Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khẳng định, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án là chưa đúng giá trị, chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền. Theo đó, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư (TMĐT) tại Quyết định 4880 năm 2011 lên 47.325 tỉ đồng (lớn hơn 35.000 tỉ đồng) là không đúng với Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội, bởi với quy mô vốn như vậy thì dự án phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cùng với đó, chiếu theo luật Xây dựng thì thẩm quyền quyết định dự án (quan trọng quốc gia) là thuộc về Thủ tướng.

Tương tự, việc UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ hoàn thành năm 2017 sang hoàn thành năm 2019 là không tuân thủ trình tự và thẩm quyền. Vì theo quy định, với dự án quan trọng quốc gia, khi kéo dài thời gian thực hiện từ 1 năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án metro Metro Bến Thành - Suối Tiên - Hình 1

Dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên phát lộ hàng loạt sai phạm

Đáng nói nữa là quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án được UBND TP.HCM thực hiện khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước cho biết, TMĐT được lập theo phương pháp xác định theo thiết kế cơ sở, nhưng hồ sơ thiết kế cơ sở không thể hiện đầy đủ nội dung, hạng mục công trình còn thiếu, không đủ cơ sở cho việc lập TMĐT. Đó là các phần xử lý nền đất yếu, phần công việc làm đường tạm, hệ thống chống tạm, vách thi công; phần quan trắc và bảo vệ các công trình tiện ích. Phần “công việc khác” được tư vấn xác định chi phí trong TMĐT mà không xác định được khối lượng công việc.

Ngoài ra, liên quan đến việc điều chỉnh, KTNN khẳng định, quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án được UBND TP HCM thực hiện khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn và quyết định phê duyệt TMĐT điều chỉnh không đúng giá trị lập. Cụ thể, giá trị TMĐT được lập với hai loại tiền, với mỗi loại tiền lại được tính toán trượt giá khác nhau (tiền đồng là 10,6%/năm, tiền yen là 2,4%/năm). Giá trị phê duyệt 236.626 triệu yen chỉ là giá trị tương đương tại thời điểm lập tháng 10-2009. Trường hợp phê duyệt chi bằng một loại tiền yen thì tất cả trượt giá phải được tính theo tiền yen và giá trị TMĐT điều chỉnh chi là 206.126 triệu yen (giảm 30.500 triệu yen)

Theo KTNN, việc Metro Bến Thành - Suối Tiên tăng vốn, ngoài nguyên nhân khách quan (giá nguyên vật liệu tăng và lương tối thiểu tăng từ năm 2006 đến 2009 làm tăng TMĐT lên 40%) thì cơ sở để làm căn cứ tăng vốn của UBND TPHCM là… không có cơ sở.

Cụ thể, cơ quan chức năng TPHCM lấy lý do tăng lưu lượng khách và khối lượng thực tế trong quá trình làm rõ thiết kế cơ sở, làm tăng tổng mức đầu tư lên  lên 43%. Tuy nhiên, dự báo lưu lượng khách là thiếu độ tin cậy và chính xác.

Ngoài ra, lượng khách tính toán tăng đột biến gấp hơn hai lần vào năm 2020 dựa trên thông tin về vận hành thông suốt tuyến số 1, 3a là không có cơ sở và thiếu chính xác.

Mặt khác việc tính toán 15% dự phòng cơ học cho tất cả các gói thầu là chưa phù hợp, nhưng vẫn được áp dụng để tăng TMĐT. Trong khi TMĐT được lập theo phương pháp xác định theo thiết kế cơ sở nhưng hồ sơ thiết kế cơ sở không thể hiện đầy đủ nội dung, hạng mục công trình còn thiếu, không đủ cơ sở. Chính vì vậy, KTNN khẳng định do hồ sơ thiết kế cơ sở không thể hiện đầy đủ, nhiều hạng mục công trình còn có khoảng 60% giá trị, chưa đảm bảo cơ sở để xác định giá trị tính toán...

 Do đó, tại phần kiến nghị, Kiểm toán Nhà nước đề nghị các đơn vị liên quan phải xử lý tài chính số tiền lên đến 2.898 tỉ đồng. Trong đó, thu nộp ngân sách hơn 18 tỉ đồng, nộp thuế giá trị gia tăng 53,5 tỉ đồng, giảm trừ các khoản thanh toán cho nhà thầu hơn 96,5 tỉ đồng và xử lý khác trên 2.648 tỉ đồng.

Trong tổng số tiền phải xử lý tài chính, phần lớn thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý đường sắt đô thị (2.864 tỉ đồng), còn lại thuộc Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1, quận Bình Thạnh và Tổng Công ty Samco.

 Hải Đăng (TH)