Người lao động ảnh hưởng nặng nề
Số liệu của Tổng Cục Thống kê từ kết quả điều tra doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và báo cáo đánh giá của các địa phương về tình hình lao động việc làm cho thấy tính đến giữa tháng 4, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Khoảng 84,8% DN được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên công nhân lao động tại tỉnh Vĩnh Phúc
Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đây cho thấy thị trường lao động phản ứng với suy thoái kinh tế có độ trễ. Điều này là bởi các doanh nghiệp trước tiên luôn cố duy trì lực lượng lao động của mình lâu nhất có thể bằng cách cắt giảm sản lượng cho đến khi không còn tiếp tục duy trì được nữa. Sự tác động của dịch bệnh đến thị trường lao động có thể sẽ rõ rệt hơn trong quý 2.
Thực tế, đại dịch COVID-19 khiến nhiều DN xuất khẩu lớn thuộc ngành dệt may, da giày, điện tử, sản phẩm cao su, đồ gỗ, chế biến thực phẩm, phân bón, hóa chất... bị ảnh hưởng nặng nề. Ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng không chỉ giới hạn ở vấn đề nguồn cung nguyên vật liệu, mà cả thị trường tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu.
Đại diện các DN xuất khẩu cho biết, nhiều khách hàng lớn từ Mỹ và EU đã đề nghị doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam giãn, hoãn tiến độ giao hàng, chưa ký hợp đồng mới, thậm chí hủy hợp đồng. Dự kiến, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 là rất chậm.
Bên cạnh đó, ngành điện tử cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn khi ước tính doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung được dự báo sụt giảm. Samsung Việt Nam dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020 so với 51,38 tỷ USD năm 2019…
Xuất khẩu gạo phải vừa đảm bảo an ninh lương thực về lâu dài nhưng vẫn đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, thu nhập và đời sống của nông dân cũng như các doanh nghiệp kinh doanh lương thực
Các chuyên gia ILO dự báo đến cuối quý 2 khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6-10,3 triệu lao động tại Việt Nam. Người lao động (NLĐ) bị giảm số giờ làm, giảm lương, hoặc trong trường hợp xấu nhất là mất việc.
Trong bối cảnh hiện nay, việc đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động đang là vấn đề được ưu tiên. Thị trường lao động không “đóng băng” mà đã thay đổi cách thức hoạt động để thích ứng với bối cảnh mới: Việc tuyển dụng nhân sự được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Để hỗ trợ người lao động tìm việc trong đại dịch COVID-19, dự án “200.000 cơ hội việc làm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19” được triển khai trên 4 website Timviecnhanh.com, Vieclam24h.vn, Viectotnhat.com và Mywork.com.vn từ ngày 24/4 được tổ chức.
Chỉ chưa đầy một tuần triển khai đã thu hút gần 4.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia và trên 1.500 người lao động ứng tuyển. Đến nay, đã có hơn 10.000 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 300.000 lao động ở 30.000 vị trí việc làm.
Giải bài toán “khủng hoảng kép”
Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, về phương diện sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thể hiện là một trong những nước đi đầu trên thế giới, đã đến lúc chứng tỏ rằng Việt Nam cũng xuất sắc như vậy trong giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và thị trường lao động. Giờ chính là lúc cần có cách tiếp cận cân bằng để đối phó với cuộc khủng hoảng kép này.
Điều quan trọng cần làm là tập trung duy trì việc làm, bằng cách hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những doanh nghiệp có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động bằng các hình thức phân công công việc đảm bảo sức khỏe. Điều này sẽ giúp làm chậm lại và giảm thiểu cú sốc từ khủng hoảng việc làm.
Tiến sỹ Chang-Hee Lee nhấn mạnh cần giảm thiểu tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, nông hộ và khu vực nông nghiệp-nông thôn. Trong trường hợp sụt giảm mạnh nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, thì chính hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, đơn vị kinh doanh hộ gia đình và khu vực nông nghiệp-nông thôn mang lại sự hỗ trợ thay thế. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần tạo điều kiện để họ phát huy vai trò của mình trong giai đoạn quan trọng này với sự hỗ trợ của Chính phủ.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam Nguyễn Ðình Khang cho biết, cả nước có gần năm triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống... Gói hỗ trợ hơn 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, trong đó có đối tượng là NLÐ bị ảnh hưởng việc làm, giảm sâu thu nhập, đang được CNLÐ đón chờ. Tuy nhiên, đã xuất hiện biểu hiện một số DN cho NLÐ nghỉ việc để hưởng gói hỗ trợ từ Chính phủ thay vì tìm mọi cách khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất. Ðiều này có thể làm cho tình trạng lao động bị thôi việc, mất việc tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp việc làm, thu nhập, đời sống của NLÐ và gia đình họ.
Đảm bảo an toàn sức khỏe người lao động, giữ nhịp sản xuất
Tổng Liên đoàn đã báo cáo và kiến nghị Ủy Ban TVQH và Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung, giải pháp bổ sung hỗ trợ NLÐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, đề xuất Chính phủ nghiên cứu bổ sung đối tượng hưởng gói hỗ trợ. Ðề nghị các bộ, ngành chức năng và các cơ quản lý nhà nước ở địa phương tăng cường quản lý, hướng dẫn các DN tìm mọi cách khắc phục khó khăn, sắp xếp việc làm thích hợp cho NLÐ. Kiến nghị Chính phủ quy định những DN được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ sau khi ổn định và sản xuất trở lại, thì ưu tiên nhận NLÐ cũ vào làm việc và bảo lưu thời gian làm việc, tay nghề và mức lương trước đó của NLÐ.
Ðoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn thống nhất chủ trương triển khai gói hỗ trợ của tổ chức công đoàn dành cho đoàn viên, NLÐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Kêu gọi cán bộ công đoàn dành một phần tiền lương, tạo nguồn kinh phí chia sẻ với đoàn viên, NLÐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cắt giảm các hoạt động chưa thật sự cấp thiết nhằm tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ đoàn viên, NLÐ.
Các cấp công đoàn tập trung tăng cường tuyên truyền pháp luật lao động tới đoàn viên, NLÐ, nhất là các quy định về tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động để NLÐ hiểu rõ, đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của bản thân, của người sử dụng lao động. Từ đó, NLÐ có căn cứ lựa chọn phương án phù hợp, bảo đảm quyền lợi của bản thân, hạn chế các trường hợp tự viết đơn thôi việc.
Quan tâm thực hiện tuyên truyền về tác hại của việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cầm cố, bán sổ bảo hiểm xã hội. Giới thiệu hoạt động của các quỹ tài chính vi mô của tổ chức công đoàn để NLÐ vay ưu đãi, giải quyết phần nào khó khăn trong thời điểm dịch bệnh, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động "tín dụng đen" trong CNLÐ.
Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các cấp công đoàn cả nước đã chủ động, tích cực, nỗ lực phối hợp cơ quan liên quan, người sử dụng lao động phòng, chống dịch và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều LÐLÐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương hỗ trợ NLÐ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà trọ, phòng trọ, điện, nước sinh hoạt cho CNLÐ. Kết quả, hơn 1.000 chủ nhà trọ cam kết miễn, giảm từ 10% - 50% giá thuê, từ hai đến ba tháng, tổng tiền miễn, giảm khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Hầu hết các CÐCS chủ động phối hợp người sử dụng lao động thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, có phương án cho CNLÐ nghỉ luân phiên, nghỉ phép năm; bố trí các ca làm việc hợp lý. Ðối với NLÐ phải cách ly, CÐCS tham gia để DN thực hiện chi trả 70% lương, hoặc áp dụng tính ngày nghỉ phép năm, bảo đảm thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng theo quy định. Một số LÐLÐ tỉnh, thành phố hỗ trợ tiền mặt cho giáo viên khu vực ngoài công lập gặp khó khăn; phối hợp đối tác chương trình "Phúc lợi đoàn viên" hỗ trợ CNLÐ mua nhu yếu phẩm giá ưu đãi; lắp đặt các "cây ATM gạo"…
Các chuyên gia kinh tế nhận định, đại dịch COVID-19 làm gián đoạn đến chuỗi cung ứng toàn cầu khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa nguồn cung ứng và hạng mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia. Điều này tiếp tục củng cố thêm làn sóng dịch chuyển đầu tư và sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á mà địa điểm thu hút nhất chính là Việt Nam.
Đây là một dấu hiệu tích cực cho nhu cầu tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, để củng cố triển vọng Việt Nam trở thành điểm đến của sự dịch chuyển dòng đầu tư, thị trường lao động Việt Nam cũng cần có những chuẩn bị kịp thời về chất lượng và số lượng nhân sự để không ngừng tăng cường năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và sẵn sàng đón đầu những cơ hội mới sau đại dịch.
Cuộc chiến chống lại COVID-19 không còn đơn thuần là một thách thức về y tế, nó tạo nên một cuộc khủng hoảng kép về chăm sóc sức khỏe lẫn kinh tế-xã hội. Các biện pháp đưa ra để bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhưng song song với nó là cần bảo vệ sinh kế của người dân. Nếu không cứu được sinh kế của người dân, cuối cùng chúng ta cũng sẽ thất bại trong việc bảo vệ họ trong cuộc chiến chống COVID-19.
Hoan Nguyễn