Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, lượng kiều hối được chuyển về trong nửa đầu năm 2022 có giá trị bằng 44,5% so với năm ngoái. Nguồn ngoại tệ này góp phần quan trọng và có ý nghĩa đối với quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19 của TP. Hồ Chí Minh. Nguồn tiền này giúp thân nhân kiều bào ở trong nước có thể mở rộng sản xuất và phát triển các ngành du lịch, dịch vụ và thương mại.

Sáu tháng đầu năm 2022, kiều hối chảy về TP Hồ Chí Minh giảm 13% so với cùng kỳ.
Sáu tháng đầu năm 2022, kiều hối chảy về TP Hồ Chí Minh đạt 3,16 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, tổng lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm 13% so với cùng kỳ. Nguyên nhân lượng kiều hối giảm trong thời gian qua là do cuộc xung đột Nga-Ukraine và tình hình kinh tế ở một số quốc gia, khu vực trên thế giới gặp khó khăn, lạm phát cao vì chịu ảnh hưởng của giá dầu và giá lương thực tăng cao. Từ đó, thu nhập người lao động Việt Nam ở nước ngoài và khả năng tích lũy của kiều bào bị kéo giảm.

Theo các chuyên gia kinh tế, từ lâu, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm thu hút kiều hối lớn nhất nước do có nhiều người ra nước ngoài định cư. Trong khi đó, dòng kiều hối là nguồn ngoại tệ quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, giúp cải thiện cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối... Tuy nhiên, các thế hệ người Việt sinh sống ở nước ngoài tuổi ngày một cao nên số tiền họ tích luỹ được gửi về nước cũng dần mai một, trong khi những thế hệ trẻ thì không còn nhiều kết nối với thân nhân trong nước.

Vì thế, các chuyên gia đề xuất, thời gian tới, để thu hút mạnh hơn dòng kiều hối về Việt Nam, Nhà nước cần thực thi các chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực... tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực về dài hạn cho đất nước. 

Đặc biệt, cần tiếp tục có chính sách mở rộng hình thức vay vốn, tạo điều kiện cho lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động nước ngoài và khuyến khích mọi thành phần kinh tế mở rộng thị trường xuất khẩu, địa bàn hoạt động kinh doanh ở cả trong và ngoài nước...

Thêm nữa, cần có chính sách khuyến khích các chủ thể tham gia thị trường kiều hối, đặc biệt là các ngân hàng thương mại trong việc cung cấp tiện ích dịch vụ kiều hối. Khi dòng kiều hối được chuyển qua kênh ngân hàng nhiều hơn, các ngân hàng thương mại có cơ hội tăng thu hút tiền gửi từ chuyển đổi ngoại tệ sang VND, thêm nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế.

Nguyễn Tùng