Chiều 4/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh quochoi.vn.

Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Đồng tình, nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Lê Thị Thanh Lam,Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng, năm 2024 tuy đạt được một số kết quả kinh tế quan trọng nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều rủi ro, hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, sức mua trong nước tăng chậm; nợ xấu có xu hướng tăng; lãng phí trong xây dựng tài sản công, đất đai còn lớn, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại một số dự án kéo dài; mua bán hàng giả, hàng cấm trên các nền tảng mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp…

Nhằm khắc phục các bất cập nêu trên, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị Chính phủ chỉ đạo, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số hài lòng của người dân; hạn chế tình trạng càng tinh giản thủ tục lại càng nhiều thủ tục thay thế hơn. Đồng thời đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia đồng bộ hơn, hiện đại, kết nối đa phương, thúc đẩy liên kết vùng, đảm bảo an toàn giao thông, chỉ đạo đồng bộ trong hệ thống giao thông, quan tâm chất lượng hệ thống cống, hạn chế mỗi lần cứ mưa lại ngập…

Cùng với đó, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị cần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, các vấn đề về môi trường, nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân; có giải pháp phòng, tránh bão, lũ từ sớm, từ xa.

Đại biểu cũng cho rằng, cần xây dựng nền nông nghiệp có giá trị cao hơn và phát triển bền vững trên cơ sở tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thí điểm xây dựng các sàn giao dịch nông sản trên các trang thương mại điện tử quốc tế có uy tín nhằm đưa nông sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu.

Có cơ chế đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và phù hợp với điều kiện của đa số người dân

Quan tâm đến chính sách học phí cho học sinh, sinh viên, nhất là hệ đại học, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nêu thực tế mức họp phí cấp đại học tại các trường tự chủ đại học, nhất là hệ chất lượng cao, học phí gấp đôi so với hệ đại trà. Người học luôn trong tình trạng nơm nớp lo ngại khi học phí tiếp tục leo thang, năm sau cao hơn năm trước 10%-30%.

Cử tri cho rằng, việc phân luồng đào tạo không chỉ dựa vào học lực, mà còn dựa vào điều kiện kinh tế gia đình của học sinh có khả năng đáp ứng 4 đến 5 năm đại học hay không. Con em gia đình khó khăn khó mà theo học đại học, mặc dù các em có năng lực học tập tốt. Vấn đề này cũng đã được đại biểu đề cập trước đây nhưng có ý kiến cho rằng, người nghèo thì có chính sách cho hộ nghèo, học sinh giỏi thì có chính sách học bổng, nhưng số này rất ít. Hiện nay, số lượng lớn gia đình có con em học đại học rất khó khăn về tài chính để trang trải kinh phí. Công tác quản lý, xây dựng ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, thẩm định, phê duyệt học phí, giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, cũng như việc kiểm soát của cơ quan chức năng thực hiện quản lý nhà nước là để xác định học phí sát đúng với chi phí phục vụ giảng dạy, bảo đảm phát triển sự nghiệp giáo dục, tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Các đại biểu tại Phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn.
Các đại biểu tại Phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn.

Đại biểu cho biết, hiện nay, các cơ sở đăng ký đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài thì được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó, nên học phí các trường đại học tăng quá cao.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, bộ, ngành liên quan xem xét đánh giá thực trạng và tăng cường vai trò quản lý nhà nước về vấn đề này, bảo đảm công khai, minh bạch; đồng thời có cơ chế đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và phù hợp với điều kiện của đa số người dân.

Vấn đề thứ hai liên quan đến chính sách hỗ trợ Nhân dân khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ, trên cơ sở kiến nghị của cử tri, đại biểu tiếp tục đề nghị Chính phủ sớm ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 48 trong, đó có nội dung sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình tàu cá làm căn cứ xác nhận vị trí hoạt động của tàu để thực hiện hỗ trợ cho ngư dân. Đồng thời, sớm sửa đổi Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để ngư dẫn tiếp tục được hưởng lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.

Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ thống nhất xây dựng tuyến giao thông kết nối khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến sân bay Chu Lai, tỉnh Quảng Nam tạo hành lang giao thông liên tỉnh, liên vùng Quảng Ngãi - sân bay Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, tạo thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa, hành khách và phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của sân bay Chu Lai…

Kiểm điểm rõ trách nhiệm việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật gây cản trở phát triển

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình nêu rõ, năm 2024 là năm nước rút, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết về kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Dưới sự quyết tâm lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt, sát thực tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có xu hướng phục hồi và phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đại biểu cho rằng phải thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề hạn chế trong thể chế, cơ chế đã ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của người dân. Trong đó phải nói đến tác động không nhỏ do ảnh hưởng của sự lãng phí diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua. 

Dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn có hại hơn nhiều, nó tai hại hơn tham ô và lãng phí rất phổ biến”, đại biểu nêu rõ, vấn đề này tại buổi làm việc về chống lãng phí Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa phân tích sâu sắc những tác hại và sự cần thiết phải đẩy mạnh chống lãng phí. Đồng thời tại phiên thảo luận tổ mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ các công trình, dự án bị bỏ hoang không sử dụng được.

Đại biểu Bế Trung Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh tranh luận
Đại biểu Bế Trung Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh tranh luận. Ảnh quochoi.vn.

Từ thực tiễn trên, đại biểu kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. Kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; giải pháp khắc phục điểm nghẽn ở thể chế đã được chỉ ra. Thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh.

Đặc biệt có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế cuộc sống, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cho địa phương tổ chức thực hiện với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng”. Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Cần giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

Tham gia phát biểu, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phân tích, chưa bao giờ hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long được dồn lực đầu tư mạnh mẽ như hiện nay. Từng là vùng trũng cao tốc, đến nay, vùng đã có 120 km đường cao tốc TP. HCM – Cần Thơ được đưa vào khai thác. Mục tiêu đặt ra là năm 2025, toàn vùng sẽ có khoảng 548 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác, năm 2030 là 763 km. Đây là những quyết sách quan trọng của Quốc hội, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mở ra cơ hội đầu tư, tạo đột phá về hạ tầng giao thông, thúc đẩy Đồng bằng sông Cửu Long phát triển vươn lên cùng cả nước.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ảnh quochoi.vn.

Đại biểu cho biết, biến đổi khí hậu đang là thách thức không nhỏ đối với hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế ghi nhận, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra tình trạng ngập nặng trên một số tuyến đường trong khu vực như các tuyến Quốc lộ 63, 54, 57, đặc biệt là Quốc lộ 1 đoạn qua các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau… Nguyên nhân chính của việc ngập nước trên các tuyến quốc lộ là do sụt lún nền đường.

Theo đại biểu, phát triển bền vững được xem là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành Nghị quyết đặc thù về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu thay cho Nghị quyết số 120 ngày 17/11/2017 của Chính phủ về Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là chủ trương có tính đột phá về phát triển để kiến tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu an toàn và thịnh vượng.

Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Nội dung Kết luận được ngành Giáo dục và xã hội quan tâm, hướng đến mục tiêu đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045. 

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Kết luận số 91, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo quan tâm nhiệm vụ “tiếp tục triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, gắn với thị trường lao động; đẩy mạnh phân luồng, tăng số lượng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp”. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng kết, đánh giá sâu kết quả thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025".

Đại biểu cho rằng, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án này, các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, bất cập; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp không đạt được mục tiêu của Đề án. Do đó cần sớm đánh giá, phân tích nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ ngành, trách nhiệm của gia đình, của xã hội, của các cơ sở giáo dục…, làm cơ sở để xây dựng lộ trình và giao trách nhiệm khi triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

PV (lược ghi)