Cụ thể, trong bối cảnh những tháng đầu năm 2022, các vấn đề về địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế thương mại trên thế giới nhưng tính đến hết quý 1/2022, lượng kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 1,775 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2021và bằng gần 25% so với lượng kiều hối chuyển về cả năm 2021. 

Quý I/2022, kiều hối về TP. Hồ Chí Minh đạt 1,775 tỷ USD, tăng 14,2% so cùng kỳ
Quý I/2022, kiều hối về TP. Hồ Chí Minh đạt 1,775 tỷ USD, tăng 14,2% so cùng kỳ. (Ảnh: TL)

Theo đại diện ngân hàng nhà nước, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, sở dĩ lượng kiều hối về Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn tăng (năm 2021 kiều hối về TP. Hồ Chí Minh cao kỷ lục với 7,1 tỷ USD - chiếm hơn một nửa lượng kiều hối của cả nước), mặc dù nền kinh tế các nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 nhưng sự quan tâm của kiều bào luôn hướng về Tổ quốc cũng như các chính sách, hệ thống chi trả kiều hối tiện lợi đã hút lượng kiều hối về nước khá tốt.

Hiện kiều hối chiếm khoảng 12% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là nguồn lực vàng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của TP. Hồ Chí Minh nói riêng.

Cũng theo ngân hàng nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đánh giá, mặc dù những tháng đầu năm 2022 tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tác động lên các thị trường và thương mại quốc tế, nhưng lượng kiều hối vẫn tăng khá. Ngân hàng nhà nước có khả năng vẫn giữ chính sách lãi suất phù hợp để hỗ trợ cho các nỗ lực phục hồi.

Nguyễn Tùng