Hình ảnh min họa
Hình ảnh min họa

Thông tin từ ThS.BS Đỗ Thúy Nga, phó Trưởng khoa Nội Tổng quát, Tung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện nhi Trung ương) cho biết: bệnh tay chân miệng có hai biến chứng thường gặpbệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên, năm nay Khoa chúng tôi tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ và cuối giấc ngủ; ngoài ra còn có biểu hiện là run chi, đi lại loạng choạng,…

ThS.BS Đỗ Thị Thuý Nga cũng khuyến cáo: bệnh tay chân miệng ở nước ta có xu hướng xảy ra vào mùa hè và đầu thu. Trong năm nay, từ tháng 4 tới tháng 6 là thời điểm bệnh tay chân miệng đang gia tăng số ca mắc. Đây là bệnh truyền nhiễm do virus gây nên, phổ biến là do nhóm Coxackievirus và Enterovirus 71. Hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp điều trị chính là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ, đồng thời theo dõi và điều trị các biến chứng, kháng sinh chỉ được dùng trong trường hợp có bội nhiễm.

Bệnh lây qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (bắt tay, ôm, hôn), tiếp xúc với đồ chơi, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, bề mặt có chứa virus. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt ở môi trường tập thể như các lớp mẫu giáo, trường học.

Hầu hết trẻ bị tay chân miệng hồi phục dần sau 7-10 ngày, giống như các sốt virus khác, nhưng cũng có một tỉ lệ gặp các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp…

Biểu hiện của bệnh như loét miệng: Các vết loét thường ở vòm khẩu cái, niêm mạc má, miệng, lưỡi khiến trẻ đau, khó nuốt, ăn uống kém, quấy khóc khi ăn. Ban phỏng nước nổi gồ trên da, sờ vào chắc, thường xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Trẻ có thể sốt nhẹ và sốt cao, nếu trẻ sốt cao khó hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.

Bác sĩ Thúy Nga cho biết thêm, đối với trẻ bị tay chân miệng ở mức độ nhẹ chỉ có loét miệng và mọc ban da, trẻ có thể được điều trị và theo dõi trẻ tại nhà. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bằng cách uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị. Vệ sinh răng miệng và thân thể hàng ngày tránh bội nhiễm.

Trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ cần theo dõi, nếu có các dấu hiệu nặng nên cho trẻ nhập viện: Trẻ sốt > 39 độ, nôn nhiều, giật mình. Trẻ có biểu hiện quấy khóc, bứt rứt, khó ngủ hay ngủ gà, lơ mơ. Trẻ run chân tay, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng. Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh. Về hô hấp, trẻ thở nhanh, thở bất thường, ngưng thở, rút lõm ngực, khò khè.

Theo bác sĩ Thúy Nga, bệnh tay chân miệng hiện chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu, nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh lây theo đường tiêu hóa như ngăn chặn nguồn lây, vệ sinh sạch sẽ là điều rất quan trọng.

Lương Huệ