Bản thân anh Minh cũng là người mắc hội chứng tâm lý và đã trải qua những trạng thái lo âu trầm cảm trong thời gian dài và sau khi vượt qua những vấn đề này, anh đã chia sẻ và hỗ trợ nhiều người trong cộng đồng đồng hành cùng các vấn đề tâm lý nói chung và vượt qua các cuộc khủng hoảng. Bài phỏng vấn này nhằm mang đến góc nhìn thực tế từ những người trong cuộc.

Thưa anh, vì sao càng ngày càng nhiều người, đặc biệt là người trẻ, rơi vào khủng hoảng hiện sinh, mất phương hướng và lo âu trầm cảm?
Có một thuật ngữ dành cho vấn đề này là “Khủng hoảng hiện sinh” và có hai yếu tố quan trọng dẫn đến điều này. Thứ nhất, chúng ta đang sống trong một cuộc khủng hoảng thừa. Thời đại công nghệ, dữ liệu và nội dung bùng nổ mang lại nhiều thuận lợi, nhưng mặt trái là sự xuất hiện của nhiều nội dung rác, nhảm nhí và thiếu chiều sâu. Điều này khiến năng lực tư duy của con người bị phân mảnh. Khi trí óc bị phân tán vào những điều không cần thiết, những điều quan trọng như sự nghiệp, công việc và mối quan hệ đều bị ảnh hưởng. Chúng ta không còn đủ năng lượng và sự tập trung, từ đó các vấn đề nảy sinh.
Thứ hai, bối cảnh khủng hoảng chung của thế giới, từ dịch bệnh, chiến tranh đến các biến động lớn, đã khiến cuộc sống của chúng ta bị xáo trộn. Từ sau đại dịch COVID-19, nhiều mâu thuẫn giữa con người với con người đã xảy ra. Điển hình là làn sóng lay-off, cắt giảm nhân sự diễn ra quy mô lớn, đẩy nhiều người vào tình cảnh khó khăn hơn.
Yếu tố sức khỏe tâm lý ảnh hưởng như thế nào tới vấn đề này?
Sự thật là con người ngày càng thông minh hơn, nhạy cảm hơn, suy nghĩ nhiều hơn. Trong cộng đồng của tôi, hầu hết các bạn đều là những người trẻ có tư duy mạnh mẽ, sâu sắc và độc lập. Chính sự khác biệt này, cùng với việc phải sống trong những môi trường thiếu vắng sự thấu hiểu, đồng cảm, chấp nhận khiến họ phải trải qua khủng hoảng nhiều hơn. Tôi thường chia sẻ: chỉ có những người thông minh mới có cơ hội trầm cảm nhiều hơn, còn những người ít thông minh thì không. Suy nghĩ nhiều có thể giúp tạo ra giá trị vượt trội, nhưng cũng khiến chúng ta dễ rơi vào những trạng thái khó khăn về tâm lý. Nó như con dao hai lưỡi và chỉ những ai thực sự thấu hiểu bản thân, biết cách sử dụng con dao thì mới khó bị đứt tay.

Với tư cách là người từng trải qua khủng hoảng, anh có lời khuyên gì cho những người đang ở trong tình trạng này?
Mọi khúc cua trên đường đua đều là cơ hội để phân định tay lái khỏe hay yếu. Khi biến cố xảy đến, đó là lời nhắc nhở rằng hãy xem xét lại chính mình. Chúng ta dễ đổ vỡ khi mất cân bằng. Hãy tìm lại sự cân bằng trong tâm trí bằng việc kết nối lại với bản thân, yêu thương bản thân nhiều hơn, lọc ra và bỏ bớt những điều không cần thiết, chỉ giữ lại những thứ thực sự thuộc về chính mình. Một số lời khuyên đó là bạn hãy tìm cách thay đổi môi trường sống, kết nối nhiều hơn với thiên nhiên, cải thiện lại chế độ ăn uống sinh hoạt và dành cho mình những khoảng thời gian tĩnh lặng để chiêm nghiệm về những điều đã xảy đến để học ra những bài học và từng bước vượt qua. Đây là một hành trình đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và vững tâm, nhưng nó rất xứng đáng. Bạn sẽ trở lại mạnh mẽ và tích cực hơn khi vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Hy vọng bài phỏng vấn này sẽ mang lại những góc nhìn thực tế và hữu ích cho cộng đồng về vấn đề khủng hoảng hiện sinh và sức khỏe tâm lý.
Phương Thảo