Một trong những nội dung của kế hoạch là hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch. Đến năm 2025 rà soát, lập, điều chỉnh các Quy hoạch đô thị, nông thôn, các Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Trong năm 2024 - 2025 tiếp tục rà soát bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; thông báo công khai danh mục các quy hoạch được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh hết hiệu lực theo quy định tại Điều 59 Luật Quy hoạch. Chủ động nghiên cứu xây dựng các đề án thay thế (nếu cần thiết) để đảm bảo duy trì ổn định công tác quản lý nhà nước và định hướng phát triển của tỉnh.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm kinh tế biển của quốc gia.
Các thành phố: Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển. Trong đó, Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; thành phố Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; thành phố Hà Tiên là đô thị di sản.
Giai đoạn sau năm 2030, sẽ thành lập Khu kinh tế ven biển Rạch Giá. Ngoài ra, sẽ thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Kiên Giang bao gồm Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và khu vực cửa khẩu Giang Thành.
Đến năm 2050, Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia và cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng. Phú Quốc là trung tâm dịch vụ du lịch, dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc, với nhiều giá trị khác biệt, đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hoá dân tộc và giá trị di sản, lịch sử của tỉnh được bảo tồn và thể hiện rõ nét.
Để đảm bảo duy trì ổn định công tác quản lý nhà nước và định hướng phát triển, tỉnh chủ động nghiên cứu xây dựng các đề án thay thế (nếu cần thiết). Hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ các dự án đã và đang thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công nhằm phát huy hiệu quả công trình, dự án mang lại; lấy đầu tư công kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội.
Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế, khu đô thị động lực; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các thành phố, tam giác phát triển chính đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi; giao thông; hệ thống cảng; cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, phòng cháy, chữa cháy, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư các dự án, gồm nông nghiệp, thủy sản (Khu nông nghiệp - thủy sản ứng dụng công nghệ cao); các cụm nhà máy chế biến sâu, chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao gắn với các vùng nguyên liệu; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng khu kinh tế; lấn biển, đảo nhân tạo; khu thương mại - dịch vụ và du lịch; khu phi thuế quan, kho ngoại quan; điện - năng lượng; cấp nước và môi trường; xử lý chất thải… dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực phúc lợi xã hội khác.
An Nguyên