Cần cơ chế tháo gỡ nhanh để doanh nghiệp phục hồi và phát triển
Sau thời gian dài lao đao vì Covid-19, doanh nghiệp bước vào quá trình phục hồi nhưng lại đối mặt với khó khăn khi kinh tế toàn cầu đối mặt với khủng hoảng, lạm phát cao, lãi suất trong nước điều chỉnh tăng và khó về dòng tiền. Chính sách nào để giúp doanh nghiệp bớt khó là câu chuyện được quan tâm hiện nay.
Chia sẻ tại Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam là sự kiện được tổ chức hàng năm do Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ) chủ trì với chủ đề "Thách thức chính sách kinh tế vĩ mô hậu Covid-19" diễn ra ngày 24/11, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, về chính sách cần có tầm nhìn dài hạn, chính sách hiện nay đang giải quyết vấn đề sự vụ, dưới góc độ của doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước họ không lớn lên được nếu mải chạy theo sự vụ mà không tạo ra chính sách dài hạn để doanh nghiệp phát triển.
Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp đang có động lực mạnh mẽ để cải thiện nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ nâng cao năng suất, đồng thời nỗ lực đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự. Nếu có chính sách thúc đẩy họ, sẽ có sự vượt lên mạnh mẽ.
Ông Cung cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam cứ 10 năm lại giảm đi 1 điểm phần trăm và hiện chưa nhìn thấy động lực để thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang chịu những cú đánh bồi. Trần tín dụng, tăng lãi suất là hai cú đánh bồi vào doanh nghiệp. Một cú đánh bồi nữa là tiền sử dụng đất tăng khiến doanh nghiệp gồng mình chi trả chi phí trong bối cảnh khó khăn. Nếu không có chính sách tháo gỡ sẽ chậm đi cơ hội phát triển.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn chịu nhiều gánh nặng về chi phí trong đó có những khoản thu không liên quan hoạt động kinh doanh tăng lên như 2% thuế công đoàn, doanh nghiệp lỗ vẫn phải nộp
Kiến nghị chính sách tạo động lực cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Cần có sự thay đổi mang tính đột biến đặc biệt thay đổi trong triết lý phát triển, chỉ có thay đổi như thế mới có tư duy thiết kế lại hệ thống chính sách nếu không sẽ tiếp tục giảm đà tăng trưởng”.
Nền kinh tế đang “ấm lên từ đáy”
Theo Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, doanh nghiệp hiện nay đối mặt không chỉ vấn đề giá và nguồn vốn mà là vấn đề thị trường, làm ra không bán được cho ai. Tuy nhiên, ông có niềm tin ở doanh nghiệp tư nhân với khả năng phát triển tốt.
“Trạng thái hiện nay năm 2022 tăng trưởng khá tốt, thậm chí rất tốt, có thể tạo giai đoạn mới về tăng trưởng khi xuống đáy”, ông Ánh nhận định
Nhìn vào lịch sự phát triển kinh tế Việt Nam, ông Ánh cho hay, kinh tế Việt Nam cứ rơi xuống đáy lại vững vàng đi lên.
Những năm 1994-1995 kinh tế Việt Nam đang phát triển thì lại bị dội một gáo nước lạnh khủng hoảng kinh tế khu vực diễn ra vào năm 1997, Việt Nam bị ảnh hưởng và rơi xuống đáy vào năm 1999 sau đó đi lên.
Năm 2007, kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt thì năm 2008 khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề và rơi xuống đáy vào năm 2009, sau đó bật dậy tăng trưởng tốt trong một giai đoạn dài sau đó.
Các chuyên gia nhận định, chu kỳ tăng trưởng 10 năm, đáy của kinh tế có thể nổ ra vào năm 2019, nhưng năm 2019 kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp những quan ngại.
Năm 2020-2021 đại dịch Covid-19 xảy ra, bao phủ nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng chịu tác động mạnh, đáy không rơi vào năm 2019 mà rơi vào giai đoạn 2020-2021. Sau đó năm 2022, kinh tế Việt Nam bật lên tăng trưởng tốt cùng với nền quá trình phục hồi hậu Covid-19.
Tuy nhiên, sự thay đổi đột ngột về chính sách tiền tệ thắt chặt khi Ngân hàng Nhà nước công bố tăng lãi suất 1% (từ 23/09/2022) và sau đó một tháng tiếp tục tăng lãi suất thêm 1% (từ 23/10/2022). Hai đợt tăng lãi suất đó cho thấy chính sách thắt chặt tiền tệ rõ ràng.
Ông Vũ Đình Ánh cho rằng, chính sách tiền tệ thắt chặt vừa đảm bảo tăng trưởng vừa đảm bảo lạm phát nghịch chu kỳ thì chính sách tài khoá phải nới lỏng thông thường cắt giảm thuế. Hiện đã giảm thuế VAT cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi liệu tới đây có nên vừa giảm thuế vừa tăng chi ngân sách Nhà nước từ dưới 30% lên 35% trong tổng chi đầu tư hay không, thúc đẩy kích cầu kinh tế thông qua chính sách.
Hiện nay, giải ngân đầu tư công đang chậm, mới đạt hơn 60% kế hoạch trong khi chỉ còn hơn một tháng nữa kết thúc năm 2022
Về vấn đề này, Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính có niềm tin giải ngân đầu tư công sẽ về đích trong năm 2022, tốc độ giải ngân được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm.
Theo ông Cường, thu ngân sách ở Việt Nam có xu hướng giảm về tỷ trọng so với GDP điều này cho thấy thu ngày càng khó khăn hơn, nhưng vẫn phải tăng thu để đảm bảo chi, dù việc chi cần phải chú trọng vào tính hiệu quả.
Lê Pháp (t/h)