Giao dịch cao tầng chiếm phần lớn
Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing vừa phát hành báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý 3/2024.
Báo cáo cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024, thị trường Hà Nội ghi nhận hơn 84.000 giao dịch, trong đó cao tầng Hà Nội (bao gồm sơ cấp và thứ cấp) đạt gần 46.000 giao dịch chiếm 55% giao dịch toàn Hà Nội, tiếp theo là loại hình thổ cư (38%).
Trong quý 3/2024, giao dịch cao tầng tăng 10% và là quý thứ hai liên tiếp tăng, còn thổ cư giảm 22% so với quý trước.
Đơn giá giao dịch trung bình chung cư và thổ cư đều ghi nhận tăng nhẹ với lần lượt 6% và 5% theo quý.
Xét về khu vực, trong quý 3/2024, quận Nam Từ Liêm dẫn đầu về lượng giao dịch với khoảng 7.000 giao dịch, tăng 68% so với quý 1, nhờ sự sôi động của cả thị trường chung cư mới và chuyển nhượng.
Huyện Gia Lâm đạt hơn 6.000 giao dịch, tăng cao nhất toàn thị trường. Giao dịch tại Gia Lâm tăng mạnh ở cả thị trường chung cư và thổ cư.
Quận Hà Đông có lượng giao dịch đứng thứ 3 đạt 4.000 giao dịch trong quý 3, chỉ giảm 6% so với quý 1, do thị trường thổ cư chững lại.
Các quận nội thành dù ghi nhận mức tăng trưởng cao (35-57% so với quý 1) nhưng lượng giao dịch chỉ duy trì 300-500 giao dịch/tháng.
Trong quý 3/2024, tổng lượng giao dịch căn hộ cao tầng (bao gồm cả giao dịch mới và chuyển nhượng) đạt khoảng 18.200 căn. Khu Tây vẫn giữ thị phần và số lượng bán cao hơn khu Đông ở cả hai mảng, nhưng tốc độ tăng trưởng giao dịch của khu Đông lại vượt trội.
Giao dịch sơ cấp cao tầng tại khu Đông trong quý 3 đạt 3.100 căn, thấp hơn khu Tây 4.900 căn. Giao dịch sơ cấp tại 2 khu vực này chủ yếu tập trung tại các phân khu mới mở bán của 2 đại đô thị Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City (93%).
Thị trường thứ cấp quý 3/2024 phân mảnh hơn thị trường sơ cấp khi khu Đông và khu Tây chỉ đạt 6.900 giao dịch, 73% thị phần trong khi khu khác chỉ đóng góp 2.500 giao dịch (chiếm 27% thị phần). Lượng giao dịch thứ cấp ở cả khu Đông và khu Tây đều đang thấp hơn giao dịch sơ cấp.
Theo OneHousing, phân khúc sản phẩm đang có sự thay đổi. Nếu 9 tháng đầu 2022 chủ yếu là căn hộ trung cấp, thì đến 9 tháng đầu 2024, tỷ trọng căn hộ trung cấp đã giảm, nhường chỗ cho phân khúc cao cấp tăng từ 36% lên 82%. Đặc biệt, nguồn cung hạng sang quay trở lại, chiếm 18% tổng nguồn cung và có xu hướng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Giá bán trung bình căn hộ sơ cấp toàn thị trường Hà Nội đã tăng đáng kể, từ 40 triệu đồng/m2 đầu năm 2022 lên gần 70 triệu đồng/m2 vào quý 3/2024. Trong đó, giá trung bình các dự án mở bán mới trong quý này đạt mốc gần 72 triệu đồng/m2 (chưa VAT và phí bảo trì), do nguồn cung căn hộ mở mới trong quý được ghi nhận chủ yếu là phân khúc cao cấp và hạng sang, chiếm 100% thị phần.
Riêng khu Đông có mức giá sơ cấp thấp nhất thị trường, khoảng 62 triệu đồng/m2, thấp hơn trung bình toàn thị trường gần 8 triệu đồng/m2. Điều này giúp các dự án cao tầng mới tại khu Đông thu hút sự quan tâm từ cả nhà đầu tư và người mua nhà ở.
Giá bán sơ cấp tại các quận khu Tây và khu vực nội thành hiện lần lượt đạt hơn 75tr triệu đồng/m2 và 93 triệu đồng/m2, cao gấp 1.2 lần và 1.5 lần so với khu Đông do nguồn cung hạng sang tập trung chủ yếu ở khu vực này.
Lượng giao dịch sơ cấp trong quý 3/2024 đạt khoảng 8.900 căn, tăng 10% theo quý và 160% theo năm. Tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào lãi suất ngân hàng thấp và các chính sách thanh toán linh hoạt từ chủ đầu tư, hấp dẫn cả khách mua ở lẫn nhà đầu tư.
OneHousing dự báo, năm 2025, thị trường chung cư Hà Nội dự kiến sẽ ghi nhận hơn 30.000 căn hộ mới, bằng hoặc cao hơn nguồn cung 2024. Khu Đông được kỳ vọng tiếp tục dẫn đầu nguồn cung thị trường năm 2025. Khu Tây có thể chỉ chiếm 29% thị phần do số lượng dự án mới hạn chế, trong khi khu Bắc sẽ góp 19% thị phần
Giao dịch thổ cư tập trung chủ yếu khoảng 5-15 tỷ
Theo báo cáo của OneHousing, thị trường thổ cư Hà Nội trong quý 3/2024 ghi nhận sự phân hóa rõ rệt giữa các khu vực. Khu Đông tiếp tục tăng trưởng mạnh về cả giao dịch và giá, trong khi khu Tây tuy không có nhiều thay đổi về giao dịch nhưng giá nhà tăng đáng kể. Trong khi đó, khu vực nội thành ghi nhận lượng giao dịch giảm nhưng giá vẫn tăng trên 10% so với đầu năm.
Tại khu Đông, quận Long Biên có khoảng 2.100 giao dịch trong quý 3, tăng 50% so với quý 1, giá nhà trung bình tăng 17%, cao hơn mức trung bình của thị trường (10%). Huyện Gia Lâm cũng ghi nhận 1.200 giao dịch, tăng gấp đôi so với quý 1, với giá tăng 11%. Sự phát triển của hai quận cho thấy khu Đông ngày càng thu hút mạnh mẽ cả nhà đầu tư và người mua để ở.
Tại khu Tây, quận Hà Đông ghi nhận giao dịch giảm 13% so với quý 1. Mức giá nhà ngõ ở đây đã tăng cao từ đầu năm, ngang bằng với nhiều khu vực nội thành, dẫn đến giao dịch có xu hướng chững lại.
Tại nội thành, quận Thanh Xuân và Tây Hồ có giao dịch giảm nhưng giá bán tăng từ 12% đến 17% so với quý 1. Trong khi đó, quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng ghi nhận giao dịch tăng khoảng 40% so với quý 1. Giá ở hai quận này chỉ tăng nhẹ, khoảng 5% so với đầu năm.
Giao dịch nhà thổ cư Hà Nội trong 9 tháng đầu năm chủ yếu tập trung ở khoảng giá 5-15 tỷ, chiếm 60% tổng lượng giao dịch. Xu hướng này diễn ra đồng đều tại các quận khu Đông, khu Tây và khu Nam.
Lượng giao dịch nhà thổ cư dưới 10 tỷ có xu hướng giảm dần từ 60% trong quý 1 xuống còn 40% trong quý 3 do mặt bằng giá nhà tại nhiều quận đã tăng cao, khiến người mua phải chuyển sang phân khúc 10-15 tỷ hoặc trên 20 tỷ, đặc biệt tại các quận trung tâm và nội thành.
Mặc dù giá nhà thổ cư tăng cao, khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng One Housing cho thấy 53% người có ý định mua nhà vẫn tin rằng giá nhà sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Bên cạnh đó, 23% cho rằng nhu cầu mua sẽ tăng và 17% dự báo nhu cầu bán cũng sẽ gia tăng trong thời gian tới. Dự báo quý 4, lượng giao dịch nhà thổ cư toàn thị trường có thể tăng nhẹ 2-3% so với quý trước, với khu Đông và khu Tây dẫn đầu, lần lượt tăng khoảng 9% và 6%, vượt mức trung bình thị trường.
Khoảng 70% khách hàng thổ cư cho biết họ vẫn có nhu cầu mua nhà thổ cư trong tương lai, trong đó các quận khu Tây và khu Đông vẫn được ưa chuộng nhất.
Khoảng 55% người khảo sát tin rằng quận Long Biên là điểm đến đầu tư tiềm năng nhất, tiếp theo là huyện Gia Lâm với 36%. Khu Tây cũng thu hút sự chú ý, với 37% đánh giá Nam Từ Liêm và 33% đánh giá Bắc Từ Liêm là các khu vực đáng đầu tư.
Về mức giá, 81% người dự định mua nhà trong tầm giá dưới 10 tỷ, với phân khúc 5-10 tỷ chiếm ưu thế (gần 50%).
Bà Hồ Thị Thu Mai, Giám đốc Nhà ở ngay, đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường thứ cấp cho biết, mỗi năm, có khoảng từ 150 - 200 nghìn người nhập cư tới Hà Nội và đều có nhu cầu mua nhà. Trong khi giai đoạn 2020-2023, Hà Nội chỉ có khoảng 10 nghìn sản phẩm mới được chào bán.
Do nhu cầu về nhà ở không được thị trường sơ cấp đáp ứng, nhu cầu mua nhà trên thị trường thứ cấp trong giai đoạn 2020-2023 rất lớn, khiến giá nhà ở thứ cấp tăng lên. Chủ đầu tư dự án sơ cấp căn cứ vào mức giá thứ cấp này và nhu cầu mua nhà để ở của người dân để xác định giá bán. Do đó, mức giá bán sơ cấp vì thế cũng tăng lên.
Thuỳ An