Ảnh minh họa
Đó là nội dung trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, cần tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp chủ lực, có sức cạnh tranh, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH-HĐH đất nước; phát huy năng lực của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước gắn với khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Phải sớm có ô tô mang thương hiệu Việt Nam với chất lượng tốt, giá cả phù hợp với khả năng chi trả của người dân và cạnh tranh trong thị trường khu vực, thế giới. Do đó, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước có tiềm lực và uy tín hợp tác với các đối tác chiến lược trên thế giới tham gia nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp ô tô đạt mục tiêu trên.
Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà tiếp tục lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất, đủ sức cạnh tranh để tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô toàn cầu trên cơ sở đẩy mạnh tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Nhân rộng một số trung tâm/cụm công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, cơ sở đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa.
Mở rộng sản xuất lắp ráp ô tô
Để hoàn thành nhiệm vụ trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp sản xuất ô tô tiến hành tái cấu trúc ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở xác định dòng sản phẩm chủ lực, đặc trưng, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và nhu cầu của thị trường; từng doanh nghiệp tính toán đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ cần chủ động, tích cực liên kết, hợp tác sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa; đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế có tiềm lực để mở rộng sản xuất lắp ráp ô tô cũng như phát triển mạng lưới sản xuất sản phẩm phụ trợ công nghiệp ô tô theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bộ Công Thương chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý thống nhất, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa ô tô nhập khẩu và ô tô sản xuất trong nước, đáp ứng các nguyên tắc thị trường, phù hợp với các cam kết quốc tế;
Xác định rõ đối tác chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ, gắn với nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước đối với sản phẩm ô tô, đặc biệt là đối với dòng ô tô mang thương hiệu Việt Nam; tăng cường quản lý và xử lý các hành vi gian lận thương mại trong hoạt động nhập khẩu ô tô; thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nhằm nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm ô tô nội địa.
Điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi linh kiện, phụ tùng ô tô
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh thuế suất, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện, phụ tùng ô tô phù hợp với định hướng của Chính phủ và các cam kết quốc tế; nghiên cứu, đề xuất các chính sách thuế, phí, tín dụng ưu đãi phù hợp, đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và doanh nghiệp nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô gắn với thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận, tham gia chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu; tăng cường quản lý chặt chẽ giá trị tính thuế, xuất xứ xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, nhất là đối với các dòng xe nhập khẩu tăng đột biến trong thời gian gần đây.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới trên tinh thần cải cách hành chính, đơn giản hoá các thủ tục đăng kiểm kiểu loại xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, bảo đảm các tiêu chuẩn, kỹ thuật và quyền lợi của người tiêu dùng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đề xuất các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các dự án đầu tư có qui mô lớn tại Việt Nam, khuyến khích phát triển các sản phẩm, thương hiệu ô tô Việt Nam và những thương hiệu, sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, hướng tới xuất khẩu ra thị trường trong khu vực ASEAN.
PV