THCL TS. Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định: Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang bộc lộ nhiều hạn chế. Nếu những yếu thế đó chậm được khắc phục, đồng nghĩa với việc chấp nhận thua thiệt trong thời kỳ mới.

Nhiều hạn chế, bất cập

Sau 20 năm phấn đấu và trưởng thành, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng kể. Theo đó, có sự tham gia tích cực của các DN thuộc các thành phần kinh tế: 45 DN trong nước tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô; 60 DN sản xuất khung, gầm và thùng xe; 210 DN sản xuất linh phụ kiện; 12 DN FDI tham gia sản xuất (Toyota, Ford, Honda, Mitsubishi...). Tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô khoảng 460.000 xe/năm, gồm hầu hết các chủng loại xe con (công suất khoảng 200.000 xe/năm), xe tải và xe khách (công suất khoảng 215.000 xe/năm).

Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 07 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45% đến 55%), một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ… Bước đầu đã hình thành nên một ngành công nghiệp hỗ trợ, cung cấp một số phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; tích lũy được kinh nghiệm trong việc lắp ráp ô tô và sản xuất một số phụ tùng, linh kiện, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng và phát triển ngành sản xuất - chế tạo ô tô.

Bên cạnh một số kết quả đạt được, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn bộc lộ những mặt hạn chế. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 09 chỗ ngồi (ô tô con) còn thấp so với mục tiêu đề ra. Mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005; 60% vào năm 2010, tuy nhiên, đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%. Đặc biệt, ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm, lốp, sản phẩm nhựa… Mặt khác, chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các DN trong sản xuất, lắp ráp ô tô với sản xuất phụ tùng linh kiện và chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Những yêu cầu cấp thiết

Nguyên nhân chính của hạn chế trên là do Việt Nam là nước đi sau trong khu vực trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô con, trước khi các tập đoàn ô tô lớn đầu tư vào Việt Nam, họ đều đã đầu tư các dự án sản xuất ô tô con có quy mô lớn trong khu vực. Công suất các dự án sản xuất ô tô con thường được tính toán cho thị trường khu vực, chứ không tính riêng cho quốc gia đặt nhà máy sản xuất. Thị trường xe con có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các tập đoàn toàn cầu.

Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm từ những mặt được và chưa được trong quá trình thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với định hướng phát triển tập trung vào phát triển các sản phẩm xe con phù hợp với người Việt Nam và xu hướng phát triển xe con của thế giới (xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện với môi trường và giá cả phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam).

Đối với xe tải và xe khách, tập trung vào phát triển các chủng loại sản phẩm sản xuất trong nước có lợi thế và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, nông thôn; các loại xe chuyên dùng, gồm có xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn, xe khách tầm trung và tầm ngắn, xe chở bê tông, xi téc và đặc chủng an ninh - quốc phòng, xe nông dụng đa chức năng.

Đồng thời, về công nghiệp hỗ trợ, định hướng cho thời gian tới là tăng cường hợp tác giữa các DN trong nước và các DN lớn nước ngoài trong việc sản xuất linh kiện và phụ tùng, trong đó tập trung vào các bộ phận quan trọng, hàm lượng công nghệ cao để phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu.

gia linh (Thương hiệu & Công luận)