THCL - Mùa xuân – mùa của lễ hội. Bởi thế mà cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về là lúc người người nô nức đi trẩy hội. Đi lễ chùa đầu năm để cầu phúc, cầu an lành cho gia đình và người thân đã trở thành một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt Nam từ ngàn xưa.

Đã thành thông lệ, cứ vào độ tháng Giêng Âm lịch hàng năm, đông đảo bà con cùng du khách thập phương lại nô nức về đền Gắm - một di tích lịch sử thuộc huyện Tiên Lãng (TP. Hải Phòng)

Du xuân đầu năm tới đền Gắm tại thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng) là nét đẹp văn hóa truyền thống được nhiều gia đình, du khách ở Hải Phòng duy trì. Đầu xuân Đinh Dậu 2017 về với Đền Gắm, du khách không chỉ  được chiêm ngưỡng không gian văn hóa tâm độc đáo tại di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, mà còn được thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của miền quê ven biển Hải Phòng.

Trong những ngày đầu năm mới 2017, dòng người đổ về đền Gắm đông như trẩy hội. Với không gian rộng, phong cảnh hữu tình ven sông Văn Úc, quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia đền Gắm thu hút lượng khách lớn. Năm nay thời tiết ấm áp, khô ráo, nên mỗi ngày có hàng nghìn lượt du khách tới tham quan, dâng hương.

Tiên Lãng (Hải Phòng): Đầu năm trẩy Hội đền Gắm - Hình 1

Đền Gắm những ngày vào Xuân

Đền Gắm là di tích lịch sử tiêu biểu, là một trong những ngũ linh từ của huyện Tiên Lãng. Đền Gắm thờ Ngô Lý Tín, vị tướng tài ba thời Lý, có công đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc, được vua phong chức thượng tướng quân... Mùa xuân năm Quý Mão, triều đình cử Ngô Lý Tín đi đánh giặc Ai Lao bảo vệ Tổ quốc. Giặc yên, ông xin vua về thăm quê hương ở thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng.

Trên đường về quê bằng đường thủy gặp cơn bão lớn làm thuyền bị đắm, ông cùng đoàn tùy tùng tử nạn. Thi hài ông trôi dạt về bến Gắm ở quê hương ông, nhân dân thương tiếc làm lễ an táng tại quê nhà. Sau đó, vua thương tiếc vị tướng tài có công, truyền cho nhân dân lập miếu thờ ông tại nơi an táng (nay là đền Gắm).

Đền Gắm được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa năm 1992. Từ ngày 16 đến 20 tháng Giêng Âm lịch hằng năm, Đảng ủy, UBND và nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống.

Tham quan cảnh đền uy nghiêm và dâng hương tại đền Gắm, du khách rất hài lòng về sự đón tiếp của Ban quản lý di tích và nhân dân địa phương với những ấn tượng tốt đẹp. Chị Nguyễn Thị Huế, cán bộ Cục Thống kê thành phố phấn khởi cho biết, năm nào gia đình chị cũng tổ chức cho cả gia đình tham quan đền Gắm dịp đầu xuân.

Ngoài việc tham quan, văn cảnh, đây còn là dịp để các con cháu trong gia đình hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa lịch sử, thân thế, sự nghiệp, công lao đóng góp của các bậc tiền nhân có công với đất nước.

Đến với khu di tích năm nay, không riêng chị Huế, nhiều người cảm nhận sự đổi mới của khu di tích. Khuôn viên đền Gắm năm nay được đầu tư hoành tráng, rộng rãi, khang trang hơn, hệ thống giao thông, cây xanh được đầu tư thuận tiện cho du khách thập phương tới đền. Công tác tổ chức, hướng dẫn, đón tiếp các đoàn khách vào dâng hương, tham quan trật tự, bài bản hơn.

Theo ông Đinh Dương Ngọc, Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng, để tạo thuận lợi cho các đoàn khách và du khách thập phương đến tham quan, dâng hương, Ban quản lý di tích phối hợp chặt chẽ với chính quyền làm tốt công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, bố trí điểm trông coi xe rộng rãi, thuận tiện.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của trung ương, thành phố, huyện Tiên Lãng tập trung đầu tư, chỉnh trang lại toàn bộ khuôn viên, các hạng mục công trình phụ trợ của khu di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan thắng cảnh của du khách thập phương.

Có dịp du xuân về với đền Gắm chắc chắn sẽ đọng lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thập phương ở một di tích có bề dày lịch sử gắn với bản sắc văn hóa, con người nơi đây.

PV