có vai trò của Nhà nước, bộ ngành chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và cả người nông dân.

Chúng ta đã ký 12 hiệp định thương mại song phương và đa phương, đang tích cực rà soát thúc đẩy việc ký hiệp định thương mại với EU. Nhưng việc ký các hiệp định thương mại cũng sẽ có hai mặt, thuận lợi là đưa nông sản ra thế giới nhưng cũng tạo sự cạnh tranh khi nông sản các nước tràn vào, nông sản nội sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành chăn nuôi. Nếu tổ chức không khéo, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà”.

Việt Nam đang thúc đẩy phát triển, xây dựng chợ đầu mối, phát triển thị trường tiêu thụ tương lai để phân chia rủi ro, giảm các khâu trung gian, tiêu thụ thuận lợi với giá tốt hơn. Mặt khác, chính sách liên kết “5 nhà” phải tăng cường thúc đẩy hơn nữa, trong đó vai trò dẫn dắt của hợp tác xã rất quan trọng, là cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Tuy nhiên, chủ động tham gia vào mối liên kết này vẫn phải là người nông dân, Nhà nước đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Với hai vấn đề cốt lõi, thúc đẩy thị trường tiêu thụ và liên kết được giải quyết, ngành nông nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa. Đảng và Nhà nước sẵn sàng đồng hành - “đi chợ” cùng người nông dân; sẽ hoàn thiện hơn nữa các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường.

Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, tình trạng được mùa mất giá, ế thừa nông sản sẽ ngày càng giảm đi, đời sống và thu nhập của người nông dân ngày càng được nâng cao”.

 Hoan Nguyễn