Tại hội thảo, đề cập đến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) truy xuất nguồn gốc sản phẩm để tham gia bền vững vào các thị trường trong nước và quốc tế, ông Bùi Bá Chính - Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết, là cơ quan được giao chủ trì triển khai thực hiện Đề án 100 của Thủ tướng Chính phủ về truy xuất nguồn gốc, đến nay Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đang xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hoá quốc gia với mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, ngành và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.

“Cổng thông tin truy xuất sẽ thu thập và chia sẻ các trường thông tin quan trọng của từng chủng loại sản phẩm. Việc kết nối chia sẻ dữ liệu cũng theo các chuẩn chia sẻ kết nối của Tổ chức mã số mã vạch quốc tế (GS1) để giúp các hệ thống vệ tinh thuận lợi trong việc kết nối với cổng. Dự kiến pha đầu tiên sẽ hoàn thành vào quý IV năm 2021”, ông Chính cho biết.

Trên thực tế, để việc truy xuất nguồn gốc được áp dụng rộng rãi, theo ông Chính là rất cần nhiều nhà cung cấp phát triển các giải pháp đạt chuẩn tham gia. Việc kết nối với Cổng quốc gia hoàn toàn không bắt buộc trong đa số các lĩnh vực. Doanh nghiệp có thể tự đánh giá về lợi ích trong việc tham gia để đưa ra quyết định kết nối. "Ví dụ như việc xuất khẩu một số loại hoa quả chính ngạch đi Trung Quốc, việc kết nối thông tin với công sẽ tạo thuận lợi hơn trong thủ tục thông quan của phía hải quan Trung Quốc", ông Chính cho hay.

Ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết, hiện Trung tâm thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc để nâng cao vị thế, thương hiệu trên thị trường.
Ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết, hiện Trung tâm thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc để nâng cao vị thế, thương hiệu trên thị trường.

Hiện, Trung tâm mã số mã vạch Việt Nam đang phối hợp với Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối cho DNNVV Việt Nam thực hiện chương trình hỗ trợ DNNVV áp dụng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc để nâng cao vị thế thương hiệu trên thị trường. Theo đó, trong khuôn khổ Hợp phần 3 “Kết nối thị trường” của Dự án này, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia sẽ sàng lọc và lựa chọn doanh nghiệp để triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp xây dựng và định vị thương hiệu, thêm đó sẽ hỗ trợ doanh nghiệp TXNG, đăng ký mã số mã vạch, và thúc đẩy đưa sản phẩm, dịch vụ lên các sàn thương mại điện tử nhằm tăng cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường.

Đánh giá về thực trạng quan tâm của doanh nghiệp và người tiêu dùng về truy xuất nguồn gốc, đại diện chủ sở hữu sàn thương mại điện tử nông sản Foodmap, ông Phạm Ngọc Anh Tùng - Giám đốc Công ty CP Công nghệ và Thương mại UFO, nhận định là có nhưng chưa nhiều. “Thứ nhất, người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen quét mã vạch khi mua, đây là một trong những rào cản rất lớn mà cần có thời gian để hành vi người tiêu dùng thay đổi, nhiều người có thói quen hơn. Thứ hai, việc người tiêu dùng khi quét mã vạch truy xuất thì đa số hiện nay là những mã vạch vô hồn, chỉ có số liệu chung chung mà đôi lúc người tiêu dùng không quan tâm. Điều đó dẫn tới việc người tiêu dùng không thấy cần thiết khi quét và cũng nhận được thông tin nhiều khi quét mã vạch”, ông Tùng lý giải.

Đứng ở góc độ kinh doanh, doanh nghiệp phải hiểu làm truy xuất nguồn gốc là có lợi cho họ, giúp họ có một hệ thống rà soát truy vết khi sự cố xảy ra đối với sản phẩm, và nếu họ làm tốt mặt nội dung, hình ảnh thì khi quét QR code sẽ giúp khách hàng hứng thú hơn và tạo ra nhiều giá trị khác. Điểm cốt lõi vẫn là ở doanh nghiệp: tính trung thực và khả năng nhìn nhận tầm quan trọng về truy xuất nguồn gốc, ông Tùng nhận định.

Hà Thủy