KDT Nguyễn Bỉnh Khiêm - điểm đến văn hóa đặc sắc đất Cảng
Kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu
Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, tầm ảnh hưởng và công lao của Trạng Trình được các nhà nghiên cứu trong nước, các chuyên gia đến từ Mỹ, Nga, Nhật Bản… dày công tìm hiểu, phân tích, đánh giá. Trong đó, nhấn mạnh Nguyễn Bỉnh Khiêm được biết đến là một nhà Lý học chính thống.
Trạng nguyên Giáp Hải thời Mạc Thái Tông làm Thượng thư Bộ Lại đã viết: “Sau Chu Liêm Khê có Trình Y Xuyên. Ngày nay, Lý học đã có người truyền thụ chính thống”. Các nhà nho nổi tiếng của Việt Nam như Phan Huy Chú, Vũ Khâm Lân, Lê Quý Đôn cũng thừa nhận điều này. Đến sứ giả nhà Thanh, Chu Xán Nhiên sang nước ta năm 1863, khi về viết trong “Giao Châu ký sự” cũng khẳng định: “An Nam Lý học hữu Trình Tuyền” (Về Lý học, ở nước Nam có Trình Tuyền – tức Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Năm 1991, KDT đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Sau nhiều lần được TP. Hải Phòng mở rộng quy hoạch, trùng tu, tôn tạo KDT, tháng 12/2015, tiếp tục được công nhận “Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm là Di tích Quốc gia đặc biệt”.
Quần thể KDT đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, bao gồm các đơn nguyên kiến trúc chính: Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm; đền thờ thân phụ, thân mẫu; quán Trung Tân; tháp Bút Kình Thiên; mộ phần cụ Nguyễn Văn Định (thân phụ Nguyễn Bỉnh Khiêm); quảng trường, tượng đài.
Điểm nhấn của KDT là Am Bạch Vân, được lợp bằng cói mô tả lại mái trường trước đây Trạng Trình dạy học. Khoảnh sân nhỏ cũng là lát cắt trong quãng đời của Bạch Vân cư sỹ từ sau khi cáo quan về ở ẩn được tái hiện qua những bức tượng rất sinh động, hình ảnh những đứa trẻ cùng cha mẹ đến xin cụ dạy chữ, những vị quan đại diện cho các triều đại đến vấn an cụ về việc quân quốc sự…
Điểm đặc biệt trong toàn KDT là vườn tượng với những bức tượng bằng đá granit, có kích thước như người thật. Khu vườn tượng tái hiện lại cảnh nhân dân trong làng vui mừng ra đón Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khi từ quan trở về quê hương.
Giá trị văn hóa đặc sắc
Lễ hội đền Trạng được tổ chức trong 3 ngày (27, 28, 29 tháng 11 Âm lịch). Lễ hội là hoạt động văn hóa đặc sắc với các nghi lễ truyền thống. Đặc biệt phần hội với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như vật truyền thống, cờ tướng, múa rồng, múa tứ linh, đua thuyền, pháo đất, đu sòng, múa rối cạn, múa rối nước… mang bản sắc riêng của vùng đất Vĩnh Bảo (Hải Phòng).
Trong những năm gần đây, vào dịp 2/9, Hải Phòng tổ chức Lễ biểu dương HS-SV tiêu biểu xuất sắc để báo công trước anh linh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về thành tích học tập của ngành giáo dục TP.
Trưởng BQL Di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông Lê Văn Kiều cho biết: Lượng du khách đến dâng hương và tham quan di tích ngày càng tăng. Không chỉ tập trung vào những ngày lễ hội, ngày thường cũng có hàng trăm lượt du khách ghé thăm nơi đây.
Được biết, tháng 11/2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý chủ trương giao UBND TP. Hải Phòng chủ trì lập Quy hoạch tổng thể Di tích Quốc gia đặc biệt - đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Lý Học (Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Sự nâng tầm này, góp phần bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, xứng đáng với tầm vóc của Danh nhân, đáp ứng nhu cầu của du khách khi về thăm đền Trạng.
KDT Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là điểm đến, không chỉ của người dân Hải Phòng, mà còn thu hút đông đảo du khách gần xa, đặc biệt vào dịp lễ hội. Người dân đến đây, ngoài thắp hương tôn kính bậc thầy, bậc tiên tri lỗi lạc của lịch sử dân tộc, còn để hiểu, chiêm nghiệm và tưởng nhớ tài đức của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các em HS tới đây, mang theo những ước vọng, thành công, đỗ đạt trên con đường học vấn.
Vũ Duyên