Do những năm tháng tù đày bị địch tra tấn dã man nên không ít người sau khi về sum họp với gia đình đã bị bệnh hiểm nghèo ra đi về với ông bà, tổ tiên. Ông Trần Bích, chú tôi là người ra đi cuối cùng vào trưa ngày 29/9/2021, tức ngày 23/8 năm âm lịch . Hưởng thọ 90 tuổi.
Theo lời chú tôi khi còn sinh thời kể lại: Ông là người được ông bà nội tôi cho ăn học cao nhất trong họ tộc Trần. Học xong ở trường Rừng Xanh, ông về quê sống nghề dạy học. Ông là mẫu thầy giáo nghiêm khắc dạy dỗ nhiều học trò trong làng, trong xã, lớn lên tham gia kháng chiến và nhiều người thành đạt sau năm 1975. Thời gian sống nghề dạy học của ông không nhiều nhưng đã để lại nhiều ký ức đẹp cho nhiều học trò ở địa phương. Năm 1968, ông đang dạy học trường làng thì bị địch bắt giam ở nhiều nhà tù trong đất liền rồi sau đó đưa ra đảo Côn Sơn. Bảy năm bị tù Côn Đảo là thời gian khổ ải nhất của cuộc đời ông. Thấy ông là người mẫu mực đạo đức tốt nên tổ chức phân công ông ở lại quản lý cơ sở vật chất nhà tù Côn Đảo, mãi đến tháng 04/1976, ông mới được về sum họp với gia đình. Lúc sinh thời ông thường kể cho con cháu nghe những mẩu chuyện về những năm tháng tù đày ở Côn Đảo. Ông và nhiều bạn tù quê tỉnh Quảng Ngãi bị tù Côn Đảo đã bị địch tra tấn đủ mọi cực hình, ăn uống kham khổ, xích xiềng nhiều ngày trong bóng tối nên nhiều người tù đã bị chết hoặc bị sưng phù chân tay.
Sau năm 1976, ông về quê huyện Sơn Tịnh công tác, cán bộ phụ trách ở nhiều cơ quan như: Phòng giáo dục huyện Sơn Tịnh, Phòng Văn hóa thông tin, Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ông là một cán bộ liêm chính mẫu mực. Cả đời ông sống giản dị, khiêm tốn, tiết kiệm, gần dân và sát dân, ông luôn giáo dục con cái phải lo tự học, tự tìm việc làm chứ cha thì không đi xin việc được. Ngôi nhà ông đang là ở là đất ông bà để lại và người em gái cho vật liệu xây dựng nên. Có lần về quê, tôi tận mắt nhìn thấy, chú tôi chạy theo trả lại quà cho một giáo viên xin thuyên chuyển công tác từ huyện miền núi về huyện Sơn Tịnh. Chú nói, với người giáo viên ấy, nếu nhận lại quà biếu thì chú mới ký cho thuyên chuyển.
Ngày ông nghỉ hưu, tài sản chẳng có gì ngoài chiếc cặp tài liệu và chiếc xe đạp cà tàng. Ông về ở làng An Vĩnh Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, nay là TP. Quảng Ngãi cùng người vợ hiền Trương Thị Hơn sống cuộc đời đạm bạc. Bài học quí giá nhất chú tôi ra đi để lại cho con cháu tộc họ Trần và bà con làng An Vĩnh là đạo đức sống là tình thương yêu đoàn kết là đức tính liêm chính chí công vô tư. Trước khi vĩnh biệt cõi trần, ông còn gọi tôi đến nhắc nhở, nhớ nếu có điều kiện hãy cho con cháu mình đi du lịch Côn Đảo một lần, để con cháu biết được địa ngục trần gian của chế độ tù đày thực dân Pháp và đế quốc Mỹ từ trước năm 1975. Và đến đây, con cháu chúng ta sẽ thấy rõ hơn những mất mát, đau thương do chiến tranh gây nên.
Thực hiện di nguyện của ông, đầu tháng 07/2022 gia đình tôi tổ chức chuyến du lịch về với Côn Đảo yêu thương. Máy bay vừa hạ cánh, Côn Đảo hiện lên trước mắt tôi là một vùng biển đảo đẹp. Có bãi tắm Đầm Trầu nên thơ và trong xanh; có rừng nguyên sinh xanh chạy quanh đảo với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Anh tài xế hiền lành mến khách, chở chúng tôi đi thăm những di tích lịch sử, Cầu tàu, Buồng giam những chiến sĩ cách mạng và viếng Nghĩa trang Hàng Dương cùng mộ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu… Ba ngày, chuyến du lịch đầu tiên của gia đình tôi nơi Côn Đảo là ba ngày đáng nhớ của đời tôi. Đúng như những lời chú tôi đã kể, Côn Đảo là nơi địa ngục trần gian trước năm 1975. Các bạn hãy một lần đến với vùng đất này, để hiểu thêm về chế độ tàn ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và càng biết ơn máu xương của cha ông ta đã đổ xuống cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và độc lập tự do ngày hôm nay.
Rời Côn Đảo trong một ngày nắng đẹp, để lại nhiều ký ức trong tôi đáng nhớ. Nếu có dịp đi du lịch, tham quan… Côn đảo sẽ là địa chỉ tôi trở lại…
Trần Đình Quang